Lịch để bàn 2025 - ấn phẩm ĐẶC BIỆT dành riêng cho fan bóng đá. Mang cả thế giới bóng đá đến với bàn làm việc của bạn! Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7 |
Hai mùa giải cấm cửa ở Cúp Châu Âu cùng 30 triệu Euro nộp phạt là những gì nặng nề Manchester City phải hứng chịu do vi phạm nghiêm trọng luật công bằng tài chính (FFP) của UEFA.
Đây được xem như bài học răn đe đanh thép để cảnh tỉnh cho những CLB lắm tiền nhiều của, không có sự đầu tư đúng đắn mà chỉ biết chi tiêu bạt mạng vượt quá nguồn thu thương mại và giải thưởng.
Không đen như Man City, PSG vẫn bình an vô sự và thoát khỏi lệnh trừng phạt từ UEFA |
Tuy nhiên song song với cơn đại họa của Man City, không ít người đã thắc mắc tại sao Paris Saint-Germain, một đại gia khác khác tiêu tiền như nước không thua kém gì lại không bị đụng đến?
Mới đây theo một báo cáo thường niên, PSG đã vượt mặt Man City để trở thành CLB có sức mạnh tài chính hàng đầu thế giới. Đây là kết quả của sự đầu tư khôn ngoan từ các ông chủ Qatar, kết hợp mua bán luân phiên trên thị trường chuyển nhượng và chủ trương thắt chặt chi tiêu.
Không thể phủ nhận nỗ lực của PSG trong việc kiểm soát tình hình tài chính trước sự soi xét từ UEFA, nhưng thực tế là có hơn một lý do khách quan để CLB đã từng bỏ ra gần 400 triệu Euro chiêu mộ cặp đôi Neymar và Kylian Mbappe thoát khỏi một án phạt giống, thậm chí nặng hơn Man City.
PSG phá kỷ lục chuyển nhượng thế giới và lịch sử cho Neymar và Mbappe |
Các CĐV Man City cùng giới chủ Ả Rập hoàn toàn có thể coi hình phạt từ UEFA như một “âm mưu” chống lại họ. Cần phải biết rằng , chủ tịch PSG Nasser Al-Khelaifi vốn là một thành viên của Ủy ban điều hành UEFA, đồng thời đóng vai trò chủ chốt tại tập đoàn truyền thông beIN, một trong những đối tác lớn nhất của UEFA.
Điều tra viên FFP từng yêu cầu những hình phạt cụ thể đối với đại gia nước Pháp nhưng hội đồng xét xử không đồng thuận và UEFA, với ảnh hưởng cực lớn của giới tỷ phú Qatar, đã không thúc ép vấn đề này như cách họ làm với nhà đương kim vô địch nước Anh.
Một cuộc điều tra về việc vi phạm FFP đã được nhắm tới PSG vào tháng 9/2017. Tuy nhiên, sự vụ lại bị trì hoãn không thời hạn cũng như lý do. Tháng 7/2019, tờ New York Times tiết lộ có tác động và những người phụ trách công việc điều tra của UEFA đã “nhắm mắt cho qua” trường hợp của PSG.
Chủ tịch PSG có mối quan hệ mật thiết với các tổ chức liên quan đến FIFA và UEFA |
Thẩm phán người Bồ Đào Nha, Jose Narciso da Cunha Rodrigues, cũng là người chịu trách nhiệm phán quyết án phạt Man City, thậm chí đã đưa ra một báo cáo chứng minh rằng đã có những sai phạm trong việc áp dụng luật từ điều tra viên trưởng, ông Yves Leterme.
Trong khi đó, những lúc Man City trình bày quan điểm “quá trình làm việc của UEFA có sai sót” và "bị buộc tội bởi những tài liệu rò rỉ bất hợp pháp" thì lại bị bác bỏ một cách không thương tiếc.
Vụ việc sau đó “chìm xuồng” và đương nhiên, PSG vẫn chưa phải chịu bất cứ án phạt nào. Khoảng thời gian từ lúc UEFA bắt đầu điều tra vào năm 2017 tới giờ đã giúp CLB nước Pháp lo liệu, tái sắp xếp tình hình tài chính, trong đó bao gồm việc bán đi các ngôi sao nhằm “che mắt” dư luận.
PSG hoàn toàn bình an vô sự bất chấp nghi vấn vi phạm luật công bằng tài chính |
Các CĐV Man City cũng chỉ ra một “thuyết âm mưu” dù có vẻ không liên quan, đó là UEFA, với tác động từ FIFA đã nể nang giới chủ PSG, cũng là những người đóng vai trò chủ nhà cho World Cup 2022. Trong khi đó, những ông chủ Man City lại đến từ UAE, vốn là đất nước đối địch với Qatar.
Cuối cùng, Man City cũng chỉ nên trách mình… “số nhọ” khi bị tay hacker Rui Pinto phanh phui những email chứa nội dung các hợp đồng tài trợ với giá trị ảo. Trong khi đó, PSG lại chẳng để lộ một bằng chứng cụ thể nào dù ai cũng biết cách làm việc mờ ám của các ông chủ Qatar chẳng khác là bao.
Luật công bằng tài chính (tiếng Anh: Financial Fair Play hay FFP) được UEFA khai sinh với mục đích đảm bảo sự công bằng trong cách chi tiêu của các CLB.
Cái tên Rui Pinto đã được nhắc tới rất nhiều sau khi UEFA ban lệnh cấm tham dự Champions League hai mùa giải đối với Man City.