(Bongda24h) - Làn sóng Mỹ vượt Đại Tây Dương xâm chiếm làng bóng đá xứ sở sương mù chưa hề có dấu hiệu dừng lại. Sau Sunderland, Aston Villa, MU, Liverpool thì Arsenal nhiều khả năng sẽ là đội bóng thứ 5 của Premier League bị người Mỹ thôn tính. Tỷ phú Stan Kroenke, một cổ đông hiện hữu của đội bóng, đang chuẩn bị bỏ ra 300 triệu bảng để tăng tỷ lệ nắm giữ Arsenal lên mức 60% và sẽ chính thức nắm quyền điều hành "Pháo thủ".
Premier League là giải đấu hấp dẫn và sinh lợi bậc nhất thế giới. Ngoài ra, giữa Anh và Mỹ tồn tại mối quan hệ đồng minh tốt đẹp lâu đời nên chuyện giải Ngoại hạng trở thành mục tiêu đầu tư của những vị tỷ phú bên kia địa dương xem ra không có gì bất ngờ. Trong số những đại gia hùng mạnh nhất giải đấu (đồng nghĩa với thương hiệu nổi tiếng, được nhiều người biết đến trên phạm vi toàn cầu) thì Arsenal là đội duy nhất chưa bị "thu về một mối" và vẫn đang hoạt động với tư cách một công ty cổ phần (gồm sở hữu của nhiều cổ đông và không một ai nắm trong tay đủ lượng cổ phần chi phối). Vì thế, Arsenal được coi là một "tượng đài bất diệt" trong thời buổi bóng đá ngày càng sặc mùi tiền bạc và bị chi phối hoàn toàn bởi dự định cá nhân của những ông chủ. Đặc biệt, người hâm mộ thường không thích thú gì khi đội bóng yêu quý của họ bị thôn tính bởi họ thừa hiểu lợi ích của CLB không bao giờ được đặt lên hàng đầu.
Kroenke đang sắp giành quyền kiểm soát Arsenal
Tuy nhiên, rốt cục Arsenal sẽ khó thoát khỏi quy luật "mua - bán" tất yếu đang ngày một thịnh hành trong môn Thể thao vua. Sở giao dịch chứng khoán Anh quốc vừa mới khẳng định, tỷ phú người Mỹ, Stan Kroenke (hiện nắm 30% cổ phần) đang tiến hành những bước cuối cùng trong thoả thuận mua lại 32% cổ phần của hai cổ đông Danny Fiszman và Lady Nina Bracewell-Smith (mỗi người một nửa). Mức giá ước tính vào khoảng từ 11.500 đến 12.000 bảng/cổ phiếu và tổng số tiền mà Kroenke sẽ phải chi ra lên đến 300 triệu bảng. Hai con người "trung kiên" này (trước đó, từng không ít lần từ chối lời đề nghị của Kroenke cũng như Usmanov, cổ đông lớn thứ 2 đội bóng với 25% cổ phần) đều có lý do riêng từ bỏ tình yêu với Arsenal. Lady Nina Bracewell-Smith khá bực tực do bị đẩy khỏi ban lãnh đạo đội bóng hồi cuối năm ngoái nên muốn bán ngay số cổ phần nắm giữ cho "rảnh nợ" còn Danny Fiszman vẫn một lòng trung thành song ông đang lâm trọng bệnh mà các con của ông chẳng ai cảm thấy hứng thú chút nào với Arsenal. Vậy là, tình thế bức bách buộc Fiszman phải đau lòng chia tay đội bóng thành London.
Thực ra ban đầu, ông trùm dầu lửa đến từ Nga, Alisher Usmanov cũng rất muốn gia tăng quyền kiểm soát Arsenal nhưng khó khăn về tài chính đã khiến Usmanov phải chùn bước và Kroenke không còn đối thủ cạnh tranh. Mong muốn lớn nhất của Kroenke là thâu tóm trọn bộ Arsenal về tay mình tuy nhiên, có vẻ Usmanov chưa có ý định "tháo chạy" vào lúc này. Dẫu sao với tỷ lệ sẽ lên đến 62% thì Kroenke nghiễm nhiên ngồi lên ghế chủ tịch đội bóng và được quyết nhiều vấn đề quan trọng. Chỉ một số trường hợp nhất định, có tác động lớn đến Arsenal thì Kroenke mới phải hỏi ý kiến Usmanov và một đám cổ đông nhỏ còn lại (nắm giữ khoảng 14% cổ phần). Bên cạnh đó, chắc hẳn Kroenke vẫn sẽ tiếp tục thực hiện chiến dịch "thâu tóm Arsenal" bằng cách đàm phán với từng người đang nắm cổ phần để tiếp tục gia tăng tỷ lệ sở hữu, qua đó buộc Usmanov phải chấp nhận rời khỏi Arsenal dù không thích (khi tỷ lệ lên đến một mức nhất định, Kroenke được quyền mua lại toàn bộ số cố phẩn còn lại theo mức giá phù hợp).
Việc Kroenke kiểm soát Arsenal chưa chắc đã mở ra thời kỳ u ám như lo lắng của nhiều fan trung thành (thậm chí, họ tập hợp thành một lực lượng chống đối mang tên Arsenal Supporters’ Trust, hệt như tình hình ở MU). Bao năm qua, Arsenal đã rơi vào cảnh trắng danh hiệu và rõ ràng, đội bóng này cần một luồng gió "đổi mới" mà Kroenke có thể là người đem lại điều đó. Người đàn ông 63 tuổi này rất có kinh nghiệm và chuyên môn trong lĩnh vực kinh doanh thể thao (sở hữu một loạt CLB ở các môn như bóng đá, bóng bầu dục, bóng rổ, khúc côn cầu,...) do đó Arsenal sẽ được hoạch định một kế hoạch phát triển lâu dài nhằm lấy lại vị thế ở nước Anh. Tài sản ước tính của Kroenke rơi khoảng 2 tỷ bảng nên Wenger không lo thiếu tiền mua cầu thủ và đội bóng sẽ chẳng bị đẩy vào cảnh nợ nần chồng chất vì Kroenke có đủ lực chi trả cho thương vụ mua bán này. Không những vậy, khi lên nắm quyền, Kroenke sẽ mời lại David Dein, vị phó chủ tịch đầy tài năng, từng phải tức tưởi rời khỏi đội bóng do mâu thuẫn với những nhân vật có quyền lực cao hơn. Dein được coi là người đặt nền móng cho nhiều thành công vang dội của Arsenal trong quá khứ và đưa đội bóng lễn tầm cỡ "đại gia". Dein cũng rất thân cận và phối hợp ăn ý với HLV Arsene Wenger.
Biết đâu đấy, những tháng ngày tươi đẹp sẽ trở về nếu Arsenal chịu sự "kiểm soát" của Kroenke. Hãy hy vọng và chờ đợi nhé, những CĐV The Gunners!
Bảo Phương