Thứ Sáu, 27/12/2024 Mới nhất
Zalo

FIFA cho áp dụng công nghệ vạch vôi điện tử: Con người phải nhường chỗ cho máy móc?

Thứ Bảy 07/07/2012 12:09(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Công nghệ Goal line (tạm dịch: công nghệ vạch vôi điện tử) dự kiến sẽ được áp dụng trong các trận đấu bóng đá Anh vào đầu năm sau, khi hai hệ thống kỹ thuật nhằm xác định việc bóng đã đi qua vạch vôi khung thành hay chưa là Hawk-Eye (mắt diều hâu, hiện đang được sử dụng trong quần vợt) và GoalRef (gắn chip điện tử vào bóng và sử dụng hệ thống từ trường để xác nhận bàn thắng) đã được thông qua bởi Hiệp hội liên đoàn bóng đá quốc tế (IFAB) tại Zurich, Thụy Sĩ vào ngày 5/7 vừa qua.

Ban tổ chức Premier League sẽ sớm ngồi vào bàn đàm phán với hai nhà sản xuất của các hệ thống Hawk-Eye và GoalRef để đưa công nghệ vào sử dụng trong thời gian sớm nhất cho các trận ở Premier League và thậm chí là các trận bán kết và chung kết FA Cup.

Trước đó, Tổng thư ký FIFA, ông Jerome Valcke đã thông báo rằng việc áp dụng công nghệ trong bóng đá, cụ thể hơn là công nghệ vạch vôi điện tử, đã được IFAB, cơ quan có trách nhiệm làm luật của FIFA, chính thức thông qua. Công nghệ này sẽ được giới thiệu tại Cúp thế giới các CLB tại Nhật Bản vào cuối năm nay, với mỗi hệ thống được áp dụng cho hai sân vận động đăng cai, và dự kiến sẽ được Ban tổ chức Premier League áp dụng vào đầu năm tới.

Chủ tịch FIFA, ông Sepp Blatter, thừa nhận rằng ông đã thay đổi suy nghĩ về việc áp dụng công nghệ trong bóng đá, sau bàn thắng không được công nhận của Frank Lampard (vào lưới đội tuyển Đức) ở World Cup 2010. Vấn đề này lại được đặt ra sau khi Ukraina bị từ chối một bàn thắng hợp lệ trong trận gặp đội tuyển Anh ở EURO lần này, dù bóng rõ ràng đã đi qua vạch vôi.

Bàn thắng hợp lệ của Frank Lampard vào lưới Đức ở World Cup 2010, nhưng bị trọng tài từ chối,  một khoảnh khắc mang tính bước ngoặt cho quyết định ứng dụng công nghệ vào bóng đá
Bàn thắng hợp lệ của Frank Lampard vào lưới Đức ở World Cup 2010, nhưng bị trọng tài từ chối, một khoảnh khắc mang tính bước ngoặt cho quyết định ứng dụng công nghệ vào bóng đá

Ông Blatter nói: “Với tư cách là Chủ tịch FIFA, những gì đã diễn ra tại Nam Phi là quá rõ ràng và tôi phải nói rằng “Cảm ơn, Lampard”. Tôi hoàn toàn bị đánh gục sau những gì tôi đã chứng kiến và nó thực sự khiến tôi bị sốc. Sự việc tái diễn ở Ukraina, và Ukraina vẫn không thể tin nổi là nó lại xảy ra”.

Tuy nhiên, ông Blatter phủ nhận khả năng sẽ sử dụng các đoạn băng phát lại tình huống hay các công nghệ khác để xác định những pha việt vị, phạm lỗi hay ăn vạ: “Ngoài công nghệ vạch vôi điện tử, thì bóng đá vẫn phải gìn giữ được diện mạo rất “con người” của nó”.

Công nghệ vẫn không thể lấn át con người

Tổng thư ký LĐBĐ Anh (FA), ông Alex Horne, tuyên bố rằng công nghệ “Mắt diều hâu” đã được sử dụng thử nghiệm ở Wembley từ tháng trước, và có thể được cho phép áp dụng chính thức ở các trận FA Cup lẫn các trận của đội tuyển Anh ở Wembley: “Chúng ta có thể ứng dụng một nửa công nghệ này trong mùa bóng. Chúng tôi đã thử nghiệm thành công “Mắt diều hâu” ở Wembley. Nó cần được hiệu chuẩn, đảm bảo hoạt động đúng cách được cấp giấy phép. Chúng ta đã tiến rất gần đến mục tiêu ấy và có thể đưa “Mắt diều hâu” vào hoạt động một cách mau chóng”.

