Thứ Bảy, 28/12/2024 Mới nhất
Zalo

Vấn đề của Chelsea: Có tiền nhưng nào đâu biết tiêu!

Thứ Năm 25/01/2018 17:23(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Không ngừng tị nạnh với những đối thủ thành Manchester, không ngừng than vãn về chính sách chuyển nhượng của ban lãnh đạo, vấn đề là Antonio Conte cũng phải nhìn lại chính bản thân mình về cách tiêu pha thiếu khôn ngoan.

Thiệt thòi tương đối của Antonio Conte là những nỗi niềm của ông thường xuyên bị bỏ ngoài tai, đặc biệt xoay quanh công tác chuyển nhượng thiếu hiệu quả của Chelsea. Thoạt nghe cũng phải thôi khi trên cương vị HLV dẫn dắt một trong những CLB giàu có và lớn mạnh nhất thế giới, gần như cả nước Anh sẽ chỉ cười vào mặt ông với những kêu ca, phàn nàn về tình hình tài chính nơi mình làm việc.

Thực tế, Conte cũng đúng trên khía cạnh nhất định, cụ thể khi so sánh tương quan với những CLB giàu có và lớn mạnh khác. Chelsea không thể làm nên một thương vụ Neymar, Mbappe, Coutinho hay Pogba, cũng như cạnh tranh với Man Utd trong chuyện đãi ngộ lương bổng cho Alexis Sanchez.

Xấp xỉ 250 triệu bảng lợi nhuận của The Blues chẳng là gì so với gần 700 triệu bảng doanh thu cao nhất thế giới của Quỷ Đỏ. Chưa kể, ngài chủ tịch Roman Abramovich những năm qua đã có ý thức tiết kiệm, chi tiêu dè dặt hơn so với cái sự bạt mạng trong thời kỳ đầu dựng xây và phát triển đế chế ở Stamford Bridge.

Chelsea dung truoc kha nang trang tay o mua giai nay
Chelsea sa sút trầm trọng trong năm 2018 này

Khác biệt ở đây càng khiến Conte lo ngại thành Manchester thực sự trở thành thủ đô bóng đá Anh, trong bối cảnh của một mùa giải có sự phân cấp rõ rệt hơn bao giờ hết trong nội bộ nhóm Big Six, hay Big Two + 4. Nỗi sợ đó của HLV người Ý được kiểm nghiệm và củng cố ngay trận derby London mới nhất khuôn khổ bán kết lượt về League Cup.

Arsenal nhạt nhòa trong hiệp một nhưng ít ra cũng xốc lại được tinh thần và bản lĩnh để thẳng tiến đến trận chung kết ở Wembley. Chelsea ấn tượng nổi trội hơn trong 30 phút đầu tiên, trước khi dần chìm nghỉm bởi sự cạn kiệt trong ý tưởng và sinh khí – thứ tự kịch bản rất đỗi quen thuộc trong mùa giải này. Kẻ thắng người thua phân minh, nhưng cả hai cùng chung mối âu lo về chất lượng hạn chế của mình.

Nhà ĐKVĐ Premier League rõ ràng đang thụt lùi, không chỉ bởi các đối thủ của họ đang tiến lên. Không thể bàn cãi về nền tảng tài chính vững mạnh của bộ đôi Manchester, nhưng họ cũng sở hữu sức mạnh tiền bạc cho riêng mình, cứ trông vào dàn sao lấp lánh đắt giá trong đội hình là đủ hiểu. Vấn đề của Chelsea không phải họ không tiền tiêu hay không muốn tiêu tiền, vấn đề là họ không biết tiêu tiền.

Alvaro Morata
Tân binh kỷ lục Alvaro Morata ngày càng gây thất vọng

Hai mùa giải tiếp quản ghế nóng Stamford Bridge, ngoại trừ những bản hợp đồng thành công như N’Golo Kante và Marcos Alonso hay “phải có nhưng không cần” như Willy Caballero, Conte đã chiêu mộ tám tân binh Michy Batshuayi, David Luiz, Antonio Rudiger, Tiemoue Bakayoko, Alvaro Morata, Davide Zappacosta, Danny Drinkwater và Ross Barkley với tổng giá trị xấp xỉ 290 triệu bảng.

Trong số tám cầu thủ này, vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà chỉ hai được trao cơ hội đá chính trong một trận đấu quan trọng như derby London khuôn khổ bán kết, trong khi cũng vỏn vẹn ba có tên trong danh sách dự bị và hai trong số đó được sử dụng sau khi Arsenal vươn lên dẫn trước.

