Tại sao các cầu thủ bóng đá dễ rơi vào cảnh bần cùng? (Phần cuối)
Thứ Ba 26/09/2017 10:35(GMT+7)
Theo dõi Bongda24h trên Kể cả có chuyên gia tư vấn tài chính tốt để tránh được cạm bẫy đầu tư, các cầu thủ vẫn có thể rơi vào cảnh khốn cùng vì nướng tiền trên chiếu bạc hoặc rơi vào cạm bẫy hôn nhân.
Kể cả có chuyên gia tư vấn tài chính tốt để tránh được cạm bẫy đầu tư, các cầu thủ vẫn có thể rơi vào cảnh khốn cùng vì nướng tiền trên chiếu bạc. Bác sĩ chuyên ngành tâm lý về những chứng nghiện, Henrietta Bowden-Jones cho biết rất nhiều trong số những người đến bệnh viện Nightingale là chủ nhà băng và vận động viên thể thao. Bà tin rằng sự cạnh tranh trong phòng thay đồ, đặc điểm nhân cách hoặc sự di truyền về mặt xã hội học là những nguyên nhân khiến các cầu thủ dễ đâm đầu vào sới bạc.
|
Các cầu thủ giàu có thường xuyên tìm đến sới bạc để giải khuây. |
Cạm bẫy từ sự cô đơn Một nguyên nhân lớn khác được chỉ ra đến từ sự cô đơn. Những ánh đèn sáng lóa cùng bầu không khí náo nhiệt tại các sới bạc mang lại sự thoải mái tức thời cho các cầu thủ, những người chỉ có một mình trong cảnh xa gia đình, bạn bè đến hàng trăm dặm khi chuyển đến câu lạc bộ mới. Một cựu cầu thủ Premier League xin được giấu tên nhớ lại thời gian thu mình tại sòng bài để quên đi sự cô đơn: "Tôi đến Queen Park Rangers theo dạng cho mượn. Đó là lần đầu tiên tôi sống xa gia đình, chẳng quen ai ở London nên bắt đầu sa đà vào bài bạc để giết thời gian sau những buổi tập".
Năm 2014, Hiệp hội Cầu thủ Chuyên nghiệp Anh phát hiện ra sự thật đáng ngại: Các cầu thủ bóng đá có khả năng dính vào cờ bạc cao gấp ba lần người bình thường. Trong cuốn sách "Làm sao không trở thành triệu phú bóng đá", Keith Gillespie - cựu cầu thủ Man Utd - tiết lộ rằng ông mất khoảng 7.2 triệu bảng vì cờ bạc trước khi tuyên bố phá sản vào năm 2010. John Hartson, Michael Chopra hay Matthew Etherington cũng thừa nhận việc tài khoản ngân hàng hụt đi những khoản lớn vì cờ bạc.
Trong luận án Tiến sĩ thực hiện tại trường Đại học Chester, Graeme Law nghe 34 cầu thủ hoặc cựu cầu thủ thi đấu tại Premier League cũng như các giải đấu thấp hơn lặp đi lặp lại từ buồn chán khi nói về nguyên nhân sa đà vào cờ bạc: "Các cầu thủ chọn đánh bạc như một cách để quên đi sự nhàm chán trong những lần di chuyển đến sân khách hoặc sau các buổi tập chuẩn bị cho mùa giải mới".
Có cầu thủ nói rằng anh ta thấy việc đánh bạc trên internet còn thích thú hơn là ra sân đá bóng. Một số khác giải trí bằng việc đấu nhau thông qua trò chơi điện tử FIFA với những khoản tiền cược đôi khi lớn hơn hơn cả việc chi trả cho niềm vui trong cuộc sống thực. Một số khác thừa nhận phong độ của họ sa sút sau khi để thua hàng nghìn bảng vì đánh cược với đồng đội khi di chuyển trên xe buýt tới sân khách,...
Cạm bẫy hôn nhân
"Anh và xứ Wales có nền văn hóa sinh lời lớn nhất thế giới mà thiếu đi một cơ chế bảo vệ chống lại việc này" - Sam Hall, người sáng lập ra công ty luật gia đình Hall và Brown chia sẻ sau khi giải quyết vụ ly hôn của Brendan Rodgers, HLV của Celtic. Rất nhiều cầu thủ tìm đến Hall để tìm cách bảo vệ tài sản trước những người phụ nữ vừa kết hôn, vừa nhìn chằm chằm vào túi tiền của họ. Tỉ lệ chia tài sản trong những vụ ly hôn là 50-50, chưa kể đến việc phải trả thêm phí bảo trợ để nuôi dưỡng con chung khiến các cầu thủ thi đấu tại Anh "tái mặt" khi nghĩ đến chuyện kết hôn. Đó là lý do văn phòng của Hall chưa bao giờ vắng khách.
