(Bongda24h) - Sát thủ đáng sợ hàng đầu của La Liga và có lẽ chỉ chịu đứng sau Messi cùng Ronaldo mà thôi, Radamel Falcao đã có một ngày thi đấu chói sáng khi phá tan nát mành lưới Chelsea bằng cú hattrick ngay trong hiệp đầu, khiến cho số phận trận Siêu cúp chính thức được định đoạt. Trong hiệp 2, trung vệ Miranda "góp thêm cơn gió nhỏ vào trận bão lớn" cuốn phăng The Blues và danh dự của nhà ĐKVĐ Champions League chỉ được vớt vát lại chút ít nhờ bàn thắng của Cahill. Tuy nhiên, tỷ số của trận đấu rất có thể đã lên tới .... 7-1 nếu như khung gỗ không cứu thua cho Chelsea tới 3 lần.
Dường như cái duyên của Di Matteo với các danh hiệu đã biến mất. Mùa trước, chỉ trong vài tháng ngắn ngủi tạm nắm quyền, chiến lược gia người Italia đã đưa Chelsea tới cú đúp kỳ diệu (cúp FA và Champions League) thế nhưng mùa này, khi đã được bổ nhiệm một cách chính thức, thì Di Matteo lại để tuốt mất 2 danh hiệu. Vẫn biết Siêu cúp nước Anh hay Siêu cúp châu Âu chỉ thuộc diện "bình thường" song nó hẳn sẽ giúp Di Matteo nhận ra nhiều điều mà trước tiên là một thực tế không gì chối cãi: "Đóng thế" thì bao giờ cũng nhẹ nhàng, đơn giản hơn nhiều là "sắm vai chính" nên nếu không kiên cường, đủ bản lĩnh, Di Matteo hoàn toàn có thể bị đè bẹp bởi áp lực, nhất là khi Chelsea đang được tất cả nhìn bằng con mắt khác.
Trận Siêu cúp đêm qua chắc chắn là màn trình diễn tệ nhất của Chelsea dưới thời Di Matteo: phòng thủ lỏng lẻo, tấn công yếu ớt dù gần tập hợp đầy đủ đội hình mạnh nhất (chỉ thiếu vắng duy nhất John Terry). Ngoài ra, nó làm lộ rõ một yếu huyệt của The Blues: quá dựa vào nguồn cảm hứng Eden Hazard. Tiền vệ người Bỉ chơi tồi, lập tức Chelsea thể hiện ngay hình ảnh nhạt nhoà. Mata, Lampard hay Ramires đâu phải "vớ vẩn", ấy thế mà chẳng hiểu sao, khi có thêm Hazard, họ bỗng chốc trở nên nhỏ bé và rơi vào cảnh lệ thuộc (Hazard hay, họ mới hay theo). Nhìn Radamel Falcao tung hoành trên sân, làm lu mờ hoàn toàn Fernando Torres, chẳng hiểu chủ tịch Roman Abramovich ngự trị trên khán đài có cảm thấy tiếc nuối bởi đã không quyết liệt đưa chân sút này tới London. El Nino đã nói anh sẽ không ăn mừng nếu chọc thủng lưới đội bóng cũ nhưng hoá ra, đó chỉ là một phát ngôn có phần "tự cao tự đại" vì đến cả một pha bóng nguy hiểm, Torres cũng không có nổi, nói gì đến lập công trong khi Falcao vẫn thể hiện bản năng sát thủ đáng sợ của mình với cú hattrick thứ 2 trong vòng 1 tuần.
Atletico Madrid đoạt Siêu cúp châu Âu một cách thuyết phuc
Trở lại với diễn biến chính của trận đấu, trong lịch sử, cả Chelsea lẫn Atletico Madrid đều từng 1 lần tham dự Siêu cúp châu Âu và cùng giành chiến thắng. Đương nhiên, Chelsea được đánh giá mạnh hơn, không phải vì họ là ĐKVĐ Champions League mà bởi đội hình của Chelsea ngày một hoàn thiện, khủng khiếp hơn nhờ sự có mặt của dàn tân binh sáng giá. 3 trận đầu tiên tại Premier League, The Blues toàn thắng với phong độ ấn tượng. Tuy nhiên, yếu tố khó lường, bất ngờ thường xuyên hiện diện ở Siêu cúp châu Âu. Đơn cử, mấy năm trở lại đây, những đội yếu hơn (hoặc vô địch Europa League) không ít lần đánh bại kẻ "trên cơ" để bước lên bục vinh quang. Có thể kể đến trường hợp của Zenit của Nga (2008, vượt qua Man Utd), Sevilla (2006, đánh bại Barcelona) hay chính Atletico Madrid (2010, hạ gục Inter Milan).
