Champions League 2013/14 đánh dấu sự sa sút rõ rệt của hàng loạt quyền lực đã từng thống trị châu Âu như Barcelona hay Bayern Munich. Tuy nhiên, chính hiện tượng những nhà vua “tự động” thoái vị đã giúp đỉnh châu Âu tìm ra chủ nhân mới.
NHỮNG NHÀ VUA… TỰ THOÁI VỊ
Barcelona trải qua lần đầu tiên kể từ mùa 2006/07 bị loại ngay từ vòng tứ kết Champions League; nhà ĐKVĐ Bayern Munich bị Real Madrid vùi dập tàn nhẫn tới 0-5 sau 2 lượt trận vòng bán kết, đánh bật khỏi ngai vàng theo cách xấu hổ nhất có thể; giấc mơ lọt vào chung kết cúp châu Âu thứ 3 liên tiếp của Chelsea (sau 2 trận chung kết Champions League 2011/12, Europa League 2012/13) cũng tan thành mây khói dưới gót giày hủy diệt của Atletico Madrid.
Sự kiện những đại gia thay nhau thống trị châu Âu nhiều năm gần đây đồng loạt tự động thoái vị nhường ngôi chính là hình ảnh đáng nhớ nhất của Champions League mùa này. Nhiều người cho rằng, thất bại của Barca, Bayern, Chelsea chỉ là hiện tượng. Chưa thể coi đây là bằng chứng có sức nặng xác tín cho sự chấm dứt của những đế chế đầy quyền lực.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào cái cách Barca, Bayern và Chelsea chia tay Champions League, hẳn những kẻ lạc quan phải suy nghĩ lại. Bayern thua toàn diện về cả tỷ số lẫn thế trận trước Real Madrid. Barca bỗng trở nên hiền lành một cách tội nghiệp trước Atletico Madrid đầy ngoan cường trong cả phòng ngự lẫn tấn công. Còn Chelsea dù lọt vào tới bán kết, nhưng cái cách họ để đoàn quân của Diego Simeone cầy nát Stamford Bridge đã lột trần những mặt yếu kém nhất của Chelsea-Mourinho.
Có quan điểm cho rằng, cái chết của Barca và Bayern có chung một nguyên nhân: Họ đều lầm tưởng vào sức mạnh thống trị của câu thần chú tiqui-taca. Có thể nhận thấy rõ một thực tế, cả Barca và Bayern bây giờ đều không còn đủ những nhân lực tài năng nhất để vận hành tiqui-taca, nhưng họ vẫn cố bám vào thương hiệu vĩ đại một thời này để cầu vinh quang. Kết quả đã rõ, Barca và Bayern chỉ là đại diện cho 2 CLB cầm bóng nhiều, nhưng hoàn toàn không tạo ra bất kỳ hiệu quả thực tế nào.
Chính sự rườm rà của tiqui-taca đã trói cả Barca và Bayern vào chung một cột mốc thất bại, và phế truất luôn sự thống trị của những quyền lực hàng đầu châu Âu trong nhiều năm trở lại đây.
THỜI THẾ TẠO ANH HÙNG
Tuy nhiên, sự sa sút của những triết lý, những quyền lực từng thống trị Champions League cũng có mặt tích cực. Nó dọn một con đường thênh thang để đón nhà vua mới và cả những tư duy mới lên ngôi. Champions League có còn là giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh hay không nếu chức vô địch chỉ luẩn quẩn trong quyền quản lý của một nhóm đại gia cố định? Ngai vàng châu Âu cần một ông vua mới để chí ít là người ta cũng cảm thấy giải đấu này tồn tại sự cạnh tranh.
Real Madrid sau 12 năm ròng rã, đầu tư tới 1,1 tỷ bảng, mang về 142 tân binh, bổ nhiệm sa thải 11 HLV khác nhau rốt cuộc cũng tìm đến trận chung kết Champions League . Đó chính là lời cổ vũ, là sự ghi nhận xứng đáng cho những khát vọng đã phải nung nấu quá lâu.
Atletico Madrid, đội bóng duy nhất trong 11 năm qua lọt vào trận chung kết dù không có tên trong nhóm 10 CLB kiếm tiền hàng đầu thế giới, chính là sự cổ vũ cho những khát vọng đơn lẻ. Không nhất thiết bạn phải có một hầu bao không đáy, một dàn sao triệu đô, bạn vẫn có quyền mơ trận chung kết Champions League. Đó mới là điểm hấp dẫn tột đỉnh của Champions League - giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh.
Bayern lập kỷ lục buồn
Trận gặp Real Madrid tại bán kết lượt về, Bayern Munich đã chạm tay tới một kỷ lục rất buồn khi trở thành đội thua cầm bóng nhiều nhất trong lịch sử Champions League. Trận đó, Bayern cầm bóng 72% nhưng thua chung cuộc… 0-4.
CON SỐ:
76 - Tính từ vòng sơ loại, có tổng cộng 76 CLB tham dự Champions League 2013/14.
35 - Jack Wilshere giữ kỷ lục là cầu thủ ghi bàn nhanh nhất sau khi vào sân thay người. Trong trận gặp Marseille, chỉ 35 giây sau khi vào sân Wilshere đã ghi bàn.
1.212 - Toni Kroos chính là cầu thủ chuyền nhiều nhất Champions League mùa này. Anh đã thực hiện tổng cộng 1.212 đường chuyền.
Theo Bongdaplus.vn