- Premier League sắp chỉ còn 3 đại diện góp mặt tại Champions League?
- Chelsea: Có tiến bộ nhưng vẫn… giậm chân tại chỗ?
Trong bối cảnh tất cả các đại diện của xứ sở sương mù đều bị loại khỏi vòng 1/8 Champions League năm nay, những người Anh đương nhiên có lý do để mà ghen tị khi nhìn sang La Liga.
Đó thực sự là một viễn cảnh trái ngược hoàn toàn. Trải qua vòng 1/8 Champions League năm nay, khi mà cả Chelsea, Arsenal lẫn Man City đều lần lượt phải nói lời chia tay sớm với giải đấu danh giá nhất châu Âu thì ở phía bên kia bờ đại dương, các đại diện đến từ La Liga, bao gồm Real, Atletico và Barca vẫn tiếp tục tiến bước một cách mạnh mẽ. Điều đáng nói ở đây chính là việc Premier League thậm chí còn đang được xem như một giải đấu sở hữu chất lượng chuyên môn hàng đầu thế giới…
1.Gần 500 năm trước, thế kỷ XVI từng được các nhà sử học định nghĩa là “thế kỷ của Tây Ban Nha”. Đó là khoảng thời gian mà đế quốc Tây Ban Nha liên tục bành trướng mạnh mẽ, trên cả châu Âu lẫn các thuộc địa ở Tân Thế giới (châu Mỹ). Trở ngại lớn nhất đối với quốc gia ở bán đảo Iberia khi đó, không gì khác chính là mảnh đất bên kia eo biển Manche, vương quốc Anh dưới giai đoạn trị vì ổn định của Nữ hoàng Elizabeth.
Đây cũng chính là nguyên nhân quan trọng dẫn đến trận hải chiến lịch sử Gravelines năm 1588 giữa hai cường quốc này, nơi chứng kiến thất bại kinh hoàng của hạm đội lừng danh Armada (TBN) đồng thời cũng chấm dứt luôn thời kỳ châu Âu phải “sống dưới bóng” của những người Tây Ban Nha. Hệ quả là sau đó, người Anh đã trở thành những kẻ thống trị trên khắp các đại dương và tiếp tục duy trì vị thế của mình trong một thời gian dài (đến hết thế kỷ XIX).
2.Không khó để nhận ra rằng, sự tương phản của lịch sử đang trở thành một câu chuyện vô cùng thực tế giữa hai nền bóng đá Anh và Tây Ban Nha trong hoàn cảnh hiện tại. Chứng kiến Premier League sạch bóng khỏi Champions League sau vòng 1/8 năm nay, đương nhiên người hâm mộ La Liga hoàn toàn có quyền mỉa mai giải đấu được mệnh danh là “hấp dẫn nhất hành tinh”. Theo đó, các đại diện đến từ phía bên kia bán đảo Iberia sau khi vượt qua vòng bảng, là Real, Atletico và Barca đều “toàn mạng” ở lượt knock-out đầu tiên. Đáng chú ý, Tây Ban Nha cũng chính là quốc gia sở hữu nhiều đội bóng lọt vào tứ kết nhất tại Champions League mùa này (3 đội).
Đối với người Anh, sự kiện các đại diện Premier League bị loại “tập thể” ngay từ vòng 1/8 Champions League chắc chắn sẽ còn trở thành đề tài mổ xẻ của dư luận xứ sở sương mù trong nhiều ngày tới. Lần lượt những nguyên nhân “sâu xa” sẽ được lôi ra bàn tán và phân tích một cách triệt để, từ cách làm bóng đá thiếu định hướng, không có nền tảng, tỷ lệ cầu thủ ngoại quá cao cho đến mức ăn chia tiền bản quyền truyền hình không hợp lý…
3.Đương nhiên, câu chuyện thực tế tại La Liga cũng chẳng hề sáng sủa hơn là mấy. Thế nhưng, cũng đâu có mấy ai quan tâm bởi điều quan trọng là các đội bóng hàng đầu của xứ Bò tót vẫn luôn biết cách chứng tỏ giá trị khi bước ra đấu trường châu lục. Nếu như xem Champions League là “mảnh đất màu mỡ” tại Tân Thế giới thì có lẽ, Tây Ban Nha mới chính là quốc gia đang kiểm soát các bờ đại dương vào thời điểm này.
Chưa ai dám chắc rằng La Liga có thể tiếp tục bước lên ngôi vô địch châu Âu mùa này hay không (Real vô địch mùa 2013/2014)? Nhưng rõ ràng, trước thềm Lễ bốc thăm chia cặp vòng tứ kết, cơ hội dành cho các đại diện Tây Ban Nha là có phần “sáng cửa” hơn hẳn. Trên một khía cạnh nào đó, câu chuyện về trận đánh lịch sử Gravelines cách đây 500 năm có vẻ như không đúng với những người Anh trong bối cảnh bây giờ. Khi mà Premier League cứ tiếp tục thi đấu bạc nhược thế này, tham vọng tìm lại Tân Thế giới của bóng đá xứ sở sương mù xem chừng vẫn còn xa xôi lắm…
Những điểm nhấn sau vòng 1/8 Champions League
Nam Anh