Một thời, họ “được” xem là trụ cột không thể thay thế ở CLB cũng như ĐTQG, đơn giản vì không có ai hơn họ về tài năng. Bây giờ, họ “bị” xem là không thể thay thế, theo nghĩa tiêu cực: ít ai dám động đến họ. Chúng ta đang nói về những Lampard, Ashley Cole, Terry, Gerrard, Ferdinand, tức các thành viên của “thế hệ vàng” làng bóng Anh.
Hồi Chelsea vô địch Premier League lần đầu tiên (mùa 2004/05), họ chỉ thủng lưới 15 bàn trong suốt mùa giải (trung bình 0,4 bàn/trận). Còn khi Man City lần đầu lên ngôi vô địch trong mùa vừa qua, họ chỉ thủng lưới 29 bàn trong 38 trận (0,76 bàn/trận). Bây giờ, M.U dẫn đầu Premier League với 16 bàn thua sau 11 vòng đấu (1,45 bàn/trận).
Không có HLV nào lão luyện hơn Alex Ferguson, nên chắc chắn ông phải thấy rõ đấy không thể là tỷ lệ thủng lưới thích hợp với một nhà vô địch (cứ đà này, M.U sẽ thủng lưới hơn 55 bàn khi Premier League kết thúc - một đội như thế sẽ có cơ may vô địch?).
Những lão tướng như Ferdinand (áo đỏ) đang làm Premier League trở nên chậm chạp
Vấn đề là ngay cả “Máy sấy tóc”, người từng thẳng tay trừng trị David Beckham, cũng không dám đả động đến trụ cột Rio Ferdinand trong hàng phòng ngự M.U. Ferguson cố gắng chọn một lối chơi thiên hẳn về công, cố gắng quảng cáo cho triết lý “tấn công là cách phòng thủ hay nhất”, để che đi điểm yếu nơi hàng phòng ngự, do Ferdinand cầm trịch. M.U đang thành công với chiến lược này, nhưng cũng khó nói là sự thành công sẽ được duy trì cho đến lúc nào. Hạt đậu nhỏ Chicharito làm sao có thể che chở cho cây đại thụ Rio Ferdinand!
M.U có Ferdinand “bất khả xâm phạm” thì Liverpool cũng có Steven Gerrard ở hàng tiền vệ - một “đại ca” chắc chắn không ai dám động đến. Chelsea có đến 3 tên tuổi lớn thuộc “thế hệ vàng”, tức lứa cầu thủ xuất sắc mà bóng đá Anh giới thiệu, từng vươn đến đỉnh cao phong độ trong khoảng giữa thập kỷ trước: hậu vệ cánh Ashley Cole, trung vệ John Terry và tiền vệ Frank Lampard. Điểm chung: tất cả đều đã qua khỏi thời kỳ đỉnh cao phong độ.
Cùng lứa với họ trong đoàn quân tham dự World Cup 2006 là Michael Owen, giờ đã thật sự hết thời, trôi dạt về đội bóng nhỏ Stoke City nhưng cũng chỉ để ngồi ghế dự bị. Joe Cole không được ai nhắc đến nữa, còn Owen Hargreaves hiện đang thất nghiệp. Đỉnh cao phong độ của Owen (dựa vào thành tích đoạt Quả bóng vàng châu Âu) cách đây đã 11 năm. Nhắc lại như thế để thấy rõ ràng: làm sao Lampard hoặc Ferdinand có thể trụ mãi trong thứ bóng đá khốc liệt ở Premiership hoặc Champions League.
Đối với các ngôi sao đang còn sung sức như Chicharito của M.U hoặc Oscar của Chelsea, hễ HLV không dùng thì người ta bảo đấy là vấn đề “xoay tua” hoặc là lựa chọn chiến thuật cho phù hợp với đặc điểm đối phương. Họ luôn sẵn sàng ngồi ngoài. Còn với Lampard hoặc Terry thì chẳng hề có khái niệm “xoay tua” hay lựa chọn gì. Họ mà không có mặt trong đội hình, người ta sẽ lạnh lùng bảo họ bị “gạt bỏ”. Ở Chelsea, Liverpool, M.U, “gạt bỏ” có lẽ là đề tài tối kỵ, phạm húy đối với những “cây đa cây đề” trong mùa bóng này.
Đỉnh cao phong độ thì đã trôi qua, nhưng các thành viên của “thế hệ vàng” lại đang cố gắng bám víu vinh quang trong các đội bóng lớn ở Premiership. Đấy thật sự là một sức ì đang thách thức các nhà cầm quân ở M.U, Liverpool và Chelsea. Họ phải làm gì đối với các cựu binh này? Không nói cũng thấy: nhiệm vụ của HLV Di Matteo tại Chelsea là khó khăn hơn cả.
Steven Gerrard “cày” nhiều nhất
Tiền vệ Gerrard (32 tuổi) vẫn đang xuất hiện đều đặn trong đội hình Liverpool. Anh đã chơi đủ 11 trận ở Premiership mùa này, tất cả đều là đá chính. Sau Gerrard, cầu thủ thi đấu nhiều nhất trong “thế hệ vàng” của bóng đá Anh là hậu vệ cánh Ashley Cole của Chelsea (32 tuổi): xuất hiện 10 lần, cũng đều là đá chính, trong 11 vòng đấu vừa qua. Rio Ferdinand (34 tuổi) thi đấu 9/11 trận ở M.U. Vì án treo giò, thủ quân John Terry của Chelsea (32 tuổi) mới xuất hiện 7 lần (1 trận ra sân từ ghế dự bị) trong 11 vòng. Lampard (34 tuổi), cũng của Chelsea, được sử dụng ít nhất: ra sân 7 lần nhưng chỉ có 4 lần đá chính.
Tự truyện của họ nói lên điều gì?
Có một thông lệ rất rõ ràng: các cầu thủ thành công ở Premiership đều ra tự truyện. Đấy không phải là chuyện “khoe mẽ”, mà là vấn đề kinh doanh thật sự, với lợi nhuận hàng triệu bảng thông qua các hợp đồng xuất bản. Giá trị hợp đồng và uy tín của nhà xuất bản nói lên đẳng cấp ngôi sao. Mặt khác, để khai thác tốt lợi nhuận, các nhà xuất bản phải luôn tính toán thật kỹ thời điểm phát hành tự truyện, sao cho trùng với thời điểm mà ngôi sao “của họ” đang thật sự đình đám.
Nhà xuất bản John Blake phát hành tự truyện của John Terry, Harper Sport phát hành tự truyện của Frank Lampard, và Bantam Press phát hành tự truyện của Steven Gerrard, với sự trùng hợp đáng ngạc nhiên: tất cả đều ra sách trong năm 2006. Đây là chi tiết quan trọng cho thấy: đã 6 năm trôi qua kể từ khi các ngôi sao này vươn đến đỉnh cao phong độ?
Kinh Thi - Bongdaplus.vn