Đây sẽ là trận Siêu cúp châu Âu cuối cùng được tổ chức tại công quốc Monaco (kể từ năm 1998, sân Louis II luôn là địa điểm đăng cai Siêu cúp châu Âu nhưng từ mùa sau, UEFA sẽ mang trận đấu này đến nhiều sân khác nhau trên các quốc gia ở châu Âu giống như chung kết Champions League, Europa League. Thật trùng hợp, Chelsea đã có mặt trong trận Siêu cúp năm 1998 với tư cách đội vô địch cúp C2 cũ gặp Real Madrid, vô địch cúp C1/Champions League). So với trận thắng Newcastle 2-0 hồi cuối tuần trước, HLV Di Matteo có hai sự thay đổi: Lampard thay thế Meireles ở tuyến giữa còn Ramires sẽ chiếm suất đá chính của cầu thủ trẻ Ryan Bertrand trên khu vực tấn công. Sự điều chỉnh này có lẽ sẽ không tác động nhiều lên Chelsea bởi nhân tố then chốt bậc nhất của The Blues hiện nay phải kể đến bộ đội Eden Hazard - Fernando Torres, trong đó El Nino hẳn hiểu quá rõ Atletico bởi anh xuất thân và thành danh từ đây. Trong trái tim Torres, luôn có hình bóng của Atletico và anh đã tuyên bố sẽ không ăn mừng nếu chọc thủng lưới đội bóng cũ. Do trung vệ đội trưởng John Terry bị treo giò nên Gary Cahill sẽ đá cặp với David Luiz ở hàng phòng ngự. Bên phía Atletico Madrid, HLV Diego Simeone cũng tung ra sân các gương mặt tốt nhất như sát thủ đáng sợ Radamel Falcao, phát hiện lớn từ mùa trước, Adrian Lopez, Gabi hay Arda Turan. Đứng trong khung gỗ của Atletico là Courtois, thủ thành trẻ người Bỉ đang thuộc biên chế của ... Chelsea và chỉ khoác áo đội bóng thành Madrid theo diện cho mượn từ năm 2011.
Quả thực, không bao giờ được phép xem thường Atletico. Dưới bàn tay của Simeone, đội bóng này đã trở nên cực kỳ khó chịu với lối chơi chắc chắn mà đầy hiệu quả và cũng không kém phần đẹp mắt. Họ nhập cuộc rất hứng khởi và sớm gây ra được sóng gió lên khung thành Chelsea. Phút thứ 3, từ chếch bên cánh trái của vòng cấm địa, Filipe Luis tạt bóng khá đẹp vào phía trong và Falcao có mặt đúng chỗ, xoạc chân dứt điểm ở cự ly gần. Cech đã chịu bó tay nhưng xà ngang đã cứu cho The Blues bàn thua mười mươi. Tuy nhiên, Falcao và Atletico chẳng phải chờ đợi quá lâu để được ăn mừng bàn thắng. Phút thứ 6, Falcao bứt tốc lao xuống đón đường chuyền thuận lợi của đồng đội và rơi vào thế đối mặt với Cech. Rất khéo léo, "siêu sát thủ" đến từ Colombia thực hiện cú gẩy bóng điệu qua người Cech. Dù David Luiz đã rất nỗ lực bọc lót cho thủ thành đội nhà song vẫn không tài nào chặn được trái bóng để nó dội cột dọc rồi từ từ lăn vào lưới. Ngay lúc đó, ống kính camera truyền hình bắt chộp được cảnh thú vị khi Torres tỏ rõ sự thẫn thờ. Người ta đã nói rất nhiều đến sự cạnh tranh giữa hai chân sút lừng danh ở trận đấu này và bước đầu, Falcao dẫn trước đối thủ đồng thời là "tiền bối" của anh ở đội bóng thành Madrid.
