“Make or miss” (thực hiện thành công, hay bỏ lỡ cơ hội) là cụm từ quen thuộc dùng trong thể thao trên báo chí phương Tây.
Phổ biến nhất, là trong môn tennis, khi những cú đánh của những danh thủ trong Top 10 thế giới thường xuyên là “được ăn cả ngã về không”, tức liếm vạch chỉ 1 phần triệu mà chỉ có thiết bị “mắt diều hâu” mới có thể phân định quả đó là make hoặc miss. Rất nhiều trường hợp, rất nhiều trận thư hùng đỉnh cao của môn banh nỉ, một pha bóng như thể đủ quyết định số phận trận đấu, giải đấu hoặc thậm chí thay đổi lịch sử của một tay vợt, một môn thể thao.
Ví dụ: ở trận vòng 4 Roland Garros 2009, Federer có một pha đánh “nghìn cân treo sợi tóc” khi bị dồn vào cửa tử trước Tommy Haas (dẫn trước Federer 2 set), cú dọc dây ấy nếu không liếm vạch thì bất ngờ lớn đã xảy ra, và đã không có chuyện Federer vô địch giải Pháp mở rộng năm đó, hoàn tất bộ sưu tập Grand Slam trên mọi mặt sân, đi vào lịch sử, trở thành tay vợt vĩ đại nhất mọi thời đại… Xin nhắc lại: đó chính là “make hoặc miss”.
Ranh giới thành bại vô cùng mong manh trong thế giới thể thao đỉnh cao, với một quy luật vô cùng khắc nghiệt mà dựa vào đó người ta đánh giá trình độ, phẩm chất, bản lĩnh của một cá nhân (hoặc tập thể). Ở những trận đấu như Arsenal gặp Bayern Munich rạng sáng qua, bạn không được phép phạm sai lầm, nói cách khác là không được “miss”.
Nhất là với Arsenal, ở tư thế đội cửa dưới rõ rệt so với ĐKVĐ châu Âu và thế giới Bayern Munich. Có lẽ các đồng đội của Per Metersacker đã quên lời thủ quân của mình trước trận: “Nếu muốn vượt qua Bayern, Arsenal phải thi đấu với 200% phong độ trong cả hai trận lượt đi và về”.
Rất tiếc, đội bóng của Arsene Wenger đã không làm được điều đó. HLV của Arsenal có thể bảo vệ học trò cưng Mesut Oezil, nhưng có một sự thật không thể phủ nhận là ngôi sao số 1 của Pháo thủ đã sút hỏng quả phạt đền quan trọng nhất trong sự nghiệp của mình, và là quả phạt đền quan trọng nhất của Arsenal trong mùa này. Khi là danh thủ trị giá 42,5 triệu bảng nhận lương hơn 100.000 bảng/tuần, Oezil không được phép sút hỏng quả phạt đền định mệnh ấy. Nếu người sút là cầu thủ trẻ Yaya Sanogo thì còn chấp nhận được, nhưng chắc chắn Wenger không trao số phận Arsenal cho ngôi sao trẻ này.
Sanogo chỉ là giải pháp tình thế khi Olivier Giroud xuống phong độ, tất nhiên không thể đòi hỏi nhiều ở Sanogo. Nếu muốn trách, chỉ nên trách Wenger đã dám… sỉ nhục Bayern cũng như nhiều đội bóng lớn khác của châu Âu và cả chủ tịch UEFA Michel Platini nữa. Champions League là giải đấu trị giá hơn 2 tỷ USD, những đội như Man City đầu tư hơn 120 triệu USD (cho bộ tứ tiền đạo Aguero, Jovetic, Negredo, Dzeko) mà còn không ăn thua, Arsenal của Wenger đâu phải thần thánh mà dám hy vọng đánh bại Bayern với mũi nhọn (mà chưa thực sự “nhọn”) Sanogo!
Nói thì nói vậy, nhưng công bằng mà phán xét thì Arsenal đã có cơ hội tạo nên bất ngờ lớn trước Bayern. Đó là khi Oezil đứng trước chấm phạt đền, hoặc là những cơ hội khá rõ rệt đến từ sức ép lớn và lối chơi tấn công hợp lý, hiệu quả mà Arsenal tra tấn Bayern vào đầu trận. Chỉ tiếc, Cazorla, Sanogo, Oezil đã “miss” thay vì “make”.
Hãy khoan chĩa mũi dùi vào Arsenal, nhưng Bayern cũng đã bỏ lỡ cơ hội khi David Alaba sút hỏng phạt đền. Đúng, nhưng khác biệt rõ rệt là đẳng cấp, lực lượng Bayern hơn hẳn Arsenal, nên khi mất một cơ hội vẫn còn những cơ hội khác, khi phạm sai lầm vẫn có thể sửa chữa sai lầm. Đáng tiếc cho Arsenal và đáng giận Wenger vì đã không mua thêm tiền đạo dù đã có 2 cơ hội (đợt chuyển nhượng mùa Hè 2013 và tháng 1/2014).
Theo Bongdaplus.vn