Thứ Năm, 14/11/2024 Mới nhất
Zalo

Vĩ thanh MU - Real: Chiếc thẻ đỏ và nỗi buồn trong đôi mắt Ronaldo

Thứ Tư 06/03/2013 06:45(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
(Bongda24h) - Real Madrid giành vé đi tiếp không giống như cách mà người ta chờ đợi. Vẫn đó những con mắt hậm hực, những lời sỉ vả quá trớn hay những câu chửi thề không ngượng miệng được các khán giả, các cổ động viên, các cầu thủ hay ban huấn luyện của Man Utd đưa ra, nhắm vào Cuneyt Cakir, trọng tài chính bắt trận đấu này. Đừng cho rằng người viết quá lời, sự thật là vậy. Và bóng đá là vậy, Man Utd ở một chừng mực nào đó, phải chấp nhận hậu quả này, bất chấp việc ai cũng hiểu họ phát rồ lên đến như thế nào.


Oan nghiệt. Chỉ có thể nói 2 từ ấy để tóm tắt một cách ngắn gọn nhất trận đấu này. Suốt 56 phút đầu tiên, Jose Mourinho trầm tư ngồi trên hàng ghế chỉ đạo của Real Madrid, loay hoay lắp ghép các con bài rời rạc để "cố" mà ra được một thế trận tấn công, nhưng là tấn công nửa vời. Một trận đấu có phần vô lý khi một đội chơi tấn công, một đội chơi phòng ngự nhưng người ta chẳng hề thấy được một thế trận lấn lướt của đội chủ động công phá, Real Madrid. Mourinho có lúc nằm đầu gục lên tay trên băng ghế HLV của Real, ông nhìn các học trò của Sir Alex Ferguson phòng thủ hoàn toàn chủ động và trên chân, trong tư thế của người lường trước được thế trận nhưng chẳng thể xoay xở được gì. Cả hiệp 1 chứng kiến sự vượt trội, sự bậc thầy trong chiến thuật phòng ngự của Man Utd: giữ cự ly đội hình xuất sắc, những đường phản công hoàn hảo (chỉ trừ khâu... dứt điểm), Giggs 40 mà như 20 tuổi, Welbeck tự dưng thay thế Rooney xuất sắc, Rafael chơi trưởng thành vượt bậc, Vidic - Ferdinand chắc chắn như thể chính họ cách đây 3, 4 năm. Nói chung là nghệ thuật phòng ngự mà Sir Alex bày ra không khác gì cách AC Milan chống lại Barcelona cách đây 3 tuần. Không cầu kì, hoa mỹ, nhưng khoa học, chặt chẽ và không có lấy một kẽ hở.

Di Maria rời sân, được thế chỗ bởi Kaka, mọi thứ chẳng có gì đổi khác sau suốt 10 phút đầu tiên của hiệp 2. Real vẫn đâm đầu vào một bức tường như thể bị ma ám, dồn lên, dồn lên rồi lại dồn lên nhưng bất lực. Không có bàn thắng, Real sẽ bị loại. Sau khi Ramos đá phản lưới nhà vô duyên, Real càng cuống cuồng, chuyền nhiều hơn và cũng chuyền hỏng nhiều hơn. Mourinho vẫn trầm tư trên băng ghế chỉ đạo. Thời gian cứ trôi đi và chẳng mấy khi người ta thấy Người Đặc biệt bất lực đến thế. Lúc ấy người ta mới trộm nhớ ra rằng Mou kém Sir tới 20 tuổi, và rằng khỏi cần bàn đến việc ai là người cao tay hơn, khi Sir bắt đầu dẫn dắt MU, Mou vẫn còn đang là một chàng thanh niên nông nổi xỏ giày đá bóng ở những đội bóng làng nhàng nội địa.

