Thứ Bảy, 28/12/2024 Mới nhất
Zalo

Ai mới thực sự là người phát minh ra pressing - "bóng đá tổng lực"? (Kỳ 1)

Thứ Tư 13/04/2016 14:12(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Ngày nay, thuật ngữ "pressing" đã quá phổ biến trong bóng đá. Nhưng ít ai biết pressing bắt nguồn từ đâu và phát triển như thế nào? Hãy quay lại thời gian cách đây 80 năm để tìm hiểu về sự ra đời và phát triển pressing.

Không bắt nguồn từ bóng đá
Năm 1934, Thomas Patrick Goman - một nhà báo sau đó chuyển sang làm huấn luyện viên khúc côn cầu trên băng đã nảy ra một ý tưởng táo bạo. Giống như việc Newton bị quả táo rơi trúng đầu rồi phát minh ra định luật vạn vật hấp dẫn, Goman tập trung suy nghĩ về những vấn đề trong hockey rồi đột nhiên nảy ra ý tưởng: Tại sao mọi người lại co cụm về phần sân của mình khi không có bóng? Điều gì sẽ xảy ra nếu làm điều ngược lại?
Goman đã tự hỏi mình trong hàng tháng trời. Ông dần nhận ra rằng việc co về phần sân nhà để phòng ngự là rất bị động. Thay vào đó, tại sao những cầu thủ không lập tức áp sát để cướp bóng lại từ đối thủ. Nếu làm như vậy, ý đồ tấn công của đối phương sẽ bị bẻ gãy ngay tức khắc. Nhưng Goman gãi đầu ngẫm nghĩ thêm. Sẽ ra sao nếu không cướp lại được bóng từ phía đối phương? Sẽ ra sao nếu điều đó làm hàng phòng ngự mỏng đi? Nếu đối phương nhờ đó dễ dàng ghi bàn hơn thì thế nào? Ôi, điều đó chẳng khác gì tự sát.
Ai moi thuc su la nguoi phat minh ra pressing - bong da tong luc (Ky 1) hinh anh
Goman (trái) có thể coi là người khai sáng ra nền tảng lý thuyết cho pressing

Trước đó, chẳng ai nghĩ đến điều này cả. Xu hướng tự nhiên của mọi đội bóng là lùi về sân nhà phòng thủ, chẳng ai nghĩ lao lên theo kiểu "cảm tử" như thế. Trên thực tế, Goman và các học trò cũng phải trả giá không ít vì ý tưởng liều lĩnh này. Trên sân tập, Goman luôn nhận được những lời phàn nàn từ các cầu thủ khi họ dường như "rã cả người" khi bị yêu cầu liên tục di chuyển để áp sát đối phương lúc không có bóng. Các tiền đạo quăng cho Goman ánh mắt hình viên đạn vì ông bắt họ chạy theo cầu thủ phòng ngự đối phương.
"Thật điên rồ làm sao. Tiền đạo mà lại đi kèm hậu vệ" - không ít lần Goman bị học trò than vãn trong giờ tập. Thời ấy, người ta nghĩ những cầu thủ khéo léo và nhanh nhẹn không thể làm hậu vệ, họ chỉ cần ghi điểm cho đội nhà là đủ. Nhưng đỉnh điểm là việc uy tín của Goman giảm xuống cực thấp khi đội khúc côn cầu của ông thua liền bốn hay năm trận gì đó. 
"Chúng tôi khiến đối thủ của mình quay mòng mòng rồi gục ngã" - Goman hớn hở khoe về chiến thuật mới trong một cuộc phỏng vấn ba ngày sau khi đội Blackhawks Chicago của ông vô địch giải khúc côn cầu quốc gia. Sau quãng thời gian khó khăn, chiến thuật đi trước thời đại của Goman đã thành công mỹ mãn. Khi đối phương có bóng, Goman yêu cầu một cầu thủ áp sát gây áp lực còn một cầu thủ khác tìm cách chặn đường chuyền. 
Chiến thuật của Goman trở nên nổi tiếng và ông đặt tên cho nó là "forechecking".
Chẳng ai tin "forechecking"
Mặc dù thành công trong khúc côn cầu nhưng ở thời điểm đó, chẳng ai nghĩ đưa chiến thuật này vào bóng đá. Đại đa số những chuyên gia nhận định việc đưa "forechecking" vào bóng đá là suy nghĩ của những kẻ quái đản. Nguyên nhân? Họ nêu ra bằng chứng rất cụ thể rằng số cầu thủ trong sân bóng đá nhiều gấp đôi so với khúc côn cầu, chiều dài sân bóng đá dài gấp đôi và rộng gấp ba. Các cầu thủ bóng đá cũng có nhiều lựa chọn hơn khi bị áp sát. Họ có thể chuyền bổng qua đầu đối phương, điều mà các cầu thủ khúc côn cầu trên băng không thể làm được.
Điều khác biệt quan trọng nữa là vấn đề thể lực của các cầu thủ. Goman có thể thay cầu thủ ra sân để họ nghỉ ngơi vài phút. Nhưng trong bóng đá, các chiến lược gia chẳng bao giờ có đặc quyền này.
Ai moi thuc su la nguoi phat minh ra pressing - bong da tong luc (ky 1) hinh anh
Lối chơi pressing được trình làng bởi đội tuyển Hà Lan năm 1974

