Nửa năm sau ngày John Terry từ giã tuyển Anh ở tuổi 31, đến lượt Rio Ferdinand đưa ra quyết định tương tự. Cầu thủ Anh đã không còn tha thiết với đội tuyển của họ nữa?
Sự nghiệp quốc tế của Rio chấm dứt ở con số 81 lần khoác áo đội tuyển Anh. Mùa giải này, anh vừa giành chức vô địch Premier League cùng M.U và được các đồng nghiệp bầu chọn vào đội hình tiêu biểu của mùa giải, do Hiệp hội các cầu thủ chuyên nghiệp trao tặng.
Ferdinand trong lần cuối cùng khoác áo Tam sư (trái) và Ferdinand thời kỳ đầu lên tuyển (phải)
Lý do mà Ferdinand đưa ra, theo tin từ BBC, là muốn tập trung cho sự nghiệp của anh ở CLB, và dành chỗ cho những cầu thủ trẻ lên tuyển: “Sau khi suy nghĩ rất kỹ, tôi quyết định rằng đây là thời điểm phù hợp để chia tay bóng đá cấp độ đội tuyển. Tôi thấy rằng sẽ là hợp lý khi mình đứng sang một bên và để cho các cầu thủ trẻ tiếp bước, và điều này cũng cho phép tôi tập trung cho sự nghiệp ở CLB của mình. Đội tuyển hiện giờ thật tuyệt vời với dòng chảy của tuổi trẻ, những tài năng đã vượt qua thử thách nhiều cấp bậc, và đó là tín hiệu tốt cho tương lai”.
HLV của đội tuyển Anh, ông Roy Hodgson, tiết lộ rằng mình đã nhận được thông báo từ giã tuyển Anh của Rio qua điện thoại: “Điều quan trọng là vinh danh cho một cầu thủ tầm cỡ như Rio cùng những gì anh đã giành được trong sự nghiệp cùng đội tuyển Anh, với hơn 14 năm ở đẳng cấp cao nhất. Tôi cảm kích khi nhận cuộc điện thoại của Rio thông báo cho tôi biết quyết định của cậu ta, trong đó trình bày rõ ràng rằng cậu ta đã cân nhắc rất lâu trước khi đi đến quyết định này”.
Đội tuyển Anh đang thiếu những biểu tượng
Nửa năm trước, John Terry tuyên bố từ giã đội tuyển ở tuổi 31. Trước EURO 2012, Steven Gerrard đặt vấn đề chia tay đội tuyển Anh sau giải (dù thế, may mắn là anh vẫn ở lại). Michael Carrick, sau khi biết mình không được triệu tập đi EURO 2012, đã bị ‘chạm tự ái’ đến mức tuyên bố không còn tha thiết khoác áo tuyển nữa. Một trung vệ kỳ cựu khác của bóng đá Anh là Jamie Carragher cũng từ giã tuyển 3 năm trước, vì cảm thấy không hài lòng với việc các HLV thường xếp anh chơi hậu vệ cánh, trái với sở trường.
Chúng ta có lẽ cũng còn nhớ chuyện một huyền thoại đương đại của bóng đá Anh, Paul Scholes, đã giã từ đội tuyển Anh từ 9 năm về trước, khi mới 29 tuổi. Mùa trước, anh trở lại theo thỉnh cầu của Sir Alex, sau tuyên bố giải nghệ gần một năm trước đó. Mùa này, Scholes mới chính thức chia tay bóng đá, ở tuổi 38. Trước đó, tiền vệ của M.U không hề đề cập đến việc trở lại tuyển, dù lời kêu gọi không hề thiếu.
Ferdinand tuyên bố rút lui ở tuổi 34, sau hai mùa bóng chấn thương khá nhiều, và có thể thông cảm cho anh. Nhưng nhiệt huyết của Rio với tuyển Anh có lẽ đã vơi từ 2 năm trước: Lần gần nhất trung vệ này khoác áo Tam sư là trận gặp Thụy Sĩ vào năm 2011. Tháng Ba năm nay, anh được gọi lại, nhưng rốt cục lại xin rút lui vì lý do thể lực.
Bóng đá Anh hiện tại không thiếu những tượng đài ở cấp CLB, nhưng lại khan hiếm tượng đài ở đội tuyển. Có người chia tay tuyển Anh vì mâu thuẫn với FA (Terry), hoặc cảm thấy mình không được trọng dụng (Carrick, Carragher), hay không đưa ra được lý do thỏa đáng (Scholes). Nhưng tựu trung, không ai hy sinh ý muốn (và phần nào là thiệt thòi) của bản thân để gắn bó thêm với đội tuyển, dù họ vẫn còn khả năng cống hiến.
Trẻ hóa luôn cần thiết ở bất kỳ ĐTQG nào, nhưng tinh thần của đội tuyển, một tập thể thường là chỉ có thời gian lắp ghép ngắn ngủi hơn nhiều so với cấp CLB, chỉ được xây dựng dựa trên các cầu thủ có tính biểu tượng. Đội tuyển Ý có thủ môn Buffon (126 lần khoác áo). TBN có Xavi (120). Đội tuyển Đức còn trẻ, nhưng số lần khoác áo của Podolski (101), Lahm (98) và Schweinsteiger (98) thì có thể khiến những Gerrard (102), A. Cole (101), Ferdinand (81) và John Terry (78) phải chạnh lòng.
Người muốn cống hiến nhất của đội tuyển Anh và từng tuyên bố sẵn sàng trở lại Tam sư ngay khi được trao cơ hội, David Beckham, thì đã bị lãng quên 4 năm nay.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)