“FA Cup là giải đấu sẽ được áp dụng và cụ thể hơn là ở các trận bán kết và chung kết. Tôi không nghĩ đây là một quyết định gây quá nhiều tranh cãi. Để áp dụng cho các trận đấu của đội tuyển Anh thì khó khăn hơn vì chúng tôi tham gia các giải đấu quốc tế do FIFA tổ chức và cần họ đồng ý nếu muốn áp dụng nó trong các trận vòng loại. Chúng ta cũng cần phải ngoái trở lại phía sau và đàm phán với Premier League, và tất cả những gì tôi biết được hiện tại là họ cũng muốn áp dụng nó” – Ông Horne tiếp lời. Chủ tịch FA, ông David Bernstein cũng tỏ ra hồ hởi: “Tôi nghĩ đây là một ngày trọng đại và tôi tự hào khi góp phần đưa ra quyết định này”.

Sau khi được áp dụng ở Cúp thế giới các CLB diễn ra vào tháng 12 năm nay, công nghệ vạch vôi điện tử sẽ được nhân rộng ra ở Confederations Cup và World Cup 2014 ở Brazil. Theo tổng thư ký FIFA Valcke, chi phí mà FIFA phải trả để áp dụng công nghệ này dao động từ 150 nghìn USD đến 250 nghìn USD mỗi sân, đảm bảo rằng nó sẽ hoạt động tốt ngay cả khi giải đấu kết thúc, và các hệ thống được cài đặt ở các sân sẽ được kiểm tra kỹ lưỡng và cấp phép trước khi được đưa vào sử dụng.

IFAB cũng thông qua một hệ thống giám sát cho phép hai trọng tài ở biên ngang hiện được UEFA sử dụng cho các trận đấu do họ tổ chức, được phép nhận sự trợ giúp của công nghệ này nếu họ muốn. Họ cũng loại trừ khả năng các pha chiếu chậm lại được phát lên màn hình lớn của sân giống như quần vợt. Jonathan Ford, Giám đốc điều hành của Hiệp hội bóng đá xứ Wales, nhấn mạnh rằng trọng tài vẫn là người ra quyết định cuối cùng bất chấp việc quyết định ấy có thể đi ngược lại những gì mà công nghệ đã cung cấp cho họ, để đảm bảo rằng tính “con người”, một trong những yếu tố khiến bóng đá hấp dẫn và gây tranh cãi, được duy trì.

Công nghệ vạch vôi điện tử: Hỏi & Đáp

Công nghệ liệu sẽ được áp dụng trong tất cả các trận đấu?

IFAB chỉ có thẩm quyền thông qua việc áp dụng công nghệ, và để LĐBĐ cũng như Ban tổ chức các giải đấu lựa chọn việc áp dụng hay không cho các trận đấu của họ.

Quy trình thẩm định các giải pháp công nghệ diễn ra như thế nào?

Quy trình thẩm định được tiến hành qua hai giai đoạn. Ở giai đoạn đầu, 8 hệ thống được đánh giá bởi một cơ quan độc lập, và 8 công ty phải chứng minh được rằng các giải pháp công nghệ của họ tôn trọng các tiêu chuẩn của FIFA: Thông báo bàn thắng phải được gửi đến đồng hồ của trọng tài chỉ trong vòng một giây sau khi quả bóng lăn qua vạch vôi, đi kèm các quy định nghiêm ngặt khác về độ chính xác. Hai công ty đáp ứng tốt nhất các tiêu chuẩn này sẽ tiến vào vòng hai. “Mắt diều hâu” và GoalRef đã trải qua thêm một cuộc thử nghiệm nữa để kiểm tra tính chính xác của các hệ thống này trong các điều kiện thời tiết xấu, dưới ảnh hưởng của bóng đèn pha ở sân và khi các cầu thủ đứng ngay gần hai cột cầu môn. Cả hai đều vượt qua bài “kiểm tra” cuối cùng này.

Champions League sẽ “tẩy chay” công nghệ?

Chủ tịch UEFA, ông Michel Platini cho rằng việc nhân rộng sử dụng công nghệ trong các trận đấu là một sai lầm, và điều đó đồng nghĩa với việc Champions League và Europa League có thể “tẩy chay” xu thế này, dù Chủ tịch FIFA Sepp Blatter cho rằng “ông ấy (Platini) không thể đi ngược lại lịch sử”

Ai sẽ trả tiền để áp dụng công nghệ?

Một câu hỏi chưa có lời đáp. Premier League nhiều khả năng sẽ huy động sự đóng góp từ các CLB thành viên, nhưng những người khác thì sao? Tài trợ thương mại là một khả năng có thể tính đến, nhưng cân bằng lợi ích là điều khó khăn. Với cấp ĐTQG, thì có lẽ chỉ có các quốc gia lớn như Anh mới thích thú với việc đầu tư, và các nền bóng đá nhỏ vẫn có thể là nạn nhân của sự bất công

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X