Thế là Bayern Munich đã trả được món nợ mà Chelsea từng buộc họ phải vay trong trận chung kết Champions League mùa bóng 2011-2012 theo một cách sòng phẳng nhất: Cũng bằng chiến thắng ở lượt sút thứ 5 trong loạt “đấu súng” cân não.
Tiếc cho Chelsea khi họ chỉ còn cách chiếc Siêu Cúp châu Âu có vài giây nhưng cũng cần phải khen ngợi những nỗ lực tận cùng của Bayern trong việc tạo ra khoảng trống nơi hàng phòng ngự của đối phương để trở về từ cõi chết. Thật vậy, khoảng trống chính là chủ đề quan trọng nhất ở trận đấu này và nó được hình thành trong sự khác biệt khá lớn về lối chơi giữa hai đội. Dĩ nhiên, sự khác biệt đầu tiên là về sơ đồ chiến thuật khi Bayern chơi với 4-1-4-1 còn Chelsea sử dụng 4-2-3-1.
Điểm thứ hai, Bayern mạo hiểm còn Bayern thì không. Điều đó được thể hiện qua việc toàn bộ đội hình của Bayern đều tràn sang phần sân của đối phương trong những lúc tấn công, kể cả thủ môn Manuel Neuer ở hiệp phụ thứ hai khi đội bóng Đức cần có bàn thắng để san bằng tỷ số. Ngược lại, Chelsea luôn có ít nhất 2 cầu thủ, thường là cặp trung vệ David Luiz - Gary Cahill, trụ lại bên phần sân nhà khi các đồng đội của họ tấn công hay phản công.
Điều đó, cộng với sơ đồ 4-1-4-1 không được vận hành một cách tốt nhất do thiếu libero Bastian Schweinsteiger, đã khiến Bayern để lộ ra rất nhiều khoảng trống ở hàng thủ trong khi nhiệm vụ của Chelsea là hạn chế tối đa những khoảng trống nơi hàng phòng ngự của mình. Đây chính là điểm dẫn đến sự khác biệt cuối cùng, và cũng là quan trọng nhất, trong lối chơi của 2 đội: Bayern tìm cách tạo ra khoảng trống trong lúc Chelsea chỉ chuyên tâm vào việc khai thác khoảng trống.
Chính sức ép liên tục cùng những phương án tấn công khá đa dạng và linh hoạt của Bayern đã giúp họ tạo ra khoảng trống nơi hàng phòng ngự của Chelsea. Nếu không thì Bayern đã không thể có được 2 bàn thắng từ Franck Ribery và Javier Martinez bởi trong 17 cú sút đúng hướng khung thành đối phương còn lại, các chân sút của đội bóng Đức đều không ở vào những vị trí rất thuận lợi để thực hiện cú sút.
Tất nhiên, không thể phủ nhận công lao của thủ môn Petr Cech trong việc hạn chế số bàn thua cho Chelsea nhưng trên tất cả, chính cách phòng thủ kết hợp giữa kèm người với kèm khu vực và bọc lót cho nhau rất tốt của các cầu thủ tham gia phòng ngự, kể cả 2 tiền vệ cánh, đã giúp “The Blues” phong tỏa khá tốt mặt trận tấn công vốn mất đi sự cân đối giữa hai cánh của Bayern (do Arjen Robben chơi mờ nhạt so với Ribery).
Ngược lại, dù vẫn chưa tìm được sự cân đối giữa công và thủ nhưng nhờ Bayern để lộ ra quá nhiều khoảng trống nên Chelsea đã tìm được 2 bàn thắng khá dễ dàng. Trong cả hai tình huống đó, Eden Hazard, Andre Schuerrle cùng Fernando Torres (ở bàn thắng thứ nhất) và Hazard (ở bàn thắng thứ hai) đều có đủ cả không gian lẫn thời gian để hạ gục Neuer.
Có thể đưa ra những con số thống kê để hình dung một cách rõ hơn. Bayern đã tung ra tất cả 37 cú sút trong khoảng 64% thời gian mà họ nắm quyền kiểm soát bóng nhưng chỉ tạo ra được 4 tình huống thật sự nguy hiểm. Ngược lại, dù chỉ tung ra 14 cú sút nhưng Chelsea lại tạo ra đến 5 tình huống thật sự thuận lợi, trong đó cũng phải kể đến khả năng tận dụng khá tốt những tình huống cố định trong tấn công của đội bóng Anh.
Đúng là việc dâng đội hình lên quá cao và chỉ chơi với một cầu thủ ở phía trước hàng hậu vệ đã khiến Bayern phải đối mặt với nhiều nguy cơ từ những khoảng trống mênh mông mà họ để lộ ra bên phần sân nhà. May mà Chelsea chỉ khai thác được những khoảng trống đó có 2 lần mà lại phải chơi thiếu người nên Bayern mới có cơ hội thanh toán sòng phẳng món nợ cũ.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)