Ronaldo luôn hướng về Sir Alex với sự tôn trọng tuyệt đối
Yêu Man Utd, yêu Old Trafford và Sir Alex, Ronaldo vẫn phải đâm nhát dao chí mạng kết liễu đội bóng cũ

Trận đấu đưa người ta đến những mạch cảm xúc như thế: phục Sir, nhìn vẻ bất lực trên khuôn mặt Mou hay Ronaldo, sự vội vã của các cầu thủ Real hay sự điềm tĩnh vẻ bề trên của đoàn quân Quỷ Đỏ mà mỗi người có một suy nghĩ riêng. Nhưng đến phút 56, tất cả những suy nghĩ ấy phụt tắt khi Nani ham bóng, cao chân đạp trúng người Arbeloa. Nani cũng nằm sân, và Cakir - trọng tài chính của trận đấu này - bình tĩnh chờ đợi các nhân viên y tế chăm sóc cho tiền vệ người Bồ Đào Nha xong xuôi, rồi nhẹ nhàng rút 1 chiếc thẻ đỏ truất quyền thi đấu của số 17, trong một trận đấu mà đáng ra anh đã có thể nhận danh hiệu Người chơi hay nhất trận. Không ai khác, chính Nani là người đưa ra đường căng ngang ép Sergio Ramos phải phản lưới nhà. Các cầu thủ Man Utd phản ứng, Sir Alex mặt đỏ gay di chuyển nhanh như cắt y hệt một quý ông tuổi 40 từ hàng ghế chỉ đạo xuống đường piste để chỉ trỏ, chửi bới ông trọng tài (năm nay Sir Alex đã... hơn 70 tuổi). Tất nhiên phản ứng của Sir Alex như vậy cũng dễ hiểu, vì thứ nhất, ông hiểu rằng Man Utd sẽ đánh mất hoàn toàn lợi thế trên chân, và thứ hai, đó là một pha xử phạt, theo ông, là quá nặng. Những diễn biến chơi sốc tâm lý như thế không phù hợp với một chiến lược gia tuổi cao như ông, một quyết định có phần nặng tay làm thay đổi toàn cục một trận đấu. Sir Alex rồi cũng nhẫn nhịn, ngồi xuống và theo dõi hết trận đấu. Những diễn biến sau chiếc thẻ đỏ của trận đấu chẳng có gì đáng nói nhiều: Modric tỏa sáng, ghi bàn từ một pha sút bóng sau động tác giả quá hiểm hóc, Cristiano Ronaldo ghi bàn từ pha căng ngang của Gonzalo Higuain sau pha phối hợp xuất sắc với Mesut Oezil.

Lại nhắc tới Ronaldo. Anh không thể làm gì được trong suốt cả 1 hiệp đấu đầu tiên, không thể đặt chân nổi vào vòng 16m50 của Man Utd. Cứ vào đến đó, MU lại phá bóng ra, lại cản phá. Nhưng ở ngoài vòng 16m50 thì các thời cơ của Real lại chẳng rõ ràng. Nhạt nhòa, Ronaldo cứ chạy, cứ sút nhưng chẳng hiểu trong những bước chạy, những pha vung chân ấy có chút gượng gạo nào hay không? Anh mất đi cái tính sắc bén thường ngày, sút trong những tình huống cần đi bóng thêm, và xử lý chần chừ, thiếu quyết đoán khi bị ép sát ra đường biên ngang ở một vài tình huống. Ronaldo đói bóng nên không có đất diễn. Nhưng lật ngược lại, mỗi lúc có bóng, anh cũng không thể hiện được gì.

Nhưng Ronaldo là thế, thói quen của anh là ghi bàn. Bất chấp việc có thi đấu nổi bật hay không, anh vẫn ghi bàn. Messi không như vậy. M10 của Barca có thể ghi 50 bàn trong 30 trận, nhưng có trận anh tịt ngòi. Trong 30 trận, Ronaldo chỉ có 30 bàn, nhưng hầu như trận nào anh cũng nổ súng, không nổ súng thì kiến tạo, không nổ súng hoặc kiến tạo thì đóng góp vào lối chơi chung một cách sâu sắc. Có những trận người ta không thấy Messi trên sân, nhưng không trận nào là người ta quên Ronaldo cả, kể cả trong những trận thua của đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha, CR7 cũng là người tích cực nhất, chạy nhiều nhất, và sút nhiều nhất. Hôm qua, người ta hầu như không thấy anh trong suốt thời gian trước khi CR7 ghi bàn, nhưng chỉ cần một cú chạm chân nhẹ nhàng được thực hiện trong vòng chưa đến nửa giây, bóng tung lưới De Gea, Ronaldo đã làm người ta phải nhớ đến anh. Nhớ đến anh không phải vì cách mà anh ghi bàn. Người ta quen với việc anh ghi bàn rồi. Nếu không xem các trận đấu của Real, người hâm mộ có thể dễ dàng cầm tờ báo thể thao, ngồi với cốc cafe, ngái ngủ ngáp ngắn ngáp dài mà tự hỏi mình "Ronaldo lại ghi bàn à?" khi đọc đến phần tỉ số. Người ta nhớ đến anh là vì cách anh ăn mừng.

