Mr. Figher!
“Người đặc biệt à? Có lẽ, tôi cũng là một người đặc biệt trong mắt những người thân, gia đình, bè bạn. Nhưng với tư cách HLV thì khác. Tôi là một chiến binh!”. F.Scolari đã mở đầu buổi họp báo của mình ấn tượng chẳng kém Mourinho nhưng lại cũng rất khác. Bởi trong chính con người ông cũng đã có tố chất đặc biệt : chiến binh.
F. Scolari đã tự nhận ông thuộc “típ” HLV hiếu chiến. Ông từng dọa trọng tài, từng “động thủ” với Dragutinovic (Serbia). Nhưng những chi tiết lặt vặt đó vẫn chưa ấn tượng bằng cách ông chống lại cả Brazil, phớt lờ sự can thiệp của tổng thống, quyết loại Romario khỏi đội hình dự World Cup 2002. Scolari thành công và đó chính là thành công của một chiến binh đúng nghĩa.
Khi Scolari đến Chelsea, người ta cũng hy vọng ông sẽ truyền tính cách ấy cho các học trò. Tất nhiên, không phải là truyền cho họ cái tính “đầu gấu” trên sân cỏ. Thứ mà Scolari cần mang lại chính là khát khao chiến thắng và sự tự tin. Bởi xét toàn diện, Scolari có đầy đủ những phương thuốc để tạo “thần lực” cho Chelsea. Ông có tính cách mạnh mẽ của Mourinho và có cả chút thủ đoạn của Avram Grant.
… và những dấu hỏi (?)
Nhưng Scolari sau màn ra mắt giới truyền thông Anh cũng để lại không ít dấu hỏi. Ấn tượng? Có ấn tượng. Nhưng hồ nghi cũng chẳng ít.
Scolari tự nhận mình là một chiến binh nhưng ông phải hiểu ở Chelsea, ông chỉ là tướng trong quân, chứ vẫn phải đứng sau một người. Người ấy là Abramovich. Cái cách Scolari cười nhạt khi được hỏi ông sẽ xử sự thế nào nếu Abramovich can thiệp vào chuyên môn khiến nhiều người ái ngại. “Nên nhớ, tôi – Scolari là HLV, chứ không phải Abramovich!”. OK, ông đúng là HLV, chứ không phải người có quyền sinh quyền sát ở Chelsea. Nếu không giải quyết khéo léo vấn đề tế nhị này, nguy cơ dành cho Scolari chẳng ít.
Nhưng ngay trước mắt, Scolari đã tạo nên những nỗi lo cho chính Abramovich. Tuyên bố không đặt mục tiêu Champions League lên hàng đầu, mà sẽ bằng mọi giá lật đổ M.U tại Premiership có thể làm hài lòng CĐV Chelsea nhưng với riêng Abramovich lại là một vấn đề. Hiện nay, Abramovich chẳng thiếu gì ngoài Champions League. Scolari đã nhìn sai hướng hay ông cố nói vậy để khẳng định mình có chính kiến chứ không chỉ biết nhìn theo Abramovich?
Một vấn đề nữa cũng có thể thành trở ngại cho Scolari là khả năng giao tiếp. Chính ông thừa nhận hạn chế ngôn ngữ đang tạo sức ép lớn. Thực tế, bất hòa “vô duyên” giữa ông và Lampard cũng nẩy sinh từ khúc mắc tưởng nhỏ nhặt này.
Nó sẽ còn nghiêm trọng hơn nữa khi thời gian tới sẽ rất nhạy cảm với nội bộ Chelsea. Scolari tuyên bố ông chỉ muốn làm việc cùng tối đa 25 cầu thủ trong khi quân số hiện tại đã lên tới 32. Điều này đồng nghĩa ít nhất phải có 7 người bị “đi đầy”. Nhưng hiện tại, người ta tính rằng số học trò đã được Scolari ghi tên vào kế hoạch của ông chỉ mới dừng ở con số 14, nghĩa là 18 người còn lại đều có khả năng ra đi. Chỉ một chút thiếu khéo léo hoặc hiểu nhầm nhau, một bất đồng “vô duyên” nữa kiểu như đã xẩy ra với Lampard được lặp lại sẽ cũng là nguy cơ lớn đối với Scolari.
4 điều chưa biết về Scolari
1. Scolari là fan của Nottingham Forest.
2. Trước World Cup 2002, Scolari chê Pele là người “không biết gì về bóng đá”.
3. Sau khi bị truất quyền chỉ đạo trong một trận đấu năm 2001, Scolari đã “nhắn nhủ” trọng tài: “Tôi sẽ đợi ông ở ngoài sân đấy!”.
4. Trong một trận đấu tại vòng loại EURO 2008, Scolari đã chủ động xô sát với tuyển thủ Serbia, Ivica Dragutinovic.
(Theo Báo Bóng đá)