Chẳng còn cách nào khác, Chelsea phải ào lên tấn công nhưng họ chưa thể nghĩ ra được phương án tiếp cận hữu hiệu, thay vào đó các đợt lên bóng đều chỉ dừng lại ở những quả sút xa "cầu may". Trong khi đó, Atletico vẫn giữ nguyên được sự nguy hiểm, sắc sảo trong từng đợt tấn công chứ không nặng về phô diễn kỹ thuật. Song nói như thế không có nghĩa Atletico nặng về tính chiến thuật (Simeone vốn là một tiền vệ phòng ngự trứ danh người Argentina và nổi tiếng nhờ phong cách tinh quái, lắm chiêu. Simeone chính là người gây ra tấm thẻ đỏ cho David Beckham bằng hành vi đóng kịch khá hoàn hảo mà đến giờ hẳn nhiều người vẫn còn nhớ ở trận đấu tại World Cup 1998 giữa Argentina và Anh) và thiếu đi tính nghệ thuật. Atletico không hề thiếu chất nghệ sỹ và điều này được kiểm chứng ở phút 19. Trong một lần đánh trung lộ, bóng tới chân Falcao ở gần vạch 16m50 và hơi chếch về góc phải. Bằng một động tác dứt khoát, Falcao vung chân trái thực hiện cú cứa lòng siêu đẹp, đầy nghệ thuật, đưa bóng nằm gọn vào góc cao trong nỗ lực tuyệt vọng của Cech.
Chelsea quá hiểu trình độ thượng thừa của Falcao nhưng đúng là, vô hiệu hoá thành công tiền đạo này là mục tiêu quá khó và đến giờ, đội bóng thành London thất bại toàn tập khi mà đã để cho Falcao hai lần sút tung lưới. Thời gian vẫn còn rất dài nhưng xem ra, Chelsea không dễ lội ngược dòng, thậm chí nếu càng dâng cao đội hình lên tấn công, The Blues càng phải đối diện với nguy cơ nhận thêm bàn thua. Thời gian cứ trôi đi, Chelsea vẫn "bế tắc hoàn bế tắc" còn Atletico thỉnh thoảng lại khiến hàng thủ đối phương phải giật mình. Phút 28, Gabi được chạm trán Petr Cech nhưng anh không thể xuất sắc bằng đồng đội Falcao. Đến phút 35, khung gỗ của Chelsea rung lên lần thứ 2 sau pha đánh đầu nối của Koke. Trước đó, Adrian Lopez đã dứt điểm rất không tốt từ cự ly chưa đến chục mét dù cầu môn bỏ trống.
Theo những con số thống kê, Chelsea kiểm soát bóng nhiều hơn (58%) nhưng cũng đâu giải quyết được vấn đề gì. Thậm chí, Chelsea nên tự cảm thấy xấu hổ bởi họ chẳng có nổi bất cứ một tình huống nào ra hồn trong cả hiệp 1. Tưởng như hai đội sẽ ra nghỉ với tỷ số 2-0 thì ngay trước giờ nghỉ giải lao, mành lưới của Chelsea lại bị phá nát và người hạ sát họ lần thứ 3 liệu còn ai khác ngoài "cơn ác mộng" mang tên Radamel Falcao. Xuất phát từ cú đẩy bóng nhẹ nhàng của Turan trong vòng cấm, Falcao dùng sức mạnh loại bỏ sự truy cản của Ramires rồi kết thúc chìm quyết đoán, "xâu kim" Petr Cech. Có lẽ, mọi lời khen tặng dành cho Falcao vào lúc này là quá thừa thãi Sự xuất sắc của anh đã vượt quá sự tưởng tượng của tất cả.
Phía trước còn cả hiệp 2 song dường như, Chelsea chỉ nên mơ đến 1 bàn (hoặc 2) danh dự mà thôi chứ đảo ngược thế trận nghe chừng quá viển vông. Nhưng "còn nước còn tát", HLV Di Matteo đã lập tức có sự điều chỉnh nhân sự ngay khi trận đấu trở lại. Tiền vệ trẻ Oscar, cầu thủ đã chơi đầy ấn tượng trong thành phần Olympic Brazil ở Olympic London 2012, ra sân thay cho đồng hương Ramires. Nhưng Oscar chưa mang đến sự khởi sắc như mong đợi mà sự có mặt của anh vẫn chỉ dừng lại ở mức độ cho đủ quân số mà thôi. Phút 49, lần đầu tiên Torres có bóng trong khu cấm địa Atletico Madrid, chỉ có điều cú kết thúc của anh lại đi ra ngoài. Phút 55, từ sự phối hợp giữa Mata và Mikel, Hazard được dịp vung chân dứt điểm nhưng hơi thiếu lực và không gây ra chút khó khăn nào Courtois.