Tại sao trận lượt đi Ronaldo nổ súng và vẫn có những hành đông ăn mừng, dù là không lớn? Người ta vẫn thấy nét mặt hân hoan của Ronaldo ở trận lượt đi, nhưng sao ở trận lượt về này, nét mặt hân hoan ấy biến mất? Mà thay vào đó là một chút gì đó đượm buồn trên đôi mắt của chàng tiền vệ tài hoa 28 tuổi. Đơn giản vì ở lượt đi, anh ghi bàn cho Real, giúp họ có được một trận hòa và mọi thứ vẫn còn ở phía trước. Anh vui vì lúc đó Real, và bản thân Ronaldo không cần gì khác hơn ngoài một bàn thắng. Có bàn thắng, ai mà không vui mừng? Lúc ấy, chỉ cần có bàn thắng, Real sẽ sống, còn ai ghi bàn cũng được. Còn ở lượt về này, không phải Ronaldo, chắc chắn sẽ có người khác ghi bàn trong bối cảnh Man Utd đã ngoi ngóp sống bằng những hơi thở cuối cùng. Thế nhưng, số phận nghiệt ngã lại chọn chính anh là người đâm nhát dao kết liễu đội bóng cũ. Không phải Ronaldo thì có thể là Higuain, Oezil hay Kaka cơ mà, tại sao nhất thiết phải là anh, để khi CR7 nổ súng xong, anh không thể không vui nhưng cũng không thể không buồn? Nếu người khác thay CR7 nổ súng, có lẽ anh sẽ được sống riêng với cảm xúc của mình, cùng buồn cùng tủi với các đồng đội cũ, rồi lại đứng lên tiếp tục chinh phục đỉnh cao Decima cho Real Madrid. Nhưng số phận chọn anh. Chỉ trách sao CR7 lại khôn khéo chọn chỗ tài tình đến vậy, khi mà Higuain chẳng còn cửa nào khác là phải căng ngang?

Bàn thắng này giết MU. Ronaldo giết MU trong một trận mà họ có thể sống như những người anh hùng trở về sau cuộc chiến đẫm máu. Có người cho rằng Cakir giết MU, nhưng nếu Ronaldo không ghi bàn, nếu tỉ số là 1-1, trận đấu bước vào loạt luân lưu (cứ ví dụ thế đi), thì chiếc thẻ đỏ mà ông trọng tài người Thổ Nhĩ Kì rút ra chợt trở nên vô nghĩa. Không nên lẩn tránh sự thật rằng chính đứa con mà MU đào tạo nên đã đâm nhát dao chí mạng cuối cùng, để lại một nỗi buồn không thể lớn hơn cho nhà cầm quân đối phương Alex Ferguson, những người đồng đội cũ, và để lại nỗi buồn tương tự cho chính mình. Ronaldo cũng buồn, vì Nhà hát của Những giấc mơ đã là ngôi nhà thứ 2 của anh kể từ cả thập kỉ về trước, tuy nhiên bóng đá là thế, đôi khi bạn phải quay lại để giết chết tham vọng của đội bóng đã sản sinh ra mình, vì nghề nghiệp, vì nghĩa vụ. Ronaldo cũng đã có lúc chùn chân và không là chính mình trong trận đấu đêm qua. Tuy vậy, nói gì thì nói, anh đã để tình cảm chi phối đến mức nào, đã "nương chân" với MU đến mức nào, trong tình huống như thế CR7 không thể không ghi bàn. Anh rời sân mà không quên nhìn các cổ động viên của Man Utd nói lời chào tạm biệt. Trên khóe mắt chàng tiền vệ Real hằn sâu một nỗi buồn. Đốt nhà cũ, vì nhà mới ra lệnh làm vậy, ai mà vui cho nổi.

Lúc Higuain cầm bóng bên phía cánh phải, Ronaldo có giơ tay ra hiệu xin bóng. Nghiệt ngã. Tại sao không phải là ai khác?
  • Thành Nguyễn - Xsbandinh.com
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X