Thứ Năm, 14/11/2024 Mới nhất
Zalo

Wayne Rooney và bài học quý báu từ Bobby Moore

Thứ Năm 11/09/2014 16:46(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
 Để thấy thoải mái hơn trong vai trò thủ quân đội tuyển Anh, Wayne Rooney nên đọc lại hồi ký của Bobby Moore.

1. Cả Rooney lẫn Moore, đội trưởng của đội bóng vô địch năm 1966, đều không thể tự nhận họ là cầu thủ vĩ đại nhất của bóng đá Anh. Vinh dự đó chắc chắn thuộc về Sir Bobby Charlton, đồng đội của Moore và là nguồn cảm hứng đưa Tam sư tới chức VĐTG 48 năm trước. Charlton cũng là nhà vô địch Anh và C1 với Manchester United. Kỷ lục ghi bàn của ông cho ĐTQG đang bị Rooney đe dọa, nhưng vị thế của ông thì chắc chắn là Rooney chưa thể mơ tới.

Trong hồi ký “Bobby Moore – The Man in Full” do Matt Dickinson chấp bút, nhiều sự thật động trời được tiết lộ về cựu đội trưởng tuyển Anh. Ông là một cầu thủ uống rượu như “hũ chìm” và rất nhiều cuộc vui của Moore kết thúc với việc bạn bè ông phải gọi cho số khẩn cấp của sở cứu hỏa.

rooney
 

Nhưng cũng phải thấy rằng ở thời của Moore, đời sống cầu thủ dễ dãi, và dễ dàng. Khi đó, chưa có cả một ngành công nghiệp soi mói và phán xét trên báo chí, internet, mạng xã hội… như bây giờ. Khi đó, một sai lầm cá nhân không bị quy kết vội vàng là hành động làm cả một dân tộc thất vọng và một trận đấu tệ hại không phải là sự phản bội lại lòng tin của người hâm mộ hay coi thường nghề nghiệp của mình.

2. Trong cuốn tự truyện, chúng ta sẽ được nghe Moore kể rằng ông lớn lên trong một gia đình nề nếp ra sao, khi mà mẹ ông, bà Doss, giặt và là cả miếng lót giầy cho con trai. Bobby lớn lên trong sự khuôn phép và nhanh chóng trở thành gương mặt tiêu biểu của bóng đá London, với một bí mật lớn: Chứng ung thư tinh hoàn ở tuổi 23, khiến sau này sức khỏe của ông rất kém.

Nhưng chính sự ngăn nắp thái quá khi còn trẻ đã khiến sau này cuộc đời ông đầy những biến cố bất trắc: Chứng nghiện rượu, cơ sở kinh doanh của ông bị hỏa hoạn, con trai ông, Dean Moore, cũng nghiện rượu, và cuối cùng chính Bobby qua đời vì bệnh tật ở tuổi 51.

Nhưng trong câu chuyện đó, nổi bật lên vẫn là những năng lực bóng đá mà hệ thống bóng đá Anh hiện giờ không còn sản sinh ra được nữa. Thời của Moore, bóng đá Anh là sự sáng tạo và hiệu quả, đủ sức cạnh tranh với những đối thủ giỏi nhất.

Từ sau những năm tháng của Moore và Charlton, người Anh không còn có thể tự hào như thế nữa. Moore chính là biểu tượng của thế hệ đó: Ông sẽ bước ra sân song song với Franz Beckenbauer và Pele, sẽ tranh bóng với họ trên sân, và  cho thấy mình không hề kém cạnh. Rược chè và những chuyện ngớ ngẩn bên ngoài sân bóng không thể hạ thấp điều đó.

3. Thế hệ của Moore, các cầu thủ cũng không phải bận tâm nhiều về những rao giảng đạo đức, rất nhiều khi chỉ là đạo đức giả. Thế hệ của Rooney, tất nhiên, hoàn toàn khác. Anh thuộc về một thời đại điện tử, internet và tiền bạc, khi thông tin tràn ngập và những đồng bảng sẽ lấn át tất cả, và sẽ định đoạt ai đúng, ai sai.

Sau này, Rooney có lẽ cũng sẽ có một cuốn tự truyện của anh, nhưng nó khó mà có được sự thành thật và hấp dẫn như Moore. Như thế, chiếc băng đội trưởng tuyển Anh, mà tiền đạo đang khoác áo Man United đã đeo ở trận gặp Thụy Sĩ tại Basel, không còn là của riêng anh.

Rooney là một triệu phú, và đằng sau chiếc băng thủ quân của anh là cả một mạng lưới những mối quan hệ phức tạp: Các nhà tài trợ, FA, hội CĐV, các diễn đàn và trang mạng xã hội về bóng đá, thậm chí rồi mới tới ĐT Anh. Moore, trong khi đó, chỉ phải chịu trách nhiệm về chính ông và về các đồng đội trên sân bóng.

Không có sự khác biệt nào sâu sắc hơn thế.

Theo Thể Thao
 Văn Hoá

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X