Tây Ban Nha đang trải qua chuỗi 28 trận bất bại ở các giải chính thức, và con số này chưa có dấu hiệu sẽ dừng lại. Trên con đường gặt hái vinh quang, HLV Vicente Del Bosque và người Tây Ban Nha cần cảm ơn Premier League.
1. Kinh tế Tây Ban Nha khủng hoảng nghiêm trọng trong thời gian qua, dẫn đến mặt bằng xã hội giảm và hàng loạt vấn đề khác phát sinh. Với đóng góp tương đối tích cực cho GDP quốc gia, tất nhiên nền bóng đá xứ bò tót phải chịu chung khó khăn với kinh tế.
Real Madrid và Barca là hai ngoại lệ. Những đội bóng giàu thành tích nhất La Liga thậm chí còn làm ăn có lãi.
Mata và Torres là những cầu thủ rất thành công ở Premier League |
Trừ Real và Barca, các CLB khác buộc phải bán cầu thủ để sống. Đồng thời, những ngôi sao của TBN cũng chọn giải pháp ra đi. Phần lớn trong số họ có một lựa chọn chung: gia nhập Premier League, nơi vẫn luôn được xem như thiên đường của bóng đá thế giới.
Tính đến lúc này, các CLB Anh đang sở hữu 35 cầu thủ TBN. Việc xuất khẩu cầu thủ sang xứ sương mù đã mang về khoảng trên 160 triệu euro cho những đội bóng La Liga.
Chỉ riêng giai đoạn từ khi kết thúc mùa giải 2012-13 đến nay, khi mà thị trường chuyển nhượng mở cửa, đã có thêm 6 cầu thủ TBN khác sang nước Anh, gồm Jesus Navas (Man City), Iago Aspas và Luis Alberto (Liverpool), Adrian (West Ham), Luna (Aston Villa) và Canas (Swansea). Những bản hợp đồng này có tổng giá trị vượt quá 40 triệu euro. Sắp tới, có thể thêm David Villa và Thiago Alcantara.
2. Những khoản tiền kể trên giúp cho các đội bóng La Liga trang trải được nhiều vấn đề khác nhau. Một ví dụ: Sevilla sẽ có tiền để tái cơ cấu, khi đang là đội bóng kiếm được nhiều nhất từ bán cầu thủ (Navas có giá 21 triệu; Alberto 8 và Luna 2 triệu euro).
Sevilla là một trong những CLB chịu ảnh hưởng lớn nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế, dẫn đến việc chỉ còn trong nhóm trung bình La Liga. Sevilla chỉ được sự vòng sơ loại Europa League nhờ Malaga và Rayo Vallecano bị UEFA kỷ luật. Bán các trụ cột là giải pháp duy nhất để đội chủ sân Pizjuan tái cơ cấu khi quay lại Cúp châu Âu.
May mắn trụ hạng ở vòng cuối, Celta Vigo ngay lập tức bán Iago Aspas (9 triệu euro), và dùng tiền mua thêm nhân sự để giúp tân HLV Luis Enrique có thể làm việc một cách tốt nhất.
Có thể thấy, “thiên đường” Premier League đang là nguồn sữa nuôi sống một bộ phận bóng đá TBN nói chung, và La Liga nói riêng. Sang Premier League, các cầu thủ cũng có được thu nhập tốt hơn so với việc khoác áo những đội Liga.
3. Không chỉ các đội bóng La Liga, mà cả ĐTQG cũng phải cần nói lời cảm ơn Premier League. Nếu tính cả Navas, người mới chuyển sang Man City, có đến 8 thành viên đội tuyển TBN thuộc sở hữu các CLB Premier League dự Confed Cup. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử “La Roja”.
Những ngôi sao Premier League đã phá vỡ thế “độc quyền” của Barca và Real ở đội tuyển trong các năm qua. Nếu mỗi giải đấu chỉ gồm các cầu thủ Barca và Real, sức ỳ sẽ đến với “La Roja”, vì không có sự cạnh tranh giữa các vị trí.
Nhờ Premier League, những Mata, Azpilicueta, Monreal, Cazorla, Silva trưởng thành hơn. Mata có vươn lên đẳng cấp như hiện tại không, nếu vẫn ở lại Valencia, đội bóng đã không còn địa vị như thời gắn liền với Rafa Benitez? Không phải ai trong số này cũng đá chính, nhưng ít nhất họ khiến cho những người đá chính cảm giác bị đe dọa. Điều này giải thích vì sao “La Roja” vẫn là đội bóng “đói” danh hiệu, dù họ thao túng hết các giải lớn gần đây.
Với những “ngoại binh” Premier League trong đội hình, những vấn đề liên quan đến mối quan hệ Barca - Real cũng không có cơ hội nảy sinh.
Vinh quang của người TBN đang có hình bóng Premier League!
(Theo Thể Thao Văn Hoá)