Ba thất bại thảm hại trước AC Milan và Real Madrid chỉ trong vòng 11 ngày đã làm nhiều người nghĩ rằng ngày tàn của Barca vĩ đại đã đến, và sự ra đi của Pep Guardiola hè năm ngoái cũng là dấu hiệu đầu tiên cho “sự kết thúc của kỉ nguyên chiến thắng”. Nhưng hôm thứ ba vừa qua, Barca đã đáp lại tất cả những lời chỉ trích bằng cách tuyệt vời nhất có thể - nhấn chìm AC Milan và hiên ngang tiến vào vòng tứ kết Champions League. Vậy Barca đã đạt được chiến thắng đó như thế nào? Góc nhìn dưới đây của bình luận viên Phil McNulty (BBC) sẽ lý giải phần nào.
Thay đổi chiến thuật
Trước hết, phải nhắc đến sự thay đổi chiến thuật khôn khéo của Barca. Thay vì đội hình 4-3-3 thường thấy, với Lionel Messi đá như một tiền đạo trung tâm ảo, đội chủ sân Nou Camp chơi với đội hình 3-4-3, hàng phòng ngự chỉ gồm Javier Mascherano, Gerard Pique và Jordi Alba. Tuyến giữa tổ chức theo mô hình kim cương, với Busquets đá tiền vệ phòng ngự, Andres Iniesta và Xavi ở vị trí kiến thiết, Messi chơi tự do cao nhất hàng tiền vệ.
Barca đã khiến Milan bất ngờ khi đẩy Alves lên cao.
Cuối cùng là bộ ba ở hàng công : David Villa đá trung phong, Dani Alves và Pedro là 2 tiền đạo cánh. Điểm thay đổi cốt yếu so với đội hình thường thấy của Barca là vai trò tiền đạo trung tâm của Villa. Thường thì lão tướng 32 tuổi đá tiền đạo cánh trái trong sơ đồ 4-3-3. Sự thay đổi này khiến các trung vệ Milan luôn bận rộn theo sát Villa hơn là tập trung kèm chặt Messi. Mặt khác, tiền đạo người Argentina chơi ở tuyến giữa giúp Barca có thêm một tiền vệ, tạo lợi thế về số lượng so với ba tiền vệ phòng ngự Massimo Ambrosini, Mathieu Flamini và Riccardo Montolivo của AC Milan Điều gì đến cũng phải đến. Thi đấu với một tiền đạo và bốn tiền vệ trung tâm, Milan tuy cố gắng giành ưu thế ở khu vực giữa sân nhưng lại để lộ nhiều khoảng trống, đặc biệt là cánh phải.
Quay lại với lối đá pressing
Yếu tố quan trọng tiếp theo trong màn trình diễn của Barca là chiến thuật pressing toàn sân. Với chiến thuật này, cả đội bóng dồn ép đối phương phải lui về phần sân nhà, hạn chế khoảng trống để đối phương có thể phối hợp triển khai bóng lên. Đây chính là nhân tố trung tâm trong lối chơi của Barca những năm trở lại đây. Nhưng vài tuần nay, lối chơi mang tính chuẩn mực này đã bị phai nhạt. Nhiều người nhận ra rằng Barca đang đá pressing một cách hờ hững. Khi đối phương tận dụng những khoảng thời gian kiểm soát bóng quý giá thì Barca lại không tỏ ra quyết liệt giành lại bóng ngay lập tức.
Tuy nhiên trận đấu hôm thứ ba vừa qua, ngay sau tiếng còi khai cuộc, Barca rõ ràng đã tìm lại khát khao đá pressing của mình. Milan hoàn toàn bị đẩy sâu về phần sân nhà, chơi bóng dưới áp lực đè nặng trên vai. Kết quả là đôi bóng này không thể giành được quyền kiểm soát bóng tại những khu vực nguy hiểm. Thực tế, hai trong bốn bàn thắng của Barca (bàn thứ hai và ba) bắt nguồn từ việc đoạt được bóng từ chính chân của các cầu thủ Milan
Chuyền ngắn ở tốc độ cao
Yếu tố thành công cuối cùng của Barca nằm trong chính kĩ năng kiểm soát bóng của họ. Lối chơi chuyền ngắn nổi tiếng ‘tiki-taka” chỉ thực sự hiệu quả khi được thực hiện ở tốc độ cao, tạo nên khoảng trống giữa các hậu vệ đối phương. Những đường chuyền một chạm diễn ra vô cùng mau lẹ, khiến các hậu vệ bỏ vị trí để theo bóng. Những tuần trước, Barca đá tiki taka ở tốc độ rất chậm, các mũi nhọn tấn công thi đấu hời hợt. Điều này khiến cầu thủ phòng ngự đối phương duy trì được đội hình và không để lộ khoảng trống dành cho tiền đạo của Barca có cơ hội ghi bàn
Nhưng khi mà lối chơi được tổ chức bởi tiền vệ kiến thiết xuất chúng Xavi, trận đấu hôm thứ ba vừa qua cho thấy tiki taka thực sự đã quay trở lại. Bàn thắng mở tỉ số là ví dụ điển hình: Busquets chuyền bóng cho Messi, Messi chuyển sang cho Xavi, Xavi nhả bóng lại cho Messi, tất cả điều là những đường chuyền một chạm. Cả hàng phòng ngự Milan như bị kéo theo lối chơi của Barca, hậu vệ rời vị trí và khoảng trống đã lộ ra, dù rất bé những cũng đủ để M10 tung cú sút thành bàn Có thể tóm lại, màn trình diễn của Barca đã thành công nhờ 3 yếu tố : thay đổi đội hình để xâm nhập vào vòng cấm, chuyền ngắn tốc độ cao để tạo cơ hội ghi bàn, và đá pressing cần mẫn để không cho Milan cầm bóng
Lionel Messi
Tất nhiên không thể phủ nhận nhân tố mang tính cá nhân là cầu thủ hay nhất thế giới. Bàn thắng đầu tiên của M10 đã tạo nguồn cảm hứng cho cả trận đấu, đơn giản vì quá ngoạn mục. Đan bóng ở tốc độ cao với Busquets và Xavi, có khoảng trống và tung cú sút. Liệu có bao nhiều cầu thủ trên thế giới này có thể dứt điểm ở tình huống đó ? Nếu có thì gần như cũng sẽ đưa bóng ra ngoài. Nhưng với Messi, anh tung ra một cú sút có cả uy lực và sự chuẩn xác, ở tư thế không hề có đà, trong khoảng thời gian và cả không gian vô cùng hạn chế.
Messi rất xuất sắc, nhưng trận đấu không phải là show diễn của riêng anh. Những trận đấu gần đây cho thấy Messi cũng không thể cứu nổi Barca khi những cầu thủ còn lại trình diễn kém cỏi. Chiến thuật của Barca có thể xoay quanh Messi, tạo điều kiện để tiền đạo ngôi sao này tỏa sáng ở mỗi trận đấu, những nó cũng cần 10 cầu thủ kia thực hiện tốt vai trò của mình. Nếu như tất cả họ làm được điều đó, thì có một điều chắc chắn : chúng ta không thể gạch tên Barca khỏi danh sách ứng cử viên vô địch một lần nữa.
(Theo Vnexpress)