43 cú sút trong 120 phút (so với 9 của Chelsea), 20 quả phạt góc, 3 quả penalty bị bỏ lỡ, một bàn thắng, và hàng triệu nỗi đau. Một thất bại nghiệt ngã, đau đớn và có phần tạo cảm giác bất công của Bayern, nhưng đó thực tế cũng là cái giá mà họ, cũng như bóng đá Đức, buộc phải chấp nhận.
Bayern chẳng có lý do gì để “từ chối” vô địch Champions League mùa này. Họ được chơi trận chung kết trên sân nhà, điều mà trước đó chỉ xảy ra 3 lần trong lịch sử C1/Champions League. Đối thủ của họ đang ở vào giai đoạn thoái trào và được dẫn dắt bởi một HLV quá ít kinh nghiệm huấn luyện, chưa nói là kinh nghiệm ở châu Âu.
Gió phần phật thổi theo ý họ trên sân: Bayern chơi áp đảo, thậm chí là không cho đối phương hưởng một quả phạt góc nào trong 87 phút đồng hồ, đã ghi bàn thắng dẫn trước vào thời điểm trận đấu chỉ còn 7 phút nữa là kết thúc. Và ngay cả khi để Chelsea gỡ hòa, thì trong hiệp phụ, đội bóng xứ Bavaria thậm chí còn được trao thêm một cơ hội nữa để kết liễu đối thủ, từ chấm 11 mét. Robben đá hỏng? Chelsea vẫn “cương quyết” trao thanh kiếm vào tay Bayern, với quả phạt đền đá hỏng của Juan Mata ngay lượt đầu tiên. Còn đòi hỏi gì nữa đây?
Bayern đã đánh rơi chiến thắng trên sân nhà
Nhưng rốt cục, tất cả vẫn tuột khỏi tay Bayern. Phải, bàn thắng ở quả phạt góc đầu tiên được hưởng trong trận cho thấy sự thực dụng của Chelsea, nhưng đội bóng áo xanh thật ra đã nhiều lần đưa đầu họ vào thòng lọng và “mời” Bayern siết nó lại. Chẳng có điều kỳ diệu nào ở đây cả. Chỉ có một đội bóng liên tục sai lầm và một đội cực kỳ lóng ngóng trong việc giải quyết những sai lầm mà đối thủ đã bày ra. Như một mâm cỗ ê hề, nhưng Bayern chỉ động đũa một cách uể oải.
“Văn hóa chiến thắng” bị đánh mất?
Đó không phải là điều chỉ diễn ra trong hơn hai giờ đồng hồ khắc khổ rạng sáng qua. Bayern đã từng thiết lập được khoảng cách 8 điểm sau 8 vòng đầu tiên ở Bundesliga trước Dortmund, và vào thời điểm họ vượt qua bảng tử thần Champions League một cách rất ung dung, thì đội bóng Vàng đen thậm chí còn không lấy nổi một suất xuống chơi ở Europa League. Nhưng rốt cục, tất cả vẫn tuột khỏi tay đội bóng xứ Bavaria.
Ở Bundesliga, Cúp QG Đức, và bây giờ là Champions League. Họ đá hay và đẹp, nhưng tính hiệu quả là cực thấp. Họ tạo ra không ít khoảnh khắc bùng nổ, nhưng thiếu sự vững vàng. Họ đến gần đỉnh cao, không phải một, mà 3 lần mùa này, nhưng cái với tay đắt giá cuối cùng đã không đến. Giống như Leverkusen của 11 năm về trước. Nhưng cú vấp ngã của Bayern đau đớn hơn, bởi Leverkusen 2002 chỉ được xem là ngựa ô trên cả ba mặt trận, và màn trình diễn kiên cường của họ trước một trong những phiên bản Madrid mạnh nhất lịch sử ở trận chung kết đáng được ngả mũ hơn thất bại kiểu tự sát của Bayern rạng sáng qua.
Điều gì vừa xảy ra với đội bóng được đánh giá là mạnh nhất nước Đức và là một thế lực ở châu Âu? Hãy nhìn lại bóng đá Đức nửa thập kỷ qua: Chúng ta có đội về thứ ba ở World Cup 2006 trên sân nhà, á quân EURO 2008, lại về ba ở World Cup 2010, và thêm hai lần á quân khác của Bayern tại Champions League ba năm qua. “Văn hóa về nhì” sắp thành bản chất, dù ở cấp độ ĐTQG lẫn CLB, người Đức đẹp đẽ hơn, cuốn hút hơn rất nhiều, trong cuộc cách mạng của bóng đá tấn công nửa thập kỷ qua.
Nhưng có một sự “thế chấp” đã diễn ra ở đây. Người Đức đã từng sở hữu những phẩm chất cực mạnh về tinh thần giúp họ xây đắp một “năng lực” đặc biệt: Chơi không hay, nhưng vẫn chiến thắng, và ở vào giai đoạn mất phương hướng, vẫn có thể giành danh hiệu (như chức vô địch EURO 1996 của đội tuyển Đức). Với những cuộc chiến căng thẳng và được định đoạt chỉ trong khoảnh khắc, thì yếu tố bản lĩnh và sự lì lợm đặc trưng của chất Đức nguyên bản vẫn vô cùng đáng giá. Ở thất bại vừa qua, thì có một sự phủ nhận rất mạnh đã xuất hiện với những gì mà người Đức đeo đuổi nửa thập kỷ qua: Đẹp hơn, hấp dẫn hơn, sáng tạo và linh động hơn, nhưng cũng mong manh hơn, dễ dãi hơn và không biết cách tàn nhẫn khi cần thiết.
Anh không tàn nhẫn với kẻ địch, thì cũng có nghĩa là tàn nhẫn với chính anh. Bayern đã thua theo một cách rất tàn nhẫn, nhưng đó là một bài học đắt giá cho hành trình tìm kiếm tương lai không chỉ của họ, mà còn của bóng đá Đức. Họ đã có lời cảnh tỉnh rõ ràng nhất, và đã đến lúc suy nghĩ một cách nghiêm túc về một nền bóng đá đẹp hơn, hấp dẫn hơn, nhưng đang dần để tuột “văn hóa chiến thắng” khỏi tay.
“Phụ nữ” và “thiếu nhi” cũng chỉ về nhì Bayern không chỉ hoàn tất cú “ăn ba” á quân cho bản thân họ, mà còn hoàn tất một cú… hat-trick về nhì của bóng đá Đức trong năm 2012. Một tháng trước, đội U-17 Đức, nhà vô địch châu Âu năm 2009, đã thất bại trước U-17 Hà Lan trong trận chung kết, cũng sau một trận đấu kết thúc với tỉ số hòa 1-1 sau 120 phút, để rồi các cậu bé Đức thua 4-5 trên chấm phạt đền. Hai ngày trước khi trận chung kết Champions League bóng đá nam giữa Bayern và Chelsea diễn ra, đội nữ Frankfurt đã thua đội nữ Lyon 0-2 trong trận chung kết Champions League nữ diễn ra tại sân Olympia, cũng ở Munich. Điều trùng hợp là đây vốn là sân cũ của Bayern, trước khi họ chuyển sang Allianz. Với bóng đá nam, thì về nhì đã trở thành “thói quen” một thập kỷ qua: ĐTQG Đức là á quân ở World Cup 2002 và EURO 2008, về thứ ba ở World Cup 2006 và World Cup 2010. Ở cấp CLB, thì Bayern đã về nhì đến 3 lần trong 13 năm qua, vào các năm 1999, 2010 và 2012, chỉ vô địch vào năm 2001, với chiến thắng trước Valencia trên chấm phạt đền. |