Tại sao các cầu thủ bóng đá dễ rơi vào cảnh bần cùng?
Thứ Hai 25/09/2017 10:53(GMT+7)
Theo dõi Bongda24h trên Câu hỏi đặt ra là khi thu nhập trung bình của các cầu thủ tại Premier League tăng phi mã, tại sao có những con người sống trong cảnh bần cùng như thế?
Nhận tin phá sản từ nhà băng, một cầu thủ từng chơi cho ba trong số những câu lạc bộ hàng đầu tại Anh bật khóc nức nở. Ngài chủ tịch của một câu lạc bộ tại Premier League không nén nổi tiếng thở dài, đặt bút ký vào bản ứng lương lần cuối cùng cho chàng đội trưởng đang bần thần đứng đó, sau những giờ nướng sạch tài sản trên chiếu bạc. Trên phiên tòa, một cầu thủ khác nài nỉ vị thẩm phán giảm bớt khoản tiền trợ cấp nuôi con bởi tài sản hầu hết đã đội nón ra đi.
|
Các cầu thủ dễ rơi vào cảnh túng thiếu vì không biết quản lý tài chính. |
Đó chẳng phải kịch bản từ bộ phim "những bà vợ cầu thủ", đây là câu chuyện có thật hiếm khi được hé lộ về cuộc sống của ba cựu cầu thủ tại Anh. 40% trong số các cầu thủ ở Anh gặp vấn đề liên quan đến tài chính trong suốt sự nghiệp kéo dài đến khi giã từ sân cỏ. Câu hỏi đặt ra là khi thu nhập trung bình của các cầu thủ tại Premier League tăng phi mã, tại sao có những con người sống trong cảnh bần cùng như thế?
Những vấn đề bắt đầu từ sự kích thích não bộ ngay sau bản hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên. Một cầu thủ của Liverpool hăm hở xé nát bìa phong bì đựng lương đầu tiên được nhận, phi vội ra cửa hàng xe hơi gần sân tập Melwood đặt ngay chiếc Ranger Rover đời mới nhất, ít lâu sau mới ngớ người ra hiểu rằng bản thân không có khả năng chi trả.
Peter Fairchild - cố vấn thuế vụ tư nhân, người thường xuyên đưa ra lời khuyên cho các cầu thủ trẻ tại Anh - được liên hệ ngay sau khi Liverpool phát hiện ra sự cố. Chỉ ít giờ ngồi xuống nói chuyện với chàng cầu thủ trẻ, Fairchild giải thích bằng sự quen thuộc: "Cậu ấy nhầm lẫn giữa tổng thu nhập với khoản thực được nhận. Tôi giải thích với cậu ấy rằng khoản thu thực là tổng thu nhập đã trừ thuế và các khoản khác. Thật may, chúng tôi có mối quan hệ tốt với cửa hàng xe hơi nên họ sẵn sàng thu hồi đơn đặt xe".
Danny Cadamarteri - cựu thần đồng Everton khởi nghiệp cầu thủ từ năm 17 tuổi - từng gặp vấn đề tương tự ở Stanley Park: "Tôi thấy những cầu thủ giàu có mua những chiếc túi được thiết kế riêng cùng xe xịn, thế là nảy sinh khao khát bắt kịp họ. Thật dễ bị cuốn vào vòng xoáy đó". Giải thích của về lý do các cầu thủ dễ mất kiểm soát về tài chính ngay từ khi còn trẻ, Fairchild nhún vai: "Họ thấy một đội xế sang bóng loáng ở sân tập nên chẳng còn muốn lái một chiếc Fiat Punto nữa".