Atletico Madrid chẳng có lý do gì để thay đổi chiến thuật, cách đá, nhất là khi nó vẫn phát huy hiệu quả, cả trong phòng ngự lẫn tấn công. Phút 60, đội bóng thành Madrid khoét sâu thêm vào nỗi nhục của đối thủ bằng bàn thứ 4. Cú sút phạt của Gabi đã gây ra sự hỗn loạn nơi hàng thủ Chelsea và Suarez điềm đạn đẩy nhẹ cho Miranda. Trung vệ người Brazil đã có một pha xử lý đẳng cấp không kém gì một tiền đạo khi khéo léo đưa được bóng qua người Cech. Gary Cahill củng cố thêm bàn thắng cho Miranda bằng động tác dùng đầu gối đưa bóng vào lưới. Phút 68, Oscar mới lên tiếng cho tất cả thấy về sự hiện diện của anh ở trên sân bằng một cú sút xa gần trúng đích. Sóng gió cứ thỉnh thoảng lại nổi lên bên cầu môn Chelsea, đủ khiến Cech mệt nhoài. Từ chấm đá phạt bên cánh trái, Koke treo bóng vào tron và bất chấp bị che khuất tầm nhìn, Cech vẫn kịp đổ người ngăn chặn bàn thua trông thấy.
Trái với những màn trình diễn đạt điểm 10 chất lượng tại Premier League, Eden Hazard gần như "vô hại" ở trận Siêu cúp này dù cần phải thừa nhận, hàng thủ Atletico Madrid không đến mức quá xuất sắc và khó đối phó. Nhưng rồi, cuối cùng, Chelsea cũng gỡ lại được danh dự của nhà ĐKVĐ Champions League. Quả đá phạt góc của Lampard gây ra sự lộn xộn nơi vòng cấm địa Atletico và trái bóng vô tình rơi xuống trước mặt Gary Cahill, mang tới cho trung vệ người Anh cơ hội lập công không gì ngon hơn. Bằng sự quyết đoán, anh đã thành công. Dẫu sao, bàn thắng an ủi của Cahill cũng mang đến sự hứng khởi cho Chelsea và "vua châu Âu" (nhưng chưa chắc đã là kẻ xuất sắc nhất, ít ra trong pham vị trận Siêu cúp) chơi khá khẩm hơn trong khoảng thời gian còn lại. Phút 87, "siêu anh hùng" Falcao rời sân trong nhũng tràng pháo tay từ nhóm CĐV Atletico Madrid trên khán đài và có lẽ không ít khán giả trung lập cũng phụ họa theo.
Lẽ ra, tỷ số chung cuộc của trận đấu phải là 5-1 nếu như lần thứ 3 khung gỗ không trở thành "vị cứu tinh" cho Chelsea sau pha "dứt điểm" của David Luiz từ quả căng ngang của Emre. Song chỉ cần như thế cũng đủ để khẳng định sự vượt trội và áp đảo của Atletico tại Siêu cúp châu Âu 2012. Tính từ năm 1996, khi Siêu cúp còn được tổ chức theo thể thức 2 lượt đi - về trên sân của từng đội (Juve thắng PSG 6-1 và 3-1), mới lại có một trận Siêu cúp chênh lệch đến thế, cả về mặt kết quả cũng như cục diện. Trận thua "khủng khiếp" này chắc chắn sẽ kéo Chelsea trở lại mặt đất và kiểu gì cũng tác động tới cuộc cách mạng mà Di Matteo vừa manh nha triển khai tại Stamford Bridge.
Đội hình thi đấu
Chelsea: Cech; Ivanovic; Cahill; David Luiz; Cole (Bertrand 89'); Mikel; Lampard; Ramires (Oscar 46'); Mata (Sturridge 81'); Hazard; Torres
Atletico Madrid: Courtois; Godin; Filipe Luis; Juanfran; Miranda; Suarez; Koke (Raul Garcia 80'); Turan; Gabi; Adrian (Cristian Rodriguez 56'); Falcao (Emre 87')
Bảo Phương