Khi những vụ mua Axel Witsel và Hulk được công bố vào cuối kỳ chuyển nhượng của giải vô địch Nga vừa rồi, sự chú ý dồn hết cả về cực đông châu Âu.
Thật ra, bóng đá Nga từng được chú ý trước đó, nhưng việc Zenit Saint Petersburg bỏ ra 90 triệu euro cho 2 cầu thủ đang chơi ở BĐN vẫn là một cú sốc lớn. Trước đó, không hề kém cạnh, màn tiêu tiền đã được bắt đầu ở Anzhi Makhachkala với Samuel Eto’o, Yuri Zhirkov và Roberto Carlos. Đội tuyển Nga đã chơi rất tốt ở EURO 2008, nhưng sau đó đã bỏ lỡ World Cup 2010 và bị loại khỏi vòng bảng một cách khó hiểu tại EURO 2012.
Hulk và Axel Witsel, hai vụ chuyển nhượng bom tấn của Zenit ở mùa Hè vừa qua
Không tránh khỏi những bước thăng trầm như bất kỳ nền bóng đá mới nổi nào, nhưng hướng đi chung của bóng đá Nga những năm vừa qua vẫn là sự tiến lên như vũ bão. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, việc tái cấu trúc lại nước Nga là yêu cầu ưu tiên hơn so với bất cứ điều gì khác. Khi đó, những Roman Abramovich và Suleyman Kerimov mới ở tuổi 20, đang chập chững vào nghề kinh doanh, làm quen với chủ nghĩa tư bản và có lẽ không mấy ai ngờ tới, chuẩn bị cho một cuộc chơi bóng đá khuynh đảo cả châu Âu.
Thật nhiều tiền
Nguồn tài nguyên khổng lồ của nước Nga, dầu mỏ, khí đốt, các quặng kim loại, đã biến họ thành tỉ phú và cũng khiến họ phải nghĩ ra cách tiêu tiền. Kerimov sinh ở Dagestan, mà Makhachkala là thủ phủ. Để dễ tưởng tượng ông có bao nhiêu tiền, bạn hãy biết rằng Kerimov đã đầu tư toàn bộ để xây một sân bóng mới cho Anzhi và các cầu thủ ngôi sao của CLB sống và tập luyện ở Moskva, chỉ bay về Dagestan để chơi bóng.
Roberto Carlos là người đầu tiên tới đây sau khi Kerimov mua lại đội bóng năm 2011. Giờ anh đang làm Giám đốc thể thao. Những ngôi sao khác bao gồm Eto’o, Zhirkov, Mehdi Carcela-Gonzalez, Mbark Boussoufa và Balasz Dszudszak năm 2011 và Christopher Samba tháng 1/2012. Mùa hè này là sự có mặt của Lassanna Diarra và Lacina Traore. Không chỉ có một mình Anzhi chơi trội. Phía bắc, Zenit đã trở thành một trong những đội nổi tiếng nhất nước, và cả châu Âu, nhờ sự bảo trợ của tập đoàn dầu khí Gazprom.
Tiền bạc của họ cũng là chuyện không phải nghĩ khi Gazprom đang sản xuất 17% sản lượng khí đốt trên toàn thế giới và đóng góp 10% GDP cho Nga trong năm 2008, xuất khẩu gần 550 tỉ mét khối khí đốt, 32 triệu tấn dầu thô và 10,9 triệu tấn khí đốt nén. Trong khi đó, những CLB cũ lừng danh tại Moskva vẫn chưa chịu nhường bước và cũng có đại gia chống lưng. Spartak Moskva thuộc sở hữu Leonid Fedun, Phó chủ tịch hãng dầu mỏ khổng lồ Lukoil. Lokomotiv vẫn là của công ty đường sắt. CSKA được công ty rượu S.P.I. Group bảo trợ và sau lưng Dynamo là ngân hàng sừng sỏ của nước Nga VTB Bank.
Truyền thống cũng giúp các đội bóng thủ đô có thể không ngán ngại những nhà giàu mới. Spartak là đội thành công nhất lịch sử bóng đá Nga với 21 chức vô địch Liên Xô/Nga và 13 Cúp quốc gia. Họ cũng từng vào bán kết mọi giải đấu ở cấp độ châu Âu ít nhất một lần. Dynamo có 10 chức vô địch quốc gia, Lokomotiv 2, cộng thêm 2 Cúp C2.
Rubin Kazan là một cái tên khác phải nhắc đến, với 2 lần vô địch Nga và thuộc sở hữu Valery Sorkin, chủ một công ty có cái tên rất dài Svyazinvestneftekhim, chuyên quản lý cổ phần trong các tập đoàn nhà nước có trụ sở tại thủ phủ nước cộng hòa tự trị Tatarstan.
Hợp lực lại, họ không chỉ gây tiếng vang trên châu Âu, các tỉ phú Nga góp phần không nhỏ đưa World Cup 2018 về đây, với các khoản tiền vận động cùng cam kết về việc xây mới sân bóng, đầu tư cho cơ sở hạ tầng hoặc thậm chí quy hoạch lại cả thành phố, như ở Mokva, St Petersburg, Sochi và Kazan.
Vẫn còn những nỗi lo
Vấn đề còn lại với bóng đá Nga chính là điều mà tiền bạc không giải quyết được: cản trở về mặt địa lý. Với một diện tích quá rộng lớn của nước Nga, các quan chức ở Kremlin vẫn truyền tai nhau một câu chuyện nửa đùa nửa thật rằng nếu có ai đó muốn buôn lậu một con voi vào Nga, thì sẽ không ai phát hiện nổi. Vì thế, một giải đấu toàn Nga, với các trận tổ chức từ Volgograd tại miền Tây tới Vladivostok ở miền Đông, cách nhau 6,7 múi giờ và hàng chục nghìn km, là gần như không thể.
Tiền bạc đương nhiên cũng gây ra những hệ lụy, nỗi lo về sự minh bạch và bàn tay của tội phạm có tổ chức. Yevgeni Giner, Chủ tịch CSKA Moskva, từng bị cáo buộc có liên hệ với mafia Nga. Sân Luzhniki thì thuộc sở hữu của Phó chủ tịch quốc hội Alexander Babakov. Luật công bằng tài chính sắp có hiệu lực của LĐBĐ châu Âu là một mối đe dọa khác, nhất là trong bối cảnh doanh thu từ bóng đá Nga không thể nào sánh nổi với những giải tiếng tăm ở phương tây. Dẫu vậy, lúc này thì những người yêu nền bóng đá Nga lâu đời vẫn cứ tận hưởng cảm giác được chú ý và cả những chiến thắng ngày càng đến thường xuyên hơn.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)