1. Ngày 1/1/1878 ghi nhận một cột mốc đáng nhớ trong lịch sử bóng đá: Fergie Suter, một thợ điêu khắc đá bất ngờ gia nhập CLB Darwen. Mức giá mà Darwen đưa ra để lôi kéo Suter, một trung vệ được miêu tả là rất xuất sắc vào thời điểm đó, là… cả đời ăn cá hồi.
Suter trở thành cầu thủ đầu tiên trong lịch sử bóng đá có giá chuyển nhượng. Nhưng phải 1 năm sau, Suter mới chính thức tham gia vào một cuộc chuyển nhượng theo kiểu mà chúng ta vẫn hình dung ngày hôm nay: Khi anh chuyển từ Darwen sang thi đấu cho Blackburn.
Thực ra, người ta chỉ đồn rằng Suter được Blackburn trả tiền để đá bóng, chứ không biết thực chất anh này trị giá bao nhiêu tiền. Nhưng Suter vẫn bị kì thị. Ngày đó, việc được trả tiền để chuyển sang thi đấu cho một CLB khác bị coi như bán thân, và người ta vẫn chưa biết phải gọi hình thức đó là chuyển nhượng.
Luke Shaw: Cầu thủ đắt giá nhất hành tinh ở độ tuổi dưới 20 |
2. 136 năm sau vụ chuyển nhượng đầu tiên trong lịch sử bóng đá, không biết đã có bao nhiêu Fergie Suter xuất hiện. Chuyển nhượng đã trở thành hoạt động hợp pháp, những cầu thủ tìm đến bến đỗ mới cũng không bị kỳ thị. Nhưng có một gạch nối xuyên suốt giữa ngày hôm nay và vụ Suter 136 năm về trước: Nếu số lượng cá hồi năm xưa Darwen hứa cho Suter vốn dĩ không thể định giá, thì bây giờ, mức giá dành cho một cầu thủ cũng mơ hồ y hệt như vậy.
Nếu bạn muốn có một trung vệ luôn thi đấu mạo hiểm, sẵn sàng đi bóng ngay cả trong vòng cấm địa, phòng ngự như một cầu thủ nghiệp dư, mức giá bạn phải chi ra lên tới… 50 triệu bảng. Hẳn chúng ta đã hình dung ra cái tên David Luiz trong đầu.
Một cầu thủ 19 tuổi, thi đấu chẳng có gì nổi bật, được gọi vào ĐTQG nhưng không đá phút nào tại World Cup, mức giá cũng lên tới 30 triệu bảng. Đúng rồi, chúng ta đang nói tới vụ Man United đưa Luke Shaw về sân Old Trafford. Một cầu thủ cũng gọi là có triển vọng, thi đấu tạm ổn tại World Cup, nhưng trước đó thì chưa để lại dấu ấn gì đặc biệt. Nhưng muốn mua anh, số tiền lên tới 80 triệu euro. Tiếp tục đến trường hợp của James Rodriguez.
3. Luiz, Shaw hay James chỉ là những cá nhân tiêu biểu cho kỹ nghệ thổi giá cầu thủ ngày hôm nay. Làm một phép so sánh đơn giản thế này: Luke Shaw có giá 30 triệu bảng. Nhưng chỉ cần thêm đúng 10 triệu nữa, chúng ta có thể mua được… Di Maria – ngôi sao số 2 của ĐT Argentina chỉ sau Leo Messi.
Đặt Shaw và Di Maria lên bàn cân, dù bất kỳ giá trị nào thì ngôi sao của Real Madrid cũng hơn hậu bối người Anh cả chục lần. Nhưng anh chỉ đắt hơn Shaw đúng 10 triệu bảng – đủ để mua một cầu thủ vô danh ở đâu đó trên thế giới. Chuyện gì đang xảy ra với giá cầu thủ vậy?
Người ta đã từng tính tới một khả năng: Các CLB mượn chuyển nhượng để rửa tiền. Ví dụ như một cầu thủ được công bố trước báo chí anh ta đáng giá 30 triệu bảng? Thực tế, anh ta chỉ có giá 10 triệu bảng. 20 triệu bảng còn lại được khai khống để rửa tiền. Đây là khả năng hoàn toàn có thật và nó nằm trong suy luận của những cơ quan an ninh chống tội phạm rửa tiền quốc tế.
4. Bây giờ mới tới chuyện hệ lụy. Việc giá cầu thủ bị đẩy lên những con số chỉ dành cho người giàu sẽ tạo nên hệ lụy gì? Đó là việc những CLB có tiềm lực kinh tế không quá dồi dào phải nghiến răng mua cầu thủ. Thay vì mua được 4-5 cầu thủ chất lượng, bây giờ, lựa chọn của họ bị thu hẹp xuống còn chỉ 1-2 cầu thủ.
Báo chí Anh mới đây đã thống kê, hiếm có khi nào mà nhiều CLB nhỏ ở Anh cỡ Norwich, Wolves, Fulham, Southampton… phải liên tục phá vỡ kỷ lục chuyển nhượng đã tồn tại cả chục năm trước để mua người trong 2 năm trở lại đây. Đó là một trong những hiện tượng đáng báo động nhất của việc giá cầu thủ tăng phi mã, tăng một cách phi lý.
Phân hóa giàu nghèo, mạnh-yếu sẽ ngày càng rõ rệt. Hãy nhìn vào La Liga, với dàn sao gồm Messi-Neymar-Suarez, Ronaldo-Bale-James Rodriguez mà Barca và Real đang sở hữu, tính cạnh tranh ở giải đấu này coi như bằng 0. Liệu bóng đá còn thú vị gì nữa khi một giải đấu 20 CLB mà câu chuyện vô địch chỉ là cuộc nói chuyện nội bộ giữa 2 đội bóng, kể từ khi giải đấu còn chưa bắt đầu?
Theo Soha