Thứ Năm, 14/11/2024 Mới nhất
Zalo

Thế hệ yêu thích của Alex Ferguson

Thứ Năm 09/05/2013 17:41(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Giữa “những đứa trẻ của Busby” (Busby Babes) và “bầy chim non của Fergie (Fergie's Fledglings) mà một khoảng lặng trong công tác đào tạo trẻ M.U. Đó cũng là một giai đoạn suy thoái của CLB miền Bắc nước Anh với 26 năm ròng không vô địch Anh.

Alex Ferguson đến Old Trafford năm 1986 khi đội bóng đang trong tình trạng đổ nát, xếp áp chót trên bảng xếp hạng giải VĐQG và sở hữu những con sâu rượu Paul McGrath, Norman Whiteside, Bryan Robson.

Trước khi bắt tay cùng các trợ lý Brian Kidd, Eric Harrison phát triển đào tạo trẻ để cho ra đời thế hệ vàng theo mô hình của Sir Matt Busby những năm 1950, Ferguson phải tiếp quản lại “di sản” của người tiền nhiệm Ron Atkinson. Ông bắt đầu một quá trình thanh lọc lực lượng, tống khứ McGrath, Whiteside và lần lượt đưa về Steve Bruce, Viv Anderson, Brian McClair, Jim Leighton. Mark Hughes được mua lại sau 2 mùa bóng khoác áo Barca.

Sir Alex và cậu học trò cưng Steve Bruce.
Sir Alex và cậu học trò cưng Steve Bruce.

Mùa giải 1989-90, HLV người Scotland chiêu mộ thêm Neil Webb, Mike Phelan, Gary Pallister, Danny Wallace và đặc biệt là 1 triệu bảng cho Paul Ince. Tiếp đến là Les Sealey, Peter Schmeichel, Paul Parker… được mua về. Rồi sau đó là Andrei Kanchelskis, Dion Dublin, Eric Cantona… Nói tóm lại, 7 năm đầu tiên của Sir Alex ở M.U là giai đoạn lắp ráp đội hình dựa trên những ngôi sao được mua về và thành quả là chức vô địch trong mùa giải Premier League khai màn 1992-93. Khâu đào tạo trẻ chỉ thể hiện dấu ấn từ chức vô địch FA Youth Cup 1995 và sau đó là danh hiệu FA Cup 1996, tức là 10 năm sau ngày cựu thuyền trưởng Aberdeen đặt chân tới Old Trafford.

Đó không phải là thế hệ do chính bàn tay Sir Alex chăm chút gây dựng như lứa cầu thủ Butt, Beckham, Giggs, Scholes, anh em Neville… nhưng vẫn là một thế hệ mà HLV người Scotland thích nhất.

Bởi đó là tập thể của những cá tính mạnh mẽ, những người dám cả gan bật lại thầy và xung đột với nhau, không giống như những lứa cầu thủ sau này luôn phải ngoan ngoãn tuân phục trước quyền lực của thầy. Dù 27 năm qua Alex Ferguson đã trảm không ít cầu thủ ngổ ngáo như Paul Ince, Lee Sharpe, Roy Keane, Jaap Stam… nhưng họ luôn chiến đấu hết mình trước khi phải rời Old Trafford và “Quỷ đỏ” cần những con người như vậy để gây dựng lên triều đại thành công.

Ngổ ngáo bậc nhất là Schmeichel, người từng tranh cãi nảy nửa với thầy sau trận hòa Liverpool năm 1994, “Quỷ đỏ” dẫn trước 3-0 nhưng sau đó bị gỡ hòa 3-3 bởi sai lầm của Schmeichel. Mâu thuẫn nảy sinh kể từ đó, thậm chí có lần Ferguson tâm sự: “Mỗi khi có tranh cãi giữa tôi và Peter, cậu ấy đứng như một tòa tháp trước mặt tôi. Tôi nhìn lên và thầm nghĩ “nếu nó đấm thì mình chết mất”.” Schmeichel cũng từng nhiều lần xung đột với Roy Keane để tranh giành quyền thủ lĩnh.

Khi Keane nổi giận quát tháo ầm ĩ trong giờ nghỉ giữa hiệp ở trận gặp Sheffield Wednesday năm 1998, Schmeichel đã bật lại và suýt lao vào ẩu đả. Trong chuyến du đấu tới Hong Kong, bộ đôi này thậm chí đã đánh nhau ngoài hành lang khách sạn. Bất chấp điều đó, cả hai vẫn chơi tốt và trở thành những huyền thoại. Một cầu thủ tài năng nhưng ngỗ ngược khác là Paul Ince từng chĩa súng vào đầu Sir Alex để đe dọa "hoặc cho tôi đá chính, hoặc tôi bắn chết ông".

Vì sao Alex Ferguson đi đến quyết định giải nghệ (lần thứ nhất) vào năm 2001? Đó là bởi ông đã từng có cái cảm giác no đủ sau những năm tháng gặt hái vinh quang. Và hơn nữa, ông hài lòng với thế hệ cầu thủ tài năng và mạnh mẽ mà ông từng mô tả là “không hề có chuyện khóc lóc mỗi khi thua trận”, khác hẳn với những cầu thủ “mít ướt” như Cris Ronaldo sau này.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X