Khi một phong cách mới xuất hiện và thống trị, sau đó thường là hai trào lưu mới. Một bộ phận cố gắng sao chép phong cách này. Một bộ phận khác quyết định đi theo hướng ngược lại, nghĩa là tìm cách khắc chế.
Mùa này, Atletico chính là đội bóng vận dụng counter-pressing ấn tượng nhất
2008-2012 là giai đoạn đỉnh cao của tiqui-taca. Trong 4 năm này, Barca của Pep Guardiola giành 17 danh hiệu bằng lối chơi tôn thờ kiểm soát bóng tới cực đoan, vốn được Pep cải tiến từ totalfootball của những người thầy Hà Lan vĩ đại. Cũng trong giai đoạn này, ĐT Tây Ban Nha với nòng cốt là Barca, và tiqui-taca là phong cách chủ đạo, đã thống trị bóng đá thế giới với 3 danh hiệu lớn liên tiếp.
Thành công của Barca và TBN mở ra một trào lưu mới. Mô hình Barca được xem là thời thượng, là đề tài chính cho nhiều nghiên cứu không chỉ trong lĩnh vực thể thao. Tiqui-taca thì thành mốt; nhà nhà, người người mơ về tiqui-taca, từ Roma ở Italia, Man City ở Anh cho tới Swansea ở Xứ Wales. Tất cả những gì liên quan tới Barca đều trở thành những “hàng hot”.
Nhưng không phải ai cũng phát cuồng vì tiqui-taca. Trước sự thống trị của Barca, một bộ phận quyết định đi theo con đường ngược lại, với lá cờ đầu Jose Mourinho. Thực ra, Mou đã chọn phong cách đối lập với những gì Barca theo đuổi từ khi còn ở Porto. Nhưng phải tới khi Inter hạ Barca rồi Bayern để đăng quang Champions League 2009/10, phong cách Mourinho mới chính thức được xem là liệu pháp “anti-Barca”. Hai trận ấy, Inter đều cầm bóng không quá 30%!
“Phong cách Mourinho” không giúp bản thân ông thành công. Sau ngày rời Inter, HLV người Bồ liên tục bị chặn lại ở bán kết Champions League. Tuy nhiên, nó lại mang tới thành công cho những HLV khác. Năm 2012, Chelsea của Di Matteo loại Barca ở bán kết bằng chiến thuật xe bus trước khi đăng quang. Một năm sau, Bayern của Heynckes vùi dập ở Barca bằng những pha phản công như vũ bão ở bán kết và lên ngôi.
Năm 2014, Barca không còn hiện diện ở bán kết. Nhưng dấu ấn “anti-Barca” vẫn cực kỳ rõ ràng, dưới một tên gọi khác: counter-pressing. Counter-pressing, hiểu một cách đơn giản, là khi mất bóng ở sân đối phương, các cầu thủ thay vì chạy về, sẽ lập tức gây sức ép để đòi lại bóng. Đây là chiến thuật cực khó, vì nó yêu cầu tất cả phải di chuyển nhiều và đồng bộ. Nhưng lại vô cùng hiệu quả, nhất là khi đối phó với các đội chơi theo phong cách Barca.
Mùa trước, Klopp dùng counter-pressing để đưa Dortmund tới chung kết. Heynckes hạ Barca cũng bằng counter-pressing, trước khi Bayern “phiên bản Barca” của Guardiola bị Ancelotti vùi dập bằng chính cách chơi này. Nhưng nếu phải chỉ ra người vận dụng counter-pressing ấn tượng nhất, đó chỉ có thể là Diego Simeone. Mùa này, Atletico không thua Barca cả 6 lượt đối đầu, từng hạ Real ở Bernabeu, hạ Chelsea của Mou ngay tại Stamford Bridge, tất cả đều bằng counter-pressing...
Năm ngoái là chung kết toàn Đức, với Bayern và Dortmund. Năm nay là chung kết toàn TBN, với Atletico và Real. Kết luận? Thứ thống trị không phải là quốc gia hay giải đấu, mà là phong cách...
Tiqui-taca vs Counter-Pressing: 2-15
Champions League 3 mùa gần đây chứng kiến sự thoái trào của tiqui-taca và sự vươn lên mạnh mẽ của counter-pressing. Năm 2012, Barca của chính Guardiola bị Chelsea của Di Matteo loại với tổng tỉ số 2-3 ở bán kết. Một năm sau, khi Tito Vilanova tiếp quản, Barca bị Bayern vùi dập với tổng tỉ số 7-0. Mùa này, đến lượt Bayern của Pep thua Real với tổng tỉ số 0-5 ở bán kết.
Theo Bongdaplus.vn