Lionel Messi, dù đã lần thứ Tư liên tiếp đoạt Quả bóng Vàng, vẫn gây ra những tranh cãi. Rằng anh chỉ giúp Barcelona giành được một chiếc Cúp Nhà Vua nhỏ bé trong năm qua. Rằng anh vẫn chưa làm được gì phi thường cho đội tuyển Argentina.v.v Nhưng số đông quên rằng bản chất của Quả bóng Vàng là một sự thừa nhận cá nhân, và lại là sự thừa nhận bằng cảm tính, vì không có lý trí nào có thể trả lời đúng cho chúng ta rằng ai là xuất sắc nhất.
Có những câu hỏi không bao giờ cho ra đáp án đúng, nhưng người ta vẫn cứ thích đặt ra để tranh cãi. Khi Messi phá vỡ kỷ lục ghi bàn trong một năm của Gerd Mueller (trước đó, anh đã vượt qua Pele), chúng ta tự hỏi rằng anh có phải là người xuất sắc nhất mọi thời đại hay không. Nhưng không ai có thể trả lời được điều ấy. Các cầu thủ ghi bàn của thời xưa chơi bóng trong một thời kỳ sơ khai của kỹ chiến thuật, nhưng họ không được chăm sóc về khoa học thể chất tốt như bây giờ, và mọi trang thiết bị cho thi đấu đều nghèo nàn. Ngược lại, nếu Messi không sinh ra ở thời đại này, thì anh thậm chí không thể lớn lên như người bình thường vì căn bệnh thiếu hormone tăng trưởng, đừng nói là trở thành huyền thoại.
Nếu có một cuộc bình chọn như thế, thì công chúng chắc chắn cũng sẽ phó mặc cho cảm tính, ngay cả khi họ là những nhà báo công tâm nhất, được lựa chọn để bỏ phiếu cho Quả bóng Vàng FIFA, một danh hiệu mà cũng không có một cỗ máy nào có thể xác nhận chuẩn rằng ai là người xuất sắc nhất. Các phóng viên thể thao, HLV và đội trưởng ĐTQG các nước thành viên FIFA là những người được bỏ phiếu, vì bóng đá nói riêng và thể thao nói chung là chuyên môn của họ và đánh giá về các ứng viên trong mắt họ vì thế, cũng được coi là đầy đủ và khách quan nhất, nhưng bản chất của một cuộc bầu chọn toàn cầu, ở bất kỳ lĩnh vực nào đi nữa, cũng dựa nhiều trên cảm tính.
Không thể có sự công bằng tuyệt đối
41,6% số phiếu bầu là một con số đủ để chứng minh rằng sự mê hoặc của Messi lớn đến thế nào, và khi lý trí bị khuất phục đến chừng ấy, không thể đổ lỗi cho cảm tính. Vì bóng đá, suy cho cùng, không phải là những thống kê khô khan, hay là thứ có thể định lượng. Messi không đoạt Quả bóng Vàng vì anh đã ghi 91 bàn trong một năm, nhiều hơn bất cứ ai. Và vì thế, cũng không thể bảo rằng Quả bóng Vàng được trao cho một cầu thủ chỉ giúp đội bóng của anh ta đoạt một chiếc Cúp trong năm qua là vô lý. Còn World Cup ư? Johan Cruyff, Marco van Basten và Michel Platini, đều đã có 3 Quả bóng Vàng, chưa hề giương cao Cúp thế giới.
Messi chiến thắng không chỉ vì anh đã trải qua một năm xuất sắc (xin nhấn mạnh là với cá nhân anh), mà đơn giản vì bóng đá của anh tạo ra nhiều cảm xúc nhất, thậm chí là có thể chiến thắng lý trí của số đông. Hơn thế, không bao giờ có một sự công bằng tuyệt đối trong những cuộc bầu chọn như thế này: Hãy nghĩ đến những thủ môn và hậu vệ vĩ đại chưa từng giành bóng Vàng (trong lịch sử giải thưởng này, chỉ có một thủ môn giành được nó, là Lev Yashine). Không phải vì họ không là những thiên tài, mà vì vị trí họ chọn lựa không thể tác động đến cảm giác một cách mạnh mẽ và trực tiếp như các cầu thủ tấn công.
Những người phản đối Messi và đòi hỏi công bằng kiểu ấy có thể đặt ra các tiêu chí làm sao để sự bất công không tồn tại, và trao trách nhiệm bỏ phiếu cho những cái máy chỉ biết phân tích dựa trên lý tính. Quá trình phân tích ắt hẳn cũng sẽ cực kỳ phức tạp, vì chúng ta sẽ phải cân nhắc từng chi tiết để không bỏ sót một ai, với thủ môn là số lần cản phá, với hậu vệ là từng cú xoạc bóng thành công, các tiền vệ là số lần kiến tạo, như số bàn thắng với các tiền đạo. Thế thậm chí còn chưa đủ, vì với những vị trí đặc thù như hậu vệ cánh, hay tiền vệ trụ, chúng ta sẽ lấy tiêu chí gì ra để đánh giá xem họ xuất sắc về chuyên môn như thế nào?
Vì thế, chấp nhận cảm tính và sự khiếm khuyết về danh hiệu tập thể của Messi trong một năm qua không phải là một điều gì thiếu sót, khi con người đã đặt cược vào chính bản thân con người, chứ không phải những cỗ máy, để chọn ra người xuất sắc nhất. Đó không bao giờ là người hoàn hảo nhất, như sự công bằng lý tưởng đến siêu thực mà nhiều người đòi hỏi. Đó là người chiến thắng được nhiều trái tim nhất, vì bóng đá là nghệ thuật đánh vào cảm xúc, không chỉ là câu chuyện của những cột mốc, hay danh hiệu.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)