Lịch sử sẽ ghi nhận trận đấu với tỉ số điên rồ 5-4 này, nhưng không phải theo một cách tiêu cực. Một trận đấu mà cả Chelsea và Manchester United đã chơi thật ngây thơ và mắc quá nhiều sai lầm, nhưng phải chăng đôi khi chúng ta cần những trận đấu như thế để nhớ lại rằng bóng đá nguyên bản là như thế nào?
1. Đó là màn trình diễn hiếm thấy trong lịch sử. Đây mới là lần thứ hai trong các trận đấu ở Cúp Liên đoàn trong lịch sử, M.U để thủng lưới 5 bàn trong một trận (trước đó là thất bại 1-5 trước Blackpool vào năm 1967). Xét tổng thể, với 37 bàn thắng các đội tham dự đã ghi, vòng 4 Cúp Liên đoàn mùa này trở thành vòng đấu nhiều bàn thắng thứ hai trong lịch sử giải đấu, chỉ thua vòng đấu diễn ra vào năm 1964 (41 bàn thắng).
M.U và Chelsea đang sở hữu những hàng thủ quá tồi
Đó cũng là một chiến thắng phi thường, cùng với cuộc lội ngược dòng kỳ vĩ của Arsenal trước Reading. Pháo thủ đã bị dẫn đến 4 bàn trắng mà vẫn lật ngược được thế cờ, còn Chelsea đã 3 lần bị rơi vào thế phải bám đuổi, nhưng họ đã đưa trận đấu đến hiệp phụ và cuối cùng vượt qua M.U.
Sau trận cầu điên rồ của Arsenal và Reading, với quá nửa số bàn thắng đến từ những sai lầm sơ đẳng, chúng ta lại được chứng kiến một cơn mưa rào nữa tại Stamford Bridge, mà 2/3 số lần lưới rung cũng đến sau những sai sót. Sơ đồ chiến thuật trong những trận đấu như thế này đã trở thành điều xa xỉ, và các cầu thủ buông lỏng kỷ luật chưa từng thấy. Chúng ta đã thấy HLV Alex Ferguson giận dữ với Nani như thế nào, khi anh này “múa may” quá nhiều và không tuân thủ ý đồ “câu giờ” ở cột cờ góc vào cuối trận.
2. Khung thành hai đội như mở toang ra. Cự ly đội hình mở rộng, để cả Chelsea và M.U biến thành hai tay đấm lao vào nhau và không cần giữ miếng. Họ chỉ ra đòn, liên tục, không ngừng nghỉ. Thống kê cho thấy Chelsea đã sút đến 34 quả, và M.U dứt điểm 16 lần. Ở trận gặp Reading, Arsenal cũng đã tung ra đến… 40 pha dứt điểm (con số này của Reading là 28).
Các thủ môn và những nhà chiến thuật của châu Âu đã trải qua một ngày đau khổ, nhưng các khán giả muốn xem một trận đấu giàu cảm xúc và sẵn sàng bỏ qua những yếu tố lý tính cũng sẽ “bao dung” với những lỗi lầm ở trận đấu này. Vì xét trên phương diện cảm xúc, nhưng gì đã diễn ra thực sự đem đến cho chúng ta một bữa tiệc, và xét cho cùng, thì bàn thắng luôn là nét đẹp đáng tôn vinh nhất của bóng đá, dẫu nó có thể đến theo những cách ngờ nghệch. Trong một ngày mà những người chuyên nghiệp bỗng đá như đi trên mây và có thể thất vọng với chính bản thân họ, thì bóng đá lại được phép nhoẻn một nụ cười.
3. Những gì M.U đã thể hiện ở trận đấu này cũng làm chúng ta nhớ đến chính họ cách đây 13 năm, khi đội bóng áo đỏ chinh phục người xem bằng một lối chơi ngây thơ, nhưng quả cảm và trở thành một biểu tượng toàn cầu nhờ phong cách ấy. Năm 1999, báo chí thế giới bình luận rằng các đội bóng từ Italia và Đức có thể “dạy” M.U rất nhiều về chiến thuật, nhưng rốt cục thì đội bóng thơ ngây ấy lại đi đến đỉnh vinh quang tại Champions League nhờ chính tính cách “hiệp sĩ” ấy. Bây giờ, khi họ biến thành một cỗ máy kiếm tiền và chơi thực dụng để duy trì thành công đã xây dựng trong quá khứ, những khoảnh khắc như thế này là rất hiếm hoi.
HLV Jose Mourinho trong thời kỳ dẫn dắt Chelsea cũng đã bình luận rằng những chiến thắng 4-3 hay 5-4 không phải là bóng đá, nhưng đội Chelsea mà chắc chắn trong con mắt ông vừa chơi một trận không phải là bóng đá ấy đang đứng đầu Premier League và đã đi tiếp ở Cúp Liên đoàn một cách oanh liệt. Đáng nói hơn, HLV Roberto Di Matteo đã nhào nặn thành công một đội bóng vừa chơi đẹp, vừa có thể chiến thắng. Một đội bóng với tinh thần Mourinho sẽ không bao giờ làm được điều ấy.
Và một trận đấu như thế này đôi khi cũng nhắc nhở rằng bóng đá nguyên bản là như thế nào. Bỏ qua những khoản tiền lương và chuyển nhượng kỷ lục, bỏ qua những toan tính, bóng đá đã có một ngày xả hơi đích thực của nó, vì xét cho cùng, thể thao đích thực là nhắm đến niềm vui. Những phút ngây thơ hiếm hoi của bóng đá trong thời đại thực dụng này, vì thế đôi khi, đáng trân trọng, hơn là phán xét, tranh cãi, phỉ báng và hạ thấp nhau vì nó.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)