- Neymar “Thất bại nhưng Juventus vẫn cần được tôn trọng”
- Dư âm chung kết Champions League: Barca thành công nhờ “dòng máu mới”
- Paul Pogba “Barca xứng đáng có được chiến thắng”
Đêm qua, Barca đã vô địch Champions League một cách xứng đáng và một đó có thể coi là kết quả của tư duy bóng đá đồng bộ từ thời Johan Cruyff.
Hôm qua, Barcelona đã chính thức vô địch Champions League 2014/2015 sau khi đánh bại Juventus một cách thuyết phục, qua đó hoàn tất cú ăn ba trong mùa giải năm nay. Nhiều người đã ca ngợi chiến thắng này như một lời khẳng định về cuộc cách mạng của HLV Luis Enrique, nhưng phải nói rằng đằng sau thành tích đó vẫn là một sự nhất quán không hề thay đổi trong tư duy làm bóng đá. Triết lý ấy đã được hình thành từ thời của Johan Cruyff huyền thoại, và nó đã được duy trì trong suốt hơn 2 thập kỷ qua để đem về vinh quang cho đội bóng xứ Catalonia.
Chiến thắng của Barca là kết quả của tư duy bóng đá đồng nhất từ thời Johan Cruyff |
Ngược dòng lịch sử đến những cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, khi Johan Cuyff trở lại sân Nou Camp trên cương vị là một HLV. Lúc đó, Barca gần như rơi xuống vị trí của một đội bóng hạng hai ở đấu trường châu lục. Suốt từ năm 1952, họ không thể giành được bất cứ một danh hiệu nào ở đấu trường châu Âu trong khi đại kình địch Real Madrid bước vào giai đoạn cực thịnh với 6 chiếc cúp vô địch C1. Sự có mặt của “Thánh Johan” đã làm thay đổi tất cả khi ông đưa ra triết lý: không quan trọng là ai được chọn, quan trọng là cách họ được đào tạo như thế nào; đồng thời gieo mầm cho lối chơi tấn công tổng lực mang thương hiệu Hà Lan.
Cruyff mất 4 năm để vun trồng những hạt giống đầu tiên của mình trước khi giúp Barca trở lại với hào quang châu Âu vào năm 1992. Đó là lúc mà gã khổng lồ xứ Catalonia đã xuất sắc đánh bại Sampdoria với tỷ số 1-0 để lên ngôi tại cúp C1, và cũng là chức vô địch mở ra thời kỳ hoàng kim của Barca tại cúp châu Âu. Mặc dù sau đó, Dream Team của HLV Johan Cruyff bị khuất phục bởi AC Milan của bộ ba “người Hà Lan bay”, nhưng đó vẫn là một sản phẩm kế thừa hoàn hảo triết lý mà vị chiến lược gia người Hà Lan đã kỳ công xây dựng. Cho tới những thế hệ sau đó, những học trò xuất sắc của ông như Frank Rijkaard hay Pep Guardiola đã tiếp tục phát huy triết lý dụng nhân đó để đi tới những thành công trên đấu trường châu lục.
Cho tới thời kỳ của Luis Enrique, mặc dù Barca đã không còn tôn thờ lối chơi mang phong cách tổng lực của người Hà Lan, nhưng cách đào tạo con người của Barca vẫn là không thay đổi. Nên nhớ rằng dù chơi với phong các bóng đá nào, Barca vẫn cho thấy khả năng tấn công đa dạng và không phòng ngự một cách co cụm, đó là cuộc cách mạng của Cruyff từ thời mà thứ bóng đá Catenaccio của người Ý vẫn còn đang thịnh hành. Điều đó được Rijkaard, Guardiola và hiện giờ là Enrique áp dụng rất tốt. Người ta có thể chỉ trích vị chiến lược gia gốc Andalucia vì đôi lúc biến Barca trở thành một đội bóng chơi có phần thực dụng, nhưng không ai có thể phủ nhận rằng sức tấn công của đội bóng đang là cực kỳ khủng khiếp với bộ ba MSN. Tổng số bàn thắng mà 3 cầu thủ Messi-Suarez-Neymar ghi được trong mùa giải năm nay đã lên tới con số 122, phá vỡ kỷ lục của bộ ba Benzema-Ronaldo-Higuain năm mùa 2011/2012 với 118 bàn thắng, đồng thời bỏ xa chính hàng công Henry-Eto’o-Messi của một “Barca ăn ba” năm 2009 với 100 bàn.