|
Việc Ray Parlour tốn khoản tiền lớn sau khi ly hôn cô vợ Karen từng gây chấn động giới cầu thủ. |
Một thống kê giật mình về "công nghiệp ly hôn" ở Anh cho thấy khoảng 33% số cầu thủ dính vào các vụ ly dị trong vòng 12 tháng kể từ ngày giã từ sân cỏ. Trong năm 2004, tòa án yêu cầu Ray Palour trả cho vợ cũ - Karen - khoản tiền 440.000 bảng mỗi năm, bằng một phần ba mức lương 1.2 triệu bảng mỗi năm nhận được từ Arsenal. Đó là chưa kể hai ngôi nhà không dính đến thế chấp trị giá 1 triệu bảng cùng khoản tiền 250.000 bảng trả ngay sau phiên tòa.
Khi ly hôn, tòa án thường phán quyết để các cầu thủ chuyển giao một loạt tài sản cho người vợ, bao gồm tài sản cả trong nước lẫn ngoại quốc, tiền tiết kiệm, thậm chí yêu cầu bán cả doanh nghiệp để chia tài sản hoặc toàn bộ lợi nhuận phải dành cho vợ.... Việc tòa án tại Anh luôn nghiêng về việc bảo vệ quyền lợi cho các bà vợ khiến những cầu thủ nước ngoài đến Anh hoang mang. Họ thường tìm đến những nhà tư vấn cho hệ thống bảo vệ tài sản trước khi bắt đầu nghĩ đến việc ra sân cho câu lạc bộ mới. Tháng Một là thời gian bận rộn bậc nhất của Hall khi liên tục tiếp điện thoại từ đại diện cầu thủ đến từ mọi nơi trên thế giới, mong muốn chung là soạn thảo các hợp đồng trước hôn nhân để bảo vệ tài sản riêng trước khi ký hợp đồng với đội bóng.
"Các thẩm phán thấy cầu thủ kiếm được khoảng 100.000 bảng mỗi tuần, họ mặc định cho rằng anh ta sẽ tiếp tục kiếm được nhiều tiền trong quãng thời gian còn lại của sự nghiệp. Nhưng thực tế là các cầu thủ kiếm tiền đỉnh cao nhất trong khoảng 8 năm, họ có thể mất tất cả chỉ vì một cú vào bóng ác ý. Người bình thường lao động khoảng khoảng 40-45 năm và có cơ hội khép lại tất cả sau khi ly hôn. Còn các cầu thủ sẽ không được nhận lương sau khi giải nghệ và thường chẳng hưởng mức lương cao sau tuổi 30".
Năm 2014, Louis Saha ra mắt mạng xã hội mang tên "Axis Stars" nhằm kết nối các cầu thủ thảo luận về cách sống, bảo hiểm, tài chính, tài trợ và những vấn đề khác trong sự nghiệp với các chuyên gia, đồng thời có thể liên hệ với những chuyên gia đáng tin cậy trong từng lĩnh vực. Cựu cầu thủ người Pháp muốn tạo ra sự bảo vệ với các đồng nghiệp: "Tôi muốn đảm bảo rằng các cầu thủ không bị tổn thương và mất tiền".
Tuy nhiên, nỗ lực nhỏ bé của Saha không thể đảm bảo sự an toàn về tài chính cho các cầu thủ khi chính sách cũng dần có sự thay đổi. Trước năm 2010, một loạt cầu thủ thu lợi từ "Quỹ bảo trợ nhân viên". Các câu lạc bộ trả những khoản tiền lớn thông qua quỹ này để chuyển tới các cầu thủ như một khoản vay không hoàn trả để tránh thuế. Nhưng sự thay đổi về luật pháp khiến những người từng hưởng lợi từ chính sách cũ chưa hoàn trả các khoản vay phải nộp khoản thuế tương ứng thu nhập cá nhân trước tháng 4/2019.
Điều luật mới này sẽ tác động đến các cầu thủ hưởng lợi từ các khoản vay từ năm 1999, nhóm các cầu thủ đã giải nghệ có thể phải chịu các hóa đơn thuế khổng lồ dẫn đến phá sản tràn lan. Chuyên gia thuế Andy Dodd cho biết: "Nếu họ nhận 2 triệu bảng, họ sẽ phải trả 40-45 phần trăm tiền thuế, chỉ chấp nhận tiền mặt".
* Lược dịch từ FourFourTwo.
Tại sao các cầu thủ bóng đá dễ rơi vào cảnh bần cùng? Câu hỏi đặt ra là khi thu nhập trung bình của các cầu thủ tại Premier League tăng phi mã, tại sao có những con người sống trong cảnh bần cùng như thế?
Như Đạt (TTVN)