Việc Man City làm cho đến lúc này, vẫn đơn thuần là “mua một đội bóng”. Những con người của họ chưa có đủ thời gian gắn kết thành một khối...
1. Khi Chelsea đăng quang chức vô địch Champions League năm ngoái, hầu hết các ý kiến bình luận đều chỉ nói rằng con đường của Abramovich, dùng tiền mua thành công cũng có thể tạo ra chiến quả cao nhất của bóng đá châu Âu. Ít người quan tâm đến một thực tế: đội hình ấy không phải được mua bằng tiền, mà được xây dựng bằng tiền.
“Mua một đội bóng” và “xây một đội bóng” là cặp khái niệm được các lãnh đạo của Arsenal ưa dùng. Theo đại ý của họ, “mua một đội bóng” là nhanh chóng tập trung những cầu thủ giỏi bằng một ngân sách lớn. Còn “xây một đội bóng” là từ tốn lắp ghép và trau dồi những mảnh ghép thích hợp, sử dụng thời gian để có đội hình mạnh, chứ không phải tiền bạc.
Đội hình hiện tại của Man City chưa đạt tới thâm niên cần thiết để trở thành một CLB mạnh
Chelsea đã phải dùng đến cả 2 thứ này. Trong đội hình ra quân tại Allianz Arena ngày 19/5 vừa qua, trung bình, mỗi cầu thủ Chelsea đã thi đấu ở CLB này 4,9 năm. Đó là một quãng thời gian rất dài, để người ta thấu hiểu nhau và tạo thành một một khối thống nhất.
Hãy nghiên cứu một nhà vô địch khác, Dortmund. Ngày nay, họ đang theo đuổi mô hình “cây nhà lá vườn”, tự đào tạo cầu thủ. Nhưng cũng đã từng có thời đội bóng này chi tiêu bốc giời. Đội hình vô địch Champions League 1997 của họ cũng được xây dựng bằng tiền. Là tiền, và thời gian. Trung bình, mỗi cầu thủ trong đội hình xuất phát của Dortmund trước Juve trận chung kết năm ấy đã chơi tại CLB của họ 3,4 năm.
Một ví dụ khác: Porto. Nhà vô địch “từ trên trời rơi xuống” của năm 2004 nổi tiếng với chính sách bán ngay cầu thủ khi thành tài. Nhưng đội hình đã thắng Monaco của họ cũng có “tuổi CLB” trung bình 3,6 năm.
2. Đến đây thì bạn đọc hẳn đã đoán được ý của bài viết này. Việc Man City làm cho đến lúc này, vẫn đơn thuần là “mua một đội bóng”. Những con người của họ chưa có đủ thời gian gắn kết thành một khối. Những kẻ có thể tiến sâu ở Champions League, bất kể là siêu mạnh như Barca hay “ngựa ô” như Porto, đều phải chơi bóng như một khối.
Đội hình dự kiến của họ trong trận gặp Dortmund (nằm ngay bên phải bài viết này), mới chỉ chơi bóng tại Etihad trung bình 2,09 năm. Trong số đó, những người được coi là “cựu binh” già dặn nhất, như Kompany và Zabaleta, cũng mới chỉ đến Manchester được 4 năm.
Các tân binh không phải là nguyên nhân khiến lối chơi thiếu tính đoàn kết. Chelsea mùa trước thậm chí còn “vời” Ryan Bertrand, một cầu thủ mới toanh dự trận chung kết. Bayern Munich cũng từng vô địch Champions League 2000/01 với một Owen Hargreaves vừa ra lò từ trận… bán kết. Nhưng bên cạnh một vài tân binh, một đội bóng còn cần một bộ khung đã thấu hiểu CLB đến tận cùng, thấm nhuần cả lối chơi lẫn tinh thần của chiếc áo mình đang khoác. Họ sẽ tạo thành cái gọi là “đẳng cấp”.
3. Tiền và tên tuổi không phải là tất cả. Người ta thường xuyên quên mất yếu tố “thời gian” khi phân tích sức mạnh của một đội bóng. Thời gian làm nên rất nhiều sức mạnh. Chelsea đã phải mất rất, rất nhiều thời gian, hơn bất kỳ nhà vô địch Champions League nào khác để có được điều họ muốn.
Tất nhiên, trong bóng đá chuyện gì cũng có thể xảy ra. Nhưng lý tính mà nói, Man City vẫn còn thiếu cái yếu tố vô giá ấy để trở thành một ông lớn của châu Âu.
Có thể đêm nay, từ Dortmund, kẻ bị đánh giá thấp hơn, họ sẽ lại nhận được thêm một bài học nữa về “thời gian”.
(Theo báo Bóng Đá)