Dễ bị lợi dụng
Khoác áo cho một trong những câu lạc bộ tại thành London, một cầu thủ giấu tên 24 tuổi nằm trong nhóm có tên tuổi tại Premier League nhận được khoảng 35.000 bảng mỗi tuần sau thuế. Cứ đến cuối tháng, anh ta lên cơn đau đầu, hết sức bối rối trong việc chi trả cho bạn bè, gia đình khoản lương vì những công việc khác nhau trong đội ngũ của mình.
|
Các cầu thủ dễ bị lợi dụng vào những khoản đầu tư bất khả thi. |
Đằng sau vẻ hào nhoáng của các cầu thủ hàng đầu là sự nghiệt ngã, thật khó để tìm ra một người bạn thực sự. Người đại diện, cố vấn tài chính hay các doanh nhân cố lân la tạo mối quan hệ với các cầu thủ rồi buông lời hứa hẹn về những khoản đầu tư sinh lời. Louis Saha - cựu cầu thủ từng khoác áo Manchester United, Everton và Tottenham - thừa nhận rằng từng dính vào một vụ đầu tư thua lỗ chỉ vì bùi tai. Vài năm trước, Saha bị thuyết phục đầu tư vào một dự án công nghệ điều hành bởi một ngân hàng tại Anh, rốt cuộc những lời hứa hẹn về khoản thu hồi thuế không bao giờ trở thành hiện thực.
"Tôi mất khoản tiền không dưới sáu con số" - Saha khẳng định: "Sau đó tôi bắt đầu lo lắng đến chuyện tiền bạc, tự nhủ phải cẩn thận hơn. Có thời điểm, tôi nhận đến 30 lời đề nghị từ đủ các mối quan hệ khác nhau. Khi là một cầu thủ, bạn chẳng có thời gian để tự vấn bản thân và xác định ai là người đáng tin. Thật khó để nói 'Không, đừng rủ tôi đầu tư'".
Louis Saha chẳng phải trường hợp cá biệt. Một cầu thủ khác ở Premier League suýt chi 100.000 bảng để đầu tư bất động sản ở Ma-rốc theo lời đề nghị của đồng đội. Thật may là anh ta kịp nghe lời tư vấn của Fairchild: "Tôi bảo hắn hãy nhìn địa điểm đó trên Google Earth, hắn thậm chí còn chẳng biết nó ở đâu. Để tới đó cần bay tới Marrakesh, rồi di chuyển thêm một chặng bay nội bộ, mất thêm ba giờ lái xe nữa. Tôi bảo 'Làm thế nào ông vận chuyển người lao động cùng vật liệu đến đó để xây dựng hả?' Hắn không đầu tư nữa nhưng một đống người khác đã mất tiền".
"Thật may mắn khi tôi trải qua giáo dục tại Thụy Sĩ. Tôi nói được 5 thứ tiếng nên đàm phán với các đại lý bất động sản tại Anh cho một số đồng đội nước ngoài. Các câu lạc bộ cần cung cấp cho cầu thủ khóa học về tài chính". Đó là lời khuyên chân tình từ Ramon Vega, cựu cầu thủ của Tottenham từng nhận chứng chỉ về tài chính và ngân hàng trong quãng thời gian thi đấu tại Thụy Sĩ. Kể từ khi giải nghệ vào năm 2004, Vega kiếm được hơn 15 triệu bảng nhờ quỹ đầu tư đặt tại London mang tên "Vega Swiss Asset Management" (Tạm dịch: Quản lý tài sản Vega Thụy Sĩ).
Từng cố vấn cho hơn 35 đội bóng ở Anh, Fairchild đưa ra lời khuyên thực cho những cầu thủ trẻ mới bước chân vào bóng đá chuyên nghiệp để đặt nền móng tài chính vững chắc cho tương lai: "Tôi nói rằng con số họ thấy trong hợp đồng và trong tài khoản ngân hàng chẳng liên quan gì đến nhau. Do sống trong cái tháp hồng ở học viên nên nhiều chàng trai bị sốc khi biết rằng một nửa lương của họ bị khấu trừ cho thuế và bảo hiểm xã hội. Tôi khuyên họ chia tiền thành ba phần. Phần thứ nhất để chi trả nhu cầu sống cơ bản, bao gồm nhà và xe. Phần thứ hai để tiết kiệm với một cố vấn tài chính đáng tin, nếu đặt 1.000 bảng vào ngân hàng thì sau 18 tháng, họ sẽ có thêm phần lãi suất. Thứ ba là để ăn chơi tận hưởng cuộc sống, họ còn trẻ mà".
(Còn nữa)
* Lược dịch từ FourFourTwo.
Như Đạt (TTVN)