Chelsea, Man City, M.U đã bước vào mùa giải 2013/14 với tư cách 3 ứng cử viên hàng đầu cho ngai vàng Premier League, nhưng nếu xét về khả năng đàm phán thì họ còn kém xa những Liverpool hay Tottenham. Ngoài ra, danh tiếng “CLB làm kinh tế số 1 giải Ngoại hạng” của Arsenal đúng là không phải tự nhiên mà có.
Manchester United vẫn là thương hiệu bóng đá hàng đầu thế giới
Nghệ thuật đàm phán
Từ khoảng 20-30 năm trở lại đây, khi công nghệ số bùng nổ và cho phép các trận đấu được truyền hình trực tiếp đến hàng trăm quốc gia, thì hoạt động tài trợ trong bóng đá đã có sự tăng trưởng hết sức mạnh mẽ bởi các doanh nghiệp đương nhiên không muốn bỏ qua cơ hội giới thiệu thương hiệu của mình đến với hàng trăm triệu khán giả hâm mộ bóng đá 1-2 lần mỗi tuần. Theo chiều ngược lại, rõ ràng các đội bóng (kể cả Barcelona lừng lẫy, vốn tự hào là không cho phép đăng quảng cáo trên áo đấu) cũng khó có thể nói “không” trước những lời đề nghị tài trợ hấp dẫn và bây giờ thì tỷ trọng nguồn thu từ thương mại (quảng cáo, tài trợ....) thậm chí đã chiếm đa số trong thu nhập của nhiều CLB.
Tất nhiên, nguyên lý là như vậy còn giá trị cụ thể của từng bản hợp đồng là bao nhiêu thì còn phụ thuộc vào khả năng đàm phán của mỗi CLB. Họ có trong tay một “món hàng” là hình ảnh và tầm ảnh hưởng của đội bóng, và phải cố gắng bán nó cho giới doanh nghiệp. Cái giá thu được càng cao thì CLB đó bán hàng càng thành công và ngược lại, nhưng cũng cần làm rõ rằng khái niệm “cao” này chỉ mang tính tương đối. Ví dụ, M.U đoạt được nhiều danh hiệu hơn, nổi tiếng hơn và có nhiều người hâm mộ hơn Stoke City thì đương nhiên giá trị quảng cáo của họ cũng phải cao hơn. Đối với Stoke, một hợp đồng tài trợ áo đấu trị giá 5 triệu bảng/mùa đã có thể coi là thắng lợi lớn, nhưng với M.U thì 10 triệu bảng/mùa vẫn còn là bán hớ. Nói cách khác, một chiếc xe đạp cà tàng bán được 10 triệu đồng đã là cao, nhưng một chiếc Ferrari đời mới thì rao giá 500 triệu đồng chắc chắn vẫn còn quá rẻ.
Arsenal vô đối
Để xác định trình độ bán hàng của các CLB ở Premier League, có thể so sánh thành tích của họ với nguồn thu của các bản hợp đồng tài trợ trang phục thi đấu (do đây là hạng mục được đàm phán hoàn toàn riêng rẽ, không giống như bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng được thương lượng tập trung). Vì thương hiệu phải được xây dựng dần dần qua thời gian, cần phải điểm trung bình trong 5 mùa giải gần nhất để phản ánh chính xác vị thế của một đội bóng. Và nếu theo tiêu chí này thì Arsenal đúng là... vô đối: từ năm 2009 đến nay, “Pháo thủ” chỉ giành bình quân 72 điểm/mùa, tức đứng thứ 3 ở Premier League sau M.U và Chelsea, nhưng số tiền tài trợ mà họ gặt hái được lại lên tới 30 triệu bảng/năm (từ Fly Emirates), bỏ rất xa các đội “đồng hạng 2” là M.U, Man City, Liverpool. Nên nhớ M.U (trung bình 87 điểm/mùa) cũng chỉ kiếm được 20 triệu bảng mỗi năm mà thôi.
Tính trung bình thì mỗi điểm mà Arsenal giành được ở giải Ngoại hạng có giá trị tương đương với 416.000 bảng, cao gần gấp đôi so với M.U (229.000 bảng) hay Chelsea (236.000 bảng). Diễn giải một cách hình ảnh hơn thì Arsenal có một mảnh đất nằm trong ngõ, còn M.U hay Chelsea sở hữu căn nhà mặt tiền. Tuy nhiên vì quá giỏi thương thuyết nên cuối cùng Arsenal đã bán được “mảnh đất” của mình với giá cao hơn nhiều so với hai đội bóng kia. Và thực ra M.U, Chelsea cũng không thể được xếp vào nhóm giỏi đàm phán: mỗi điểm của Liverpool hay Tottenham được họ đem đánh đổi lấy lần lượt 312.000 và 292.000 bảng.
Nguy cơ lớn cho Chelsea
Dù vậy, sẽ là không công bằng nếu vội vàng quy kết rằng M.U làm thương mại không tốt. Trong vài năm trở lại đây, đội chủ sân Old Trafford đã thiên về hướng “lấy số lượng bù chất lượng”: họ ký HĐ tài trợ với đủ mọi đối tác, từ mì gói Mamee ở Malaysia cho đến hãng viễn thông MTN ở Uganda. Vì thế, dù giá trị tài trợ áo đấu của M.U có kém Arsenal đi nữa thì tổng thu nhập từ thương mại của “Quỷ đỏ” vẫn đứng đầu Premier League, ấy là chưa kể đến việc bản HĐ tài trợ siêu khủng (45 triệu bảng/năm) của họ với Chevrolet sẽ có hiệu lực từ mùa giải 2014-15. Tuy nhiên rõ ràng Chelsea hay Man City đang chưa biết cách, hoặc là không cần biết cách (vì họ đã có những ông chủ giàu sụ) chuyển đổi tài sản vô hình (bản quyền hình ảnh) của mình thành giá trị hữu hình (tiền bạc). Trong đó, trường hợp của Man City thì còn có thể hiểu được vì dẫu sao họ cũng chỉ vừa mới nổi lên và chưa phải là một gương mặt thực sự quen thuộc ở đấu trường Champions League, nhưng nếu Chelsea tiếp tục duy trì cách làm hiện tại thì triển vọng dài hạn của The Blues sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Luật Công bằng Tài chính đã bắt đầu có hiệu lực nên họ không thể cứ mãi trông đợi vào ông chủ Roman Abramovich, và cứ nhìn cái cách Suleyman Kerimov – một tỷ phú Nga khác – rút vốn khỏi Anzhi thì hầu bao của Abramovich cũng có thể sẽ có giới hạn…
Theo Bóng Đá Toàn Cầu