Có quyền nói thì… phải nói. HLV Redknapp hô hào với các học trò: “Ai dám nói các anh không thể vô địch? Ai dám nói?”. HLV Ancelotti, dẫu đang thê thảm khi trải qua chuỗi thời gian tồi tệ nhất của Chelsea từ năm 2000, cũng tuyên bố: “Chúng tôi đủ sức vô địch”. Wenger nói, Ferguson nói, và tất nhiên là đến ngay cả Mancini của Man City cũng nói về “danh hiệu”.
Đêm nay, Tottenham và Chelsea gặp nhau, một ngày trước khi M.U bước vào cuộc đọ sức với Arsenal. Cách đây một tuần, Sir Alex Ferguson đã khẳng định rằng chính những kết quả của vòng đấu này sẽ góp phần quan trọng trong việc quyết định ai giành chức vô địch Premiership 2010/11.
Và bởi loạt đấu này là khi những giấc mơ vô địch chất chồng và đan xen nhau, sẽ thật thích hợp để bàn về cái danh từ “danh hiệu”.
2. Lúc mới ra đời, từ “title” trong tiếng Anh chỉ mang nghĩa là tiêu đề. Đến thế kỷ 14, “title” mới mang nghĩa là tên của một bài báo, vở kịch hoặc 1 cuốn sách. Và đến tận thập kỷ 80 của thế kỷ 16 nó mới mang nghĩa là “tên gọi của một thành tích” sau đó được hiểu thành “danh hiệu cao quý”. Nó cũng giống như từ “Sir” (khởi kỳ thủy chỉ mang nghĩa là Ngài sau được nâng tầm thành Đức Ông) mà HLV Ferguson đang được gắn trước tên khai sinh đối với những nhân vật được Hoàng gia Anh phong tước Hiệp sỹ.
Nghĩa là thuở ban đầu, “title” hay là “danh hiệu” chỉ đơn thuần là một chỉ định từ để người ta nhận diện thứ mà nó đại diện, chứ chưa mang nét nghĩa hào sảng mà các ông HLV đang đua nhau nhắc đến. Bây giờ thì “title” đã đồng nghĩa với chức vô địch (champion). Và bởi thế nên khi nhắc đến “title”, người ta luôn choáng ngợp, khao khát và coi đây là một mục tiêu tối thượng. Có nghĩa là, “title” đã biến từ một sản phẩm mà ai cũng có thể đặt được, tạo ra được thành một vưu vật mà chỉ thuộc về người giỏi nhất, đội bóng xuất sắc nhất mà những kẻ tầm thường chỉ có được trong mơ.
3. Nhưng trong bối cảnh của mùa giải này, muốn lấy cái “title” của Premiership, người ta phải chờ nhau ngã. Chính Harry Redknapp đã thừa nhận điều ấy. Cuộc đua vẫn sòng phẳng thôi, nhưng nó không còn là một cuộc đua mà tất cả cùng tiến tới xem ai xuất sắc nhất nữa. Bây giờ, họ cùng đi xuống và kẻ trụ lại ở vị trí cao nhất sẽ có “danh hiệu”.
Chelsea gặp Tottenham. Một bên chờ đợi “ông kẹ” trong mắt họ bao nhiêu năm qua, tiếp đà xuống dốc. Một bên chờ đợi kẻ mình đã bắt nạt hàng thập kỷ tiếp tục nhiễm “hội chứng Champions League” mà lận đận. Họ vẫn nói về “title” một cách đầy tự tin, nhưng cách vươn tới nó đã rất khác.
Nếu không có sự thay đổi thần kỳ nào sau kỳ chuyển nhượng mùa Đông thì cái “title” cuối mùa của bất kỳ ai cũng sẽ trở lại nghĩa bản thể là “cái tên”. Cái tên ấy giúp người ta nhận diện được thực chất của Premiership 2010/11. Một cái tên lạnh nhạt và vô tri.
Thật ra, trụ lại được trong thời khắc khó khăn chung thì cũng là “phẩm chất cao quý” đấy. Nhưng sự cao quý vừa phải ấy có đáng đại diện cho một giải đấu đã tự xưng “Premier” (Ngoại hạng) không?
(Theo Báo Bóng Đá)