- Hỏng ăn vụ Fabregas, Man Utd lại được Pep tạo điều kiện để giành Schweinsteiger
- Man Utd bất ngờ được Real “bật đèn xanh” trong vụ Di Maria
- Bỏ qua Man City, "đá tảng" Mangala muốn gia nhập Man Utd
David Beckham, Paul Scholes, Ryan Giggs, Nicky Butt, Gary Neville và Phil Neville là những cái tên thuộc “Thế hệ 92” thần thánh của M.U - những người ăn tập với nhau từ tấm bé, trưởng thành từ lò đào tạo của CLB, cùng nhau giành những danh hiệu quốc nội, và khoác vai nhau trên đỉnh châu Âu vào năm 1999. Việc cho ra lò một cầu thủ tài năng đã khó, ở đây, M.U đã có hẳn một thế hệ cầu thủ, là điều dễ chừng “trăm năm có một”.
Quá khó để tìm lại một thế hệ vàng son năm 1992 của M.U |
Vào năm 2011, Sir Alex Ferguson đã từng có một nhận định làm “mát lòng mát dạ” các CĐV M.U khi đội bóng chuyển sang sân tập mới Carrington, khi ông cho rằng “Thế hệ 92” hoàn toàn có thể được “tái sinh” trong tương lai. Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng hiện tại của bóng đá thế giới nói chung, và bóng đá Anh nói riêng, người ta có quyền nghi ngờ những nhận xét có phần chủ quan của vị HLV người Scotland.
Lí do đầu tiên mang một chút màu sắc may mắn. M.U đã may mắn có được sự xuất hiện của những nhân vật xuất chúng tại cùng một khoảng thời gian. Đó là sự may mắn rất khó có thể lặp lại, như cái cách mà họ lật ngược thế cờ trong vòng 1 phút bù giờ ở trận chung kết Champions League 1998/99 với Bayern Munich. Beckham, Giggs hay Scholes là những nhân vật bóng đá kiệt xuất của Vương Quốc Anh trong vòng 25 năm qua, và họ thật tình cờ, lại nổi lên ở cùng 1 thời điểm, ở cùng 1 CLB. Điều này cũng giống cái cách đội tuyển cricket Australia luôn thắng đội tuyển cricket Anh trong những năm 90 và đầu 2000, bởi họ sở hữu một đội ngũ đơn giản là không thể ngăn cản.
Lí do thứ hai, là bởi bóng đá đã thay đổi quá nhiều, khi những ông trùm dầu mỏ Trung Đông hay Nga rót những dòng tiền không cạn của mình vào ngân sách những CLB, để rồi biến họ từ một đội bóng làng nhàng trở thành một thế lực, nhờ việc có trong đội hình những siêu sao số 1 thế giới. Chelsea, Man City, PSG là những ví dụ quá đỗi điển hình. Như một sự tất yếu, ở Stamford Bridge, Etihad hay Parc des Princes, không có chỗ cho những cầu thủ trẻ do chính họ đào tạo nên. Tại M.U, dù không bị sở hữu bởi những ông chủ dầu mỏ, thực trạng cầu thủ trẻ của họ cũng đang ở trạng thái báo động.
Paul Pogba, Ryan Tunnicliffe và Ravel Morrison là thế hệ cầu thủ trẻ gần nhất có tiềm năng và trình độ tiệm cận với “Thế hệ 92” ngày nào. Đáng tiếc, họ lại không được trọng dụng tại Old Trafford, và giờ đang phải lang bạt sang Juventus, Queen Park Rangers và Wigan Athletic. Lứa đàn anh của họ, như Darren Gibson, Jonny Evans và Tom Cleverley, dù đã được trao cơ hội, song lại không thể hiện được mình, dù họ cũng là những người có khả năng. Vấn đề ở đây là niềm tin. Gibson mau chóng bị đẩy sang Everton, còn Cleverley tuy được ở lại nhưng đang hứng chịu búa rìu dư luận vì phong độ kém cỏi.
Sức ép thành tích ở M.U cũng là một phần lí do các cầu thủ trẻ của họ bây giờ ít khi được trao cơ hội. Những kiểu “niềm tin trọn vẹn” như trường hợp của Sir Alex thời đại bây giờ gần như là không còn. Ví dụ điển hình nhất chính là trường hợp của David Moyes, người phải rời M.U sau 9 tháng dẫn dắt, vì thành tích quá nghèo nàn của CLB, dù cựu HLV của Everton cũng đã rất nỗ lực để tìm ra những cầu thủ mới, đội hình mới, chiến thuật mới cho đội nhà. Tâm lý “sợ thua” chắc chắn cũng sẽ khiến tân HLV Louis Van Gaal phải dùng những quân bài tốt nhất của mình cho các trận đấu, nếu không muốn bị đá ra đường.
Adnan Januzaj là một trường hợp hy hữu của M.U trong những năm gần đây. Trớ trêu thay, đó lại là một phát hiện của cựu HLV David Moyes. Nếu không thể hiện được mình, Januzaj rất có thể sẽ có cùng số phận với các cầu thủ trẻ khác. Sự nghiệt ngã của bóng đá hiện đại, là môi trường quá khó sống với những cầu thủ trẻ muốn đi lên theo đúng lịch trình, trừ khi anh ta có tài năng đặc biệt. Thế nên, hãy đừng hy vọng M.U sẽ có một “Thế hệ 92” khác trong tương lai gần!
Theo Bongdaplus.vn