Khi Manchester City bị loại khỏi Champions League từ vòng bảng mùa thứ hai liên tiếp tối thứ Tư, những câu hỏi đặt ra không phải là về vận may của họ, mà về tại sao Roberto Mancini cứ mãi không chịu thuộc những bài học cũ tại sân chơi lớn nhất châu lục.
Kể từ lúc Champions League khai sinh, tính trung bình bộ tứ một thời của Premier League, Manchester United, Liverpool, Arsenal và Chelsea, phải mất 5 mùa rưỡi mới vào được trận chung kết đầu tiên. Theo tiêu chuẩn đó, Man City sẽ phải đợi tới năm 2017. Nhưng bị loại từ vòng bảng thì lại quá tệ.
Đây đã là lần thứ 7 Mancini thất bại ở giải đấu này trong 9 năm làm HLV và thành tích của ông rất đáng thất vọng, với 2 lần vào tứ kết, 2 lần vào vòng 16 đội cùng Inter, 3 lần bị loại khỏi vòng bảng, lần đầu với Lazio mùa 2003-04 và 2 lần với Man City. Ngược lại, Mancini có 4 danh hiệu vô địch quốc gia trong cùng thời gian đó.
roberto mancini
Điểm thứ nhất cần nhắc tới là quản trị nhân sự của ông. Tranh cãi giữa HLV và cầu thủ là bình thường, nhưng với Mancini, 3 trong 4 mùa vừa qua ở Champions League, ông đã có 3 cầu thủ không tuân lệnh bên ngoài sân. Vụ việc nổi tiếng nhất là với Carlos Tevez tại Allianz Arena tháng 9 năm ngoái.
Vụ đầu tiên là khi trung vệ Marco Materazzi, vào tháng 2/2006, trong trận lượt đi vòng 16 đội trên sân Ajax và vụ thứ hai là 2 năm sau với tiền vệ người Bồ Đào Nha Luis Figo, khi Liverpool là đối thủ ở lượt về cũng vòng 16 đội.
Thứ hai là vấn đề chiến thuật. “Một HLV phải có tư duy rõ ràng”, Javier Zanetti, từng chơi dưới sự chỉ đạo của Mancini ở Inter, từng nói. Nhưng Mancini đã không có tư duy rõ ràng tại các cúp châu Âu. Trước Real Madrid hồi tháng 9, ông chuyển hàng thủ 4 người thành 3 người chỉ sau nửa giờ đồng hồ. Trước cùng đối thủ thứ Tư vừa rồi, ông thay đổi 3 người sang 4 người cũng trong khoảng thời gian tương tự. Tại Amsterdam tháng trước, ông thay đổi đội hình 5 lần trong 90 phút. Kết quả là trong 11 trận Man City đã chơi ở Champions League, họ bị dẫn trước 7 lần.
Tương tự, các quyết định thay người của Mancini đôi khi khiến chính các cầu thủ của ông cũng phải thấy bối rối. Khi Man City đang bị Bayern dẫn trước 2-0 mùa trước, Mancini thay Edin Dzeko, một tiền đạo, bằng Nigel de Jong, một tiền vệ phòng ngự. “Thái độ của ông ấy là muốn thua 2-0 thay vì 4-0”, Tevez mỉa mai. Rồi tối thứ Tư, khi Man City đang cần một chiến thắng, Mancini rút Sergio Agüero, người ghi bàn duy nhất của ông trong trận đó và là một cầu thủ lớn của các trận đấu lớn, khỏi sân khi vẫn còn lại 7 phút, gây ra những cái nhìn nghi hoặc trên khán đài.
Thứ ba là phong độ của các cầu thủ lớn. Mancini đã giúp các siêu sao của ông tỏa sáng ở trong nước, nhưng ở châu Âu là chuyện khác. Aguero, David Silva và Yaya Toure đều chơi mờ nhạt hơn hẳn so với ở Premier League. Zlatan Ibrahimovic, học trò cũ của Mancini, là một ví dụ khác. Tiền đạo người Thụy Điển chơi rất hay ở Serie A, nhưng tại châu Âu, anh không ghi bàn ở 11 trong 14 trận Champions League cho Inter dưới thời Mancini.
Cuối cùng là kết quả. Các đội bóng lớn phải biết chiến thắng trước các đối thủ lớn. Nhưng Inter của Mancini hoàn toàn bị AC Milan áp đảo năm 2005 và Liverpool tỏ ra mạnh hơn hẳn tại vòng 16 đội năm 2008. Do rơi vào bảng khó 2 mùa liên tiếp, Man City đã có dịp gặp nhiều đối thủ mạnh tại Champions League dù mới vòng bảng và kết quả là họ đều thua, dù là Bayern, Napoli, Ajax, Dortmund hay Real.
Chiêu Văn - Bongdaplus.vn