Đã hơn 1 ngày kể từ thời điểm chủ nhân của “Quả bóng vàng FIFA” 2012 được công bố song người ta vẫn chưa thể dừng những cuộc tranh cãi tưởng như bất tận xung quanh danh hiệu này. Nhưng, thành bại ở cuộc bầu chọn này đâu thể đem ra để luận anh hùng.
Những câu hỏi khiến giới mộ điệu tích cực mang ra bàn tán nhất chính là liệu Messi có xứng đáng giành danh hiệu “Quả bóng vàng FIFA” năm nay hay không và liệu rằng với kì tích vô tiền khoáng hậu vừa tạo ra, hảo thủ 25 tuổi đã đủ sức sánh ngang với các bậc tiền bối vĩ đại như Pele hay Maradona hay chưa.
Ngay khi biết được rằng Lionel Messi đã vượt qua Cristiano Ronaldo và Andres Iniesta để “đăng quang” danh hiệu “Quả bóng vàng” lần thứ 4 liên tiếp, qua đó xô đổ mọi kỉ lục về phần thưởng này trong lịch sử, không ít người đã sớm phong El Pulga là “thánh”, là siêu sao lớn nhất từ trước đến nay. Nhưng không, chắc chắn Messi không phải “thánh” bởi bản thân cầu thủ người Argentina vẫn còn rất nhiều điều phải hoàn thiện.
Sự vĩ đại của một cầu thủ không thể chỉ đến từ những cuộc bầu chọn cá nhân
Thiếu sót lớn nhất của Messi khi đặt anh cạnh bên những huyền thoại như Pele hay Maradona là gì? Đó chính là danh hiệu lớn ở cấp độ ĐTQG. Hãy nhớ rằng không những chưa từng giành được một chức vô địch lớn nào cùng Argentina (trừ chức vô địch Olympic 2008 quá nhỏ bé), Messi còn hoàn toàn “tịt ngòi” trên hành trình mà Albiceleste đã trải qua ở VCK World Cup 2010 hay Copa America 2011.
Messi đã ở đâu khi mà Argentina cần anh nhất? Khi mà ở cả 2 giải đấu đó đều chứng kiến Argentina phải sớm xách va li về nước sau vòng tứ kết khi thất bại một cách tủi hổ trước Đức (0-4) và gục ngã trước Uruguay qua loạt “đấu súng” 11 mét.
Dù năm nay, hình ảnh của “số 10” trong màu áo ĐTQG đã khởi sắc hơn nhưng đó chỉ là ở những trận giao hữu hoặc vòng loại World Cup. Ngay cả bản thân Messi cũng phải tự thừa nhận rằng anh không thể hoàn toàn hài lòng với mình về những gì đã qua trong năm 2012, khi mà Barcelona chỉ giành được duy nhất danh hiệu Cope dey Rey.
Vậy hãy trở lại với câu hỏi rằng Messi có xứng đáng trở thành chủ nhân của “Quả bóng vàng FIFA” 2012 hay không? Câu trả lời tất nhiên là có. Phải khẳng định điều này bởi khoảng cách giữa El Pulga với C.Ronaldo hay Iniesta về tỉ lệ phiếu bầu là khá lớn (41.6% - 23.68% - 10.91%).
Thêm nữa, kết quả của một cuộc bầu chọn từ những HLV, thủ quân ĐTQG và các nhà báo uy tín nhất trên thế giới chắc chắn cần nhận được sự tôn trọng từ người hâm mộ. Thế nhưng, dù sao đi nữa, “Quả bóng vàng FIFA” vẫn chỉ là một cuộc bầu chọn của con người và một khi đã là bầu chọn, không có gì phải nghi ngờ khi tồn tại yếu tố cảm tính trong đó.
