- Vì sao luôn là Mario? Cuộc đời và sự nghiệp là một chuỗi mâu thuẫn (phần 2)
- Vì sao luôn là Balotelli? Những góc khuất của một "dị nhân" bóng đá
Rất có thể, những suy nghĩ không mấy tích cực ấy của Balotelli xuất phát từ lý do kinh tế xã hội. Khi anh bắt đầu chơi bóng đá chuyên nghiệp tại Ý, đất nước bị ảnh hưởng lớn bởi cuộc khủng hoảng trong nhóm Euro Zone, nhu cầu lao động giá rẻ đang trở nên mạnh mẽ để có thể khôi phục lại nền kinh tế già cỗi. Điều này khiến cho Ý trở thành một nam châm thu hút dân lao động nhập cư.
Trong bức ảnh thời học trò, Balotelli là người da màu duy nhất của tập thể lớp. Trải nghiệm này lặp lại khi anh được triệu tập vào đội U21 Ý năm 2008. Sự xuất hiện của anh đã thể hiện sự chuyển mình của xã hội Ý bấy giờ. Mảnh đất hình chiếc ủng ngày càng trở nên đa dạng chủng tộc hơn. Sự thay đổi ở Ý nhanh hơn ở bất kỳ quốc gia châu Âu nào khác. Năm 1990, khi Balotelli ra đời, chỉ 1 trên 100 cư dân tại Ý là người nước ngoài. Ngày nay, tỉ lệ này là 1 trên 12. Rất nhiều trong số những người nhập cư là dân da màu, phần lớn chỉ làm những công việc hạ đẳng. Nhưng vẫn có những người da màu trung lưu, họ xuất hiện ngày càng nhiều, sinh ra và lớn lên tại Ý, đôi khi còn được gọi là “Thế hệ Balotelli”. Chính Mario, người Ý da màu nổi bật nhất, đã trở thành một biểu tượng cho sự chuyển hóa này.
Các sân vận động khắp châu Âu đã cung cấp một góc nhìn về sự thay đổi nhân khẩu học ngay trên mặt cỏ xanh. Thế nhưng những hành vi phân biệt chủng tộc vẫn diễn ra thường xuyên. Bộ mặt bóng đá Anh đang ngày càng xấu đi vì những sự cố này. Đội trưởng của Chelsea – John Terry đã bị treo giò 4 trận vì những lời lẽ thiếu kiểm soát. Sự kiện này cũng thổi bùng lên những cuộc tranh luận làm thế nào để xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc trên sân cỏ. Thực ra, tại các quốc gia khác, những tranh cãi vẫn chưa có lời giải đáp thấu đáo. Bóng đá Ý hay Tây Ban Nha vẫn tồn tại những bộ phận – dù không nhiều – các cổ động viên thường xuyên lăng mạ các cầu thủ da màu. Ngày 16 tháng 10 vừa qua, những tiếng giả khỉ hú lại xuất hiện trên khán đài ủng hộ U21 Serbia trong trận gặp U21 Anh. Sự căng thẳng đã đưa cuộc so tài tới kết cục là hai bên lao vào đòi ăn thua đủ với nhau.
Trong mắt Balotelli, sự đa dạng chủng tộc ở thành Manchester thật hợp với anh. “Ở Anh,” Mario nói, “mọi người đều bình đẳng”. Nhận thức này không xuất phát từ những bằng chứng thực tế. Nếu cần một thử nghiệm về bất bình đẳng xã hội, anh chỉ cần đi dạo một vòng. Những hướng dẫn cho các tân binh của Man City của bộ phận chăm sóc cầu thủ thường khuyên các ngôi sao tìm nhà ở những khu sang trọng nhất, hào nhoáng nhất, giàu có nhất ở Cheshire, một hạt tại phía tây Manchester. Rìa Alderley “rất phong cách và quí phái, vượt qua giới hạn ngắn ngủi của sự nổi tiếng” là một câu trong hướng dẫn này. Nó quên rằng, đó không phải là những vùng đất của những kẻ bị bóc lột.