Barkley gần như mất hút nhưng có thể được thông cảm, bởi đây không chỉ là trận đấu đầu tiên cho đội bóng mới mà còn là trận đấu đầu tiên của tiền vệ người Anh sau gần nửa năm ngồi ngoài sân cỏ vì chấn thương. Trong khi đó, Zappacosta khó có thể coi là một phiên bản nâng cấp cho Victor Moses, nếu không muốn nói là một bước lùi. Cuối cùng là Batshuayi thì khỏi còn gì để nói, với cảnh thất sủng và chỉ biết đếm ngược ngày rời Stamford Bridge.

Van de cua Chelsea Co tien nhung nao dau biet tieu! hinh anh 3
Bakayoko là bản hợp đồng tiêu biểu cho công tác chuyển nhượng thất bại của Chelsea

Và rồi những câu chuyện thiểu não tương tự, tiêu biểu bản hợp đồng kỷ lục Alvaro Morata chỉ ngày càng khiến người ta thất vọng não nề, đến nỗi Conte phải nhìn ra ngoài lựa những món hàng hạng trung tầm thường như Andy Carroll hay thậm chí lão tướng Peter Crouch hòng cứu vãn tình hình trầm trọng nơi hàng công.

Bên cạnh đây là Luiz, ngôi sao Brazil mà Conte rước về dường như chỉ để có người gây thù chuốc oán và giờ cũng chuẩn bị theo chân Batshuayi ra đi tới nơi. Trong khi đó, Rudiger công bằng mà nói đã có những màn trình diễn tương đối ổn, không đến nỗi nào, nhưng rồi những lần bị sao quả tạ chiếu như pha phản lưới ở Emirates cũng không phải hiếm, khiến trung vệ người Đức vẫn phải chấp nhận phận dự bị cho đàn em mới nổi Andreas Christensen.

Dẫu thế, không khu vực nào chứng kiến sự phí phạm 75 triệu bảng của Chelsea hơn hàng tiền vệ trung tâm. 35 triệu bảng cho Drinkwater, người có lẽ chẳng kiếm nổi suất tham dự World Cup 2018 hè này cùng tuyển Anh và đóng góp đáng nhớ nhất tới giờ cho đội bóng mới có chăng là phát biểu tự tin về cơ hội vô địch vẫn còn nguyên, thời điểm đã bị Man City bỏ xa 16 điểm khi mùa giải đã trôi qua được một nửa. Và rồi 40 triệu bảng cho Bakayoko, với “kỹ nghệ” trông tỏ ra bận rộn mà thực chất chẳng làm được cái gì, có chăng chỉ khiến CĐV The Blues thêm phần giận dữ và nhớ nhung Matic.

HLV Conte
Bản thân Conte cũng cần phải nhìn nhận lại chính mình và học cách tiêu tiền

Thất bại của Chelsea nói chung và của Conte nói riêng. HLV người Ý có quyền đúng đắn đối đầu ban lãnh đạo Chelsea vì bất đồng trong chính sách và công tác chuyển nhượng, nhưng cũng không phải Abramovich đã nhắn tin đuổi cổ Diego Costa ra khỏi Stamford Bridge năm ngoái, kéo theo cái lý của ngài chủ tịch người Nga nếu ông đi tìm HLV thứ 11 trong vòng 15 năm cho Chelsea ở mùa hè này.

Nếu điều đó trở thành sự thật mà đương thời vốn đã khấp khởi nguy cơ, thế là lại một guồng quay mới tái khởi động ở Stamford Bridge: HLV mới, triết lý mới, chiến thuật mới, phong cách mới, mục tiêu chuyển nhượng mới, những cuộc tranh cãi không hồi kết mới… Không hiểu tầm nhìn dài hạn của Chelsea như thế nào và đến đâu, nhưng họ đang cực kỳ chật vật với những mục tiêu ngắn hạn của mình.

Ngưng than vãn, Conte à! Ai cũng hiểu chuyện Chelsea của ông không thể cạnh tranh sức mạnh tài chính với bộ đôi đại gia thành Manchester, nhưng sẽ chẳng ai có thể thông cảm cách chi tiêu những đồng bạc “ít ỏi” mà thiếu khôn ngoan như vậy. Đâu rồi “cái khó ló cái khôn” như mùa giải ra mắt thành công năm ngoái ở Stamford Bridge?

Gia Khoa – Bóng đá 24h
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X