Mặc dù Goman cũng rất mong chiến thuật của mình được trình diễn trên sân cỏ, thế nhưng ông chẳng bao giờ được chứng kiến điều đó. Goman ra đi vào năm 1961 và phải đến World Cup 1974, đội tuyển Hà Lan do chiến lược gia huyền thoại Rinus Michel đã đưa "forechecking" vào bóng đá. Tại World Cup năm đó, người ta kinh ngạc khi thấy Hà Lan dưới thời Michel không bao giờ cho đối thủ có thời gian nghỉ ngơi. Họ gây sức ép ngay trên phần sân nhà đối phương.
Đó là thứ "bóng đá tổng lực" mà người ta vẫn nhắc đến sau này. Nhưng ít người biết thứ bóng đá tổng lực ấy có lịch sử bắt nguồn từ chiến thuật trong khúc côn cầu trên băng. Vài năm sau kỳ World Cup tại Tây Đức, HLV Michel viết trong cuối hồi ký của mình về thứ bóng đá "thần kỳ" mà ông đã xây dựng cho đội tuyển Hà Lan: "Tôi chẳng muốn mọi người gọi nó là bóng đá tổng lực, bởi đó không phải cái tên mà tôi mong muốn khi xây dựng chiến thuật. Tôi muốn mọi người gọi nó là pressing-football (thứ bóng đá gây sức ép lên đối thủ - PV). Đó là những gì tôi muốn tạo ra tại Ajax và đội tuyển Hà Lan trong năm 1974. Đó là chiến thuật mà cả 10 cầu thủ trên sân đều phải sẵn sàng lao lên khi họ không có bóng. Chúng tôi luôn tiến về phía trước để tạo sức ép lên đối phương".
Thuật ngữ "pressing" ra đời từ đó. Ký giả David Winner, một trong những người có ảnh hưởng rất lớn tại Hà Lan thời điểm đó gọi đây là chiến thuật "cuộc săn đóng và phòng ngự nửa sân". Đó là sự mô tả xác đáng cho những gì Hà Lan của Michel thể hiện. "Cuộc săn" ư? Hai đến ba cầu thủ Hà Lan tiến về phía cầu thủ cầm bóng của đối phương. Một người gây sức ép trực tiếp, một người kèm cầu thủ gần nhất với người cầm bóng của đối phương, người còn lại tìm cách cắt bóng. Đây cũng là chiến thuật những bầy dã thú hay sử dụng khi đi săn bằng cách dồn con mồi tới chỗ kiệt sức. 
Còn thế nào là "phòng ngự nửa sân"? Các cầu thủ Hà Lan thường dâng lên rất cao thậm chí gần như cả đội tràn sang phần sân đối phương. Họ sẽ làm hẹp không gian triển khai bóng của đối thủ, cũng như khiến các cầu thủ tấn công của đối phương buộc phải lùi về nếu không muốn rơi vào thế việt vị.
Đa phần ý kiến đều đồng tình rằng "pressing" không phải là chiến thuật mà Michel phát minh ra, ông chỉ là người kế thừa rồi hoàn thiện nó mà thôi. Hơn nữa, điều kiện giúp Michel thành công nhờ sở hữu những cầu thủ xuất sắc có những sở trường phù hợp với tư duy chiến thuật của ông. Đặc biệt là ngôi sao Johan Neeskens, một cầu thủ luôn thi đấu với tinh thần máu lửa và rất chịu khó di chuyển.
"Để trận đấu diễn ra đúng với dự kiến ban đầu, bạn cần phải có ít nhất ba đến bốn cầu thủ ở đẳng cấp cao nhất thế giới. Nếu không đủ điều kiện, đó sẽ làm thảm họa nếu áp dụng pressing" - HLV Michel cũng thừa nhận trong hồi ký của mình.
(Còn nữa)
Như Đạt (Nguồn FourFourTwo)
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X