Một phần không nhỏ từ nguồn tài chính Trung Đông cho City đang được sử dụng để trang hoàng khu vực lân cận sân vận động. Những cổ động viên từng tự hào về phong cách “thanh liêm” của CLB trước kia sẽ phải thất vọng. Họ gọi những người hâm mộ M.U mà không sống ở Manchester là những kẻ “hâm mộ danh hiệu”. Lòng trung thành màu xanh của họ đã được thử thách bằng rất nhiều năm không một chiếc cúp. Ed Owen, CEO của tổ chức từ thiện y tế Cystic Fibrosis Trust, một cổ động viên của City từ tấm bé, nói về chức vô địch của “The Citizens”: “Tôi không nghĩ rằng sẽ có một ngày lại được thấy đội bóng vô địch, cho tới hết mùa giải năm ngoái”, ông nói. “Cảm giác tồi tệ nhất có lẽ là vào năm 1998, trong một buổi tối thứ ba lạnh lẽo, khi xem City đối đầu với Wycombe Wanderers ở giải hạng Ba, xem City thua 0-1, khiến họ rơi xuống vị trí thứ 10 trên bảng xếp hạng”.
Một ngày mưa thu, dưới những tảng mây trôi hờ hững, khi mặt trời lẩn trốn dưới chiều tà, sân tập của City cũng hết sức ảm đạm. Bỗng, chiếc siêu xe Bentley Continental GT trắng của Balotelli tỏa sáng, lăn bánh qua hàng dài những chiếc bút chực chờ chữ ký. Đó là một trong những hình ảnh đánh dấu sự chuyển mình của CLB dưới triều đại kim tiền Sheik Mansour.
Balotelli đỗ giữa những siêu xe khác của các đồng đội, hướng về phòng thay đồ và chuẩn bị cho buổi tập sáng. Anh khoác lên mình bộ quần áo tập vàng kim lóng lánh, khuyên tai kim cương, nhưng không phải chiếc cardigan lông thú trắng với một hình đầu lâu như hình ảnh trên những tờ bảo lá cải. Anh đi ngang qua quầy lễ tân, nơi dựng chiếc bảng “Chào mừng du khách Abu Dhabi” – thứ dễ làm cho người ta nhầm lẫn khi lần đầu đến với khu tổ hợp. Hợp đồng tài trợ 10 năm trị giá 643 triệu USD với tập đoàn hàng không Etihad Airways – thuộc sở hữu của Hoàng gia Abu Dhabi – đã đưa biểu tượng của nhà tài trợ lên ngực áo và sân vận động của City. Màn trình diễn ngày càng đẳng cấp của các cầu thủ cũng đưa tên CLB lên cúp FA, chiếc cúp đấu quan trọng nhất của Anh, vào năm 2011, rồi sau đó là Premier League, năm 2012. Sau ba tháng đầu tiên của mùa giải mới, City đang xếp sau Chelsea và United trên bảng xếp hạng. Không ai có thể khẳng định rằng họ sẽ không thể trở thành một nỗi ám ảnh của CLB hàng xóm trong cuộc đua tới ngôi vương. “Người ta cứ nói ‘danh hiệu đó không xứng đáng, Mansour bỏ tiền mua chức vô địch nên giá trị của nó đã bị giảm sút’, còn tôi thì chưa bao giờ cảm thấy xấu hổ vì chiếc cúp cả”, Ed Owen nói.
Sheik đã thổi bùng lên ngọn lửa của các Mancunian từ khi ông mua lại Man Xanh hồi năm 2008 với giá 241 triệu USD trong một vụ bán tháo của ông chủ người Thái Lan – cựu Thủ Tướng Thaksin Shinawatra. Những sự đầu tư của Mansour đã đưa đến các ngôi sao từ nhiều chân trời mới: Yaya Toure của Bờ Biển Ngà, Pablo Zabaleta của Argentina, David Silva từ Tây Ban Nha. Năm 2009, tiền đạo người Argentina Carlos Tevez chuyển từ United sang City – một hành trình ngắn ngủi về mặt địa lý. Sau này, anh chỉ trích... thời tiết xấu như một cách bào chữa hành vi bỏ về quê không xin phép. Khi trở về nơi chôn rau cắt rốn, anh xuất hiện trong một chương trình truyền hình, nói: “Thời tiết, và tất cả mọi thứ. Ở đó chẳng có gì cả”.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)