Những lá thăm được bốc lên từ tay danh thủ Ruud van Nistelrooy đã thổi bùng lên một cuộc đại chiến Đức - Tây Ban Nha ở bán kết Champions League, với các cặp Bayern đối đầu Barcelona và Dortmund gặp lại Real Madrid.
Nhưng sâu xa hơn một chút, sau khi có kết quả bốc thăm, dư luận đặt ra ngay một câu hỏi: Liệu rằng có một âm mưu nào đó của UEFA sắp đặt kịch bản diễn ra một trận “kinh điển” giữa Real Madrid và Barcelona ở Wembley vào đêm 25/5 tới?
Những ai mong chờ các trận derby Đức và Tây Ban Nha ở vòng bán kết Champions League đã phải thất vọng ngay từ lá thăm thứ hai, khi cái tên Barcelona được xướng lên. Trước đó, Bayern là đội xuất hiện trong lá thăm đầu tiên.
Kết quả bốc thăm bán kết có hoàn toàn ngẫu nhiên? |
Thay vào đó, những người mong chờ một cuộc chiến Đức - Tây Ban Nha được mãn nguyện, khi các cặp đấu sẽ là Bayern - Barcelona và Dortmund - Real Madrid. Việc bốc thăm diễn ra “công khai”, với người chọn ngẫu nhiên các quả bóng có chứa tên của từng đội là Van Nistelrooy.
Gần như ngay lập tức, bình luận trên các diễn đàn và mạng xã hội, nhiều ý kiến đã đặt ra nghi ngờ có một sự dàn xếp nào đó từ phía nhà tổ chức, ở đây là Liên đoàn bóng đá châu Âu - UEFA, nhằm tạo ra một trận “kinh điển”, vốn là trận đấu được cả thế giới quan tâm, ở chung kết Champions League.
Trên thực tế, nghi ngờ này không phải là không có cơ sở. Trước hết, đó là việc hai đội bóng Đức đều phải đá trận lượt đi trên sân nhà - yếu tố luôn bị xem là bất lợi trong các vòng đấu loại trực tiếp. Tiếp đó, Bayern sẽ phải gặp Barcelona - đội bóng có thể xem là khắc tinh, chứ không phải Real Madrid - nạn nhân của thầy trò ông Jupp Heynckes ở bán kết Champions League mùa trước. Trong lần gặp nhau gần nhất, Bayern từng bị Barcelona hạ chung cuộc 1-5 ở vòng 1/8 Champions League mùa 2008-2009, khi huấn luyện viên Juergen Klinsmann còn cầm quân.
Trong 5 mùa giải gần nhất, tức là tính từ lúc bắt đầu thời Barca tiki-taka thịnh trị, có tới 7/10 lần bốc thăm các vòng knock-out (tứ kết, bán kết) Barca được đá sân nhà ở trận lượt về. Liệu đó có phải là một sự ngẫu nhiên? Trong đó, 4 lần bán kết gần nhất Barca đều được đá sân nhà ở lượt về, còn trận duy nhất họ phải đá sân khách - gặp Chelsea ở mùa 2008-2009, thì xảy ra vụ bê bối của trọng tài Tom Henning Ovrebo kinh thiên động địa. Ngẫu nhiên chăng, hay Barcelona luôn được UEFA dọn đường vào chung kết?
Ở cặp đấu còn lại, mặc dù Dortmund từng gây khó khăn lớn cho Real Madrid ở vòng bảng, thắng 2-1 ở lượt đi trên sân nhà và hòa 2-2 ở trận lượt về tại Bernabeu, nhưng vào thời điểm hiện tại, tình thế của hai đội đã thay đổi rất nhiều. Real Madrid không còn ngập chìm trong khủng hoảng như đầu mùa, trong khi Dortmund đã vượt qua giai đoạn thăng hoa và đang có dấu hiệu đi xuống.