Nhìn vào danh sách bầu chọn cụ thể được FIFA công bố, vẫn có những lá phiếu bầu chọn cho…Sergio Busquets hay Sergio Ramos ở vị trí “Quả bóng vàng”. Nhưng chẳng ai có thể cho rằng Winfried Schaefer - nhân vật nổi tiếng của bóng đá Đức, hiện đang là HLV trưởng ĐTQG Thái Lan (bầu cho Busquets) hay…Iker Casillas (bầu cho Ramos) đã sai lầm cả bởi đơn giản, khi gửi những lá phiếu cho FIFA, họ có cái lí của riêng mình. Nói cách khác, trong cách nhìn nhận của Schaefer hay Casillas, họ tự chọn ra trong lòng “Quả bóng vàng” của mình và dù kết quả tổng hợp có khác đi nữa thì suy nghĩ đó vẫn rất khó bị thay đổi.
Hoặc như trường hợp của nhiều HLV ĐTQG có học trò lọt vào danh sách 23 đề cử như Cesare Prandelli hay Joachim Low , không có gì ngạc nhiên khi họ sẽ bầu cho “gà nhà” của mình dẫu cơ hội chiến thắng của Pirlo hay Ozil là rất nhỏ nhoi. “Quả bóng vàng” đúng là một cuộc bầu chọn với tất cả những lá phiếu đến từ mọi ngóc ngách trên Trái Đất này, nơi mà văn hóa, sức mạnh truyền thông và quan điểm có sự khác biệt lớn. Cá tính mạnh mẽ và có phần kiêu căng của C.Ronaldo khi đặt cạnh sự khiêm tốn, trầm tĩnh của Messi cũng có thể ảnh hưởng đến cảm tình của những người bầu chọn bởi trong tiêu chí FIFA đưa ra, ngoài màn trình diễn cá nhân và danh hiệu tập thể, ngay cả thái độ của ứng viên cũng là một tiêu chí.
Chưa hết, đã 2 năm trôi qua nhưng tới tận thời điểm này, nhiều người vẫn không tài nào lí giải nổi tại sao Messi lại có thể bước lên bục vinh quang để nhận giải thưởng vào năm 2010 trong khi Wesley Sneijder với một năm đại thành công thậm chí còn chẳng có tên trong Top 3! Messi với danh hiệu lớn nhất là La Liga, bị loại ở tứ kết World Cup mà chẳng ghi nổi bàn nào lại “nghiền nát” Sneijder với cú ăn 5 cùng Inter và ghi 5 bàn để giúp Hà Lan giành ngôi á quân thế giới. Chẳng có lí do gì thuyết phục để cho rằng Messi xứng đáng là cầu thủ hay nhất thế giới năm đó cả.
Năm nay, những tranh cãi không đến nỗi gay gắt như vậy dù vẫn có ý kiến bày tỏ sự tiếc nuối dành cho Cristiano Ronaldo. Messi giành “Quả bóng vàng FIFA” 2012 trong sự công nhận của số đông, nhưng hãy nhớ rằng số đông đó không phải là tất cả giới mộ điệu. Trong trái tim của người hâm mộ, họ có thể tự chọn ra cầu thủ hay nhất năm, hoặc thậm chí là hay nhất lịch sử.
Chẳng sao cả, bởi không thể cứ lấy những lần “đăng quang” danh hiệu cá nhân trong những cuộc bầu chọn tồn tại không ít sự cảm tính, thậm chí để lại tranh cãi suốt 2 năm (và sẽ còn lâu hơn nữa), làm thước đo duy nhất cho tầm vóc của một ngôi sao. Paul Scholes, Thierry Henry, Raul, Pirlo, Gerrard, Lampard, Iniesta, Xavi…chưa từng được xướng tên với ngôi vị đó nhưng với nhiều CĐV, họ vẫn mãi là tượng đài lớn nhất. Suy cho cùng, bóng đá vốn là trò chơi của một tập thể và đừng nên lấy những thành bại trong các cuộc đua cá nhân để luận “anh hùng”.
(Theo Dân Trí)