Chức vô địch cúp C1 năm 1992 đã mở ra kỷ nguyên thành công cho Barca |
Không chỉ dừng lại ở đó, sự nhất quán trong phương pháp huấn luyện cũng giúp cho những nhân tố mới của đội bóng như Luis Suarez hay Ivan Rakitic hòa nhập cực kỳ nhanh chóng với các đồng đội trong mùa giải năm nay. Một khi đội bóng đã vào guồng và mọi việc hoạt động theo một chu trình đã định sẵn thì khả năng làm quen với môi trường mới của các tân binh cũng là dễ dàng hơn nhiều. Trong chức vô địch Champions League của Barca đêm qua, cả Suarez và Rakitic đều đã đóng góp công lao với 2 bàn thắng, hơn thế nữa họ phối hợp với các đồng đội như thể đã chơi bóng cùng nhau từ lâu lắm rồi. Hay như Andres Iniesta dù đã bước sang tuổi 31 nhưng vẫn thi đấu tuyệt vời trong trận đấu tại Olimpiastadion và được bình chọn là cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu. Một khi tư tưởng đã thấm nhuần, cầu thủ số 8 vẫn có thể tỏa sáng kể cả khi anh không còn ở đỉnh cao phong độ nữa.
Sự nhất quán đó là điều mà Real Madrid không thể có được khi họ liên tục hoán đổi đội hình cũng như lối chơi trong vòng hơn một thập kỷ vừa qua, và cũng lý giải vì sao Kền kền trắng lại gặp nhiều khó khăn như thế trong việc chinh phục giấc mơ La Decima. Kể từ danh hiệu thứ 9 năm 2002, Real mất 12 năm để có được chiếc cúp thứ 10. Trong quãng thời gian đó, Barca mang về phòng trưng bày 3 danh hiệu vô địch Champions League và con số đó đã tăng lên thành 4 sau trận đấu với Juve đêm qua. Sự khác biệt quá lớn đó là đủ để nói lên tầm quan trọng của triết lý bóng đá ở hai đội bóng. Khác với đấu trường quốc nội, nơi các đội bóng có thể đầu tư tiền bạc để đổi lấy danh hiệu, Champions League đề cao yếu tố kinh nghiệm và những nền tảng đã được xây dựng từ lâu đời. Chính vì thế mà Man City hay PSG mãi chỉ là những kẻ học việc khi bước ra trời Âu, trong khi Liverpool dù thi đấu lẹt đẹt ở trong nước nhưng vẫn có được 2 lần lọt tới trận chung kết trong giai đoạn 3 năm, từ 2005 đến 2007.
Sau khi Barca vô địch Champions League đêm qua, họ đã trở thành đội bóng đầu tiên trong lịch sử giành được 2 cú ăn ba. Và điều đáng nói là Los Blaugrana hoàn tất được thành tích không tưởng ấy chỉ trong vòng 6 năm, dưới sự dẫn dắt của 2 HLV khác nhau và với 2 lối chơi hoàn toàn khác biệt. Điều đó có được là nhờ vào sự thống nhất trong giá trị cốt lõi để phát triển đội bóng: đào tạo con người thật tốt và lấy tấn công làm hạt nhân phát triển. Johan Cruyff chắc hẳn sẽ rất hài lòng khi thấy những tinh hoa của mình tiếp tục được gìn giữ tại Berlin đêm qua, và chắc chắn nó sẽ còn giúp cho Barca tiếp tục chu kỳ thành công trong tương lai.
Xem lại màn ăn mừng chức vô địch Champions League 2014/2015 của Barcelona
Thế Hưng