Nhưng trong khi kế hoạch của West Ham là cải tạo sân trung tâm, giữ nguyên đường chạy điền kinh, thì Tottenham muốn đập bỏ hoàn toàn sân cũ (thật ra là rất mới) và xây lên một sân bóng đá chuyên dụng, không có đường chạy điền kinh.
Huyền thoại nhảy sào Sergey Bubka, PCT Liên đoàn điền kinh thế giới, chỉ trích nặng lời: “Khi họ nhận đăng cai Thế vận hội, chúng tôi đã bắt tay và thỏa thuận là đường chạy sẽ được giữ lại. Đây là vấn đề của lòng tự trọng”. Hạ Nghị sỹ David Lammy của London dùng từ “phản bội” để miêu tả lá đơn của Spurs. Ông chủ David Sullivan của West Ham thì dự đoán sẽ có những cuộc biểu tình trên phố.
Tottenham không phải không có cửa thắng. Họ ăn đứt West Ham về khả năng tài chính. Và như thế, rất nhiều người đang lo ngại rằng giới điền kinh Anh sẽ “bơ vơ” trong khi nước Anh đã xây lên cả một trường đấu hoành tráng cho họ.
2. Sau vòng bảng Champions League, Tottenham lại là đại diện sáng sủa nhất của bóng đá Anh. Sáng sủa không phải bởi họ có nhiều cơ hội đi sâu nhất, mà bởi cách họ đã chơi bóng trong suốt vòng bảng. Trong khi M.U lấy ngôi đầu bảng ở loạt đấu cuối với 1 điểm nhọc nhằn, Chelsea đã “chảy” từ loạt đấu trước, còn Arsenal phải chơi trận cầu sinh tử với Partizan, thì Spurs lại kết thúc vòng bảng một cách đầy hào sảng.
Nếu tinh thần chính yếu của thể thao là vượt qua chính mình, thì Spurs là đội thể hiện tinh thần thể thao tốt nhất. Họ đã tạo nên cú sốc trước Inter bằng ý chí của mình, họ tung ra sân đội hình mạnh nhất và chiến đấu đến phút cuối cùng trước Twente. Đó là việc chẳng ai bắt, khi Tottenham đã có vé và đấu trường Premiership đang có dấu hiệu nguy nan.
Thái độ lạ của Spurs với Champions League là một món bổ với bóng đá Anh những ngày này. Chỉ mấy tháng trước thôi, “tinh thần thi đấu” còn là nỗi nhức nhối của một nền bóng đá bị làm ê mặt trên trường quốc tế.
Lần đầu tiên kể từ khi Big Four được hình thành, bóng đá Anh nở mày nở mặt vì một nhân tố ngoài Big Four đến thế. Lần gần nhất một đội bóng ngoài tứ đại gia có vé dự Champions League là khi Everton góp mặt năm 2005, nhưng bị loại “từ vòng gửi xe”.
3. Như thế là cùng một lúc, Tottenham tôn vinh bóng đá và phản bội các giá trị khác của xã hội. Một sự vị kỷ thường thấy. Chẳng phải lần đầu tiên trong bóng đá Anh, người