Thứ Bảy, 28/12/2024 Mới nhất
Zalo

Câu chuyện TTCN: Những kẻ tình nguyện bị "hút máu"

Thứ Ba 19/08/2014 08:41(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
 Một số CLB vì nhiều lý do phải chấp nhận trở thành nguồn cung ứng sao cho các đại gia.

Trong thời buổi “kim tiền” lũng đoạn thị trường chuyển nhượng, Luật công bằng tài chính chưa hoàn thiện, một vài đội bóng không nhiều tiền bạc buộc phải chọn một trong hai con đường nếu không muốn bị “phá sản” - kiên trì xây dựng nền tảng hoặc chấp nhận làm “lò cung cấp” tài năng.

Ở khía cạnh kiên trì xây dựng nền tảng, có hai ví dụ điển hình tính từ khi “kim tiền” bắt đầu thống trị, đó là Porto và Arsenal. Điểm chung của hai đội bóng này là làm rất tốt công tác bán cầu thủ họ đào tạo và mua cầu thủ giá rẻ, sử dụng, rồi sau đó chuyển nhượng với giá trị lớn hơn.

Một thập kỉ nay, Porto là đội thu lợi nhuận nhiều nhất từ chuyển nhượng
Một thập kỉ nay, Porto là đội thu lợi nhuận nhiều nhất từ chuyển nhượng

Theo thống kê, tính từ mùa 2004-05 đến nay, Porto có lợi nhuận từ thị trường chuyển nhượng lên tới gần 450 triệu Euro. Đến thời điểm hiện tại, số tiền mà Porto thu về, nếu tính luôn cả những khoản thưởng sau, đã lên tới xấp xỉ 1 tỉ Euro - kỷ lục thực sự ở thời buổi kinh tế cả châu Âu vẫn khủng hoảng kéo dài.

Trong khi đó, với Arsenal, theo trang Transferleague, tính từ mùa giải 2008/09 - thời điểm Man City bắt đầu được đầu tư mạnh bởi các ông chủ Ả Rập, hiệu số mua bán của Arsenal so với 4 CLB hàng đầu khác tại Premier League (Man Utd, Chelsea, Man City, Liverpool) là -4.125, có nghĩa Pháo thủ dường như không hề chi một đồng nào để mua sắm.

Theo định nghĩa của Trung tâm nghiên cứu thể thao quốc tế (CIES), một đội bóng cơ bản được coi là đào tạo thành công một cầu thủ, là khi cầu thủ đó trải qua 3 mùa giải được ra sân thường xuyên trong đội một lẫn đội trẻ.

Nếu tính như thế, Ajax đang có rất nhiều cầu thủ đẳng cấp chơi bóng ở nước ngoài như Rafael van der Vaart (Hamburg SV), Wesley Sneijder (Galatasaray), Luis Suarez, Thomas Vermaelen (Barcelona), Jan Vertonghen, Christian Eriksen (Tottenham), Zlatan Ibrahimovic, Van der Wiel (PSG)... Và phần lớn những cầu thủ này đều mang lại lợi nhuận gấp 2-3 lần số tiền mà Ajax bỏ ra để đào tạo, hoặc mua về rồi đào tạo.

Nếu chỉ xét về lợi nhuận trên thị trường chuyển nhượng, Porto, Arsenal và Ajax chắc chắn là tấm gương sáng cho mọi đội bóng châu Âu. Tuy nhiên, có một thực tế phũ phàng rằng, cả ba CLB đều buộc phải hi sinh thứ quan trọng nhất để đổi lấy sự bền vững, đó là danh hiệu.

Trên thực tế, bởi những khoản nợ chồng chất do các khoản đầu tư ngoài bóng đá, Porto, Arsenal mới phải chuyển đổi chính sách bóng đá của mình. Nếu như Porto chỉ có thể cạnh tranh được ở Bồ Đào Nha hay Europa League từ sau lần vô địch Champions League 2004, thì Arsenal còn tồi tệ hơn, sau khi xây dựng sân Emirates, họ đã phải trải qua gần 9 năm trắng tay trên mọi đấu trường.

Đối với Ajax, do xuất phát điểm từ Eredivisie - giải bóng đá chỉ thuộc tầm trung châu Âu nên họ buộc phải yên vị với vị thế “ông lớn” so với các đội bóng quốc nội và chọn cách làm đã trở thành truyền thống, đào tạo cầu thủ chất lượng cao rồi chuyển nhượng. Có thể Ajax đã từng làm điên đảo làng túc cầu với chức vô địch Champions League 1995, nhưng thế hệ cầu thủ Vàng năm ấy, không phải bao giờ cũng xuất hiện.

Thêm một điều nữa, giai đoạn phát triển nhất của một cầu thủ thường trôi qua rất nhanh và rất khó xác định. Do đó, trong trường hợp của Arsenal - đội đang bắt đầu mua “sao” từng năm một, vẫn sẽ rất khó khăn trong việc vươn tầm. Bởi, HLV phải vất vả xoay sở để đội hình chơi gắn kết - thứ buộc phải có thời gian.  Rốt cuộc, cách làm của Porto, Arsenal chỉ được coi là phương án dự phòng cho các đại gia, sau khi thất bại bởi vòng xoáy chuyển nhượng. Còn cách làm của Ajax chắc hẳn là “đường cùng”. 

Theo VTC

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X