Rõ ràng, Real Madrid sẽ dễ đá và có cơ hội giành chiến thắng hơn rất nhiều nếu gặp Dortmund thay vì Bayern. Trong trường hợp gặp Barcelona, Real Madrid cũng có cơ may giành chiến thắng, nhưng như thế, một trận chung kết Đức - Tây Ban Nha tại Wembley sẽ chẳng thể hấp dẫn bằng một trận “kinh điển”.
UEFA luôn quan tâm đến vấn đề lợi nhuận, và dưới triều đại của Chủ tịch Michel Platini, việc kiếm tiền được đẩy mạnh một cách triệt để. Rõ ràng, một trận chung kết “kinh điển” trong mơ sẽ mang lại giá trị lớn hơn cho Champions League, và kèm theo đó là doanh thu cao hơn, không những ở mùa giải này mà còn trong các năm tiếp theo.
Một vấn đề khác, bản thân UEFA, với Chủ tịch Michel Platini cầm đầu, trước đây cũng đã không ít lần bị tố cáo có những khuất tất trong bốc thăm, hay trong việc xử lý những tình huống “nhạy cảm” liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau, đặc biệt là chuyện kỷ luật trên sân cỏ
Cổ động viên của M.U hẳn chưa quên được tấm thẻ đỏ quá khắc nghiệt mà trọng tài Cuneyt Cakir người Thổ Nhĩ Kỳ rút ra dành cho Nani, gián tiếp giúp Real Madrid loại “Quỷ đỏ” ở vòng 1/8. Hay mới đây, ông chủ Arab của Malaga đã nói toẹt ra, rằng đội bóng của ông bị Dortmund loại chỉ vì UEFA không muốn họ có măt ở bán kết.
Mùa tới, Malaga thậm chí còn bị UEFA cấm tham dự đấu trường châu Âu, chiểu theo Luật Công bằng Tài chính mà người khởi xướng lại chính là ông Platini - một siêu sao sân cỏ, một nhà kinh doanh đồng thời là một chính trị gia trước khi bước vào ngôi nhà của UEFA, ngồi vào chiếc ghế Chủ tịch do ông Lennart Johansson để lại.
Sau lễ bốc thăm phân cặp vòng tứ kết Champions League diễn ra hồi tháng Ba, cựu trọng tài Ahmet Cakar người Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng tố cáo UEFA có sự dàn xếp từ trước. Người đứng ra bốc thăm là Steve McManaman và Patrick Kluivert đã được chỉ đạo bốc những quả bóng có sự khác biệt với các quả khác, để đảm bảo các đội bóng lớn, trong đó có Real Madrid và Barcelona, không gặp nhau ở tứ kết.
Không chỉ UEFA dậy sóng vì cáo buộc ấy, mà FIFA vào thời điểm đó cũng bị sứt mẻ uy tín do những nghi vấn gian lận phiếu bầu Cầu thủ xuất sắc và Huấn luyện viên xuất sắc nhất năm. Đội trưởng Macedonia, Goran Pandev, bỏ phiếu cho huấn luyện viên Jose Mourinho nhưng FIFA lại công bố anh bầu cho ông Vicente Del Bosque. Khẳng định biết có sự gian lận phiếu bầu, ông Mourinho đã không đến dự Gala Quả bóng vàng tổ chức tại Nyon, Thụy Sĩ hồi đầu tháng 1/2013.
Tất nhiên, nghi vấn chỉ mãi là nghi vấn, vì những cáo buộc này không bao giờ được các cơ quan quyền lực của bóng đá châu Âu và thế giới thừa nhận, hay có sự điều tra kỹ càng. “Kinh điển” sẽ là một trận chung kết Champions League tuyệt vời, nhưng nó sẽ tuyệt vời hơn nếu mọi thứ diễn ra ngẫu nhiên, và tự nhiên thuận theo năng lực của Real Madrid cũng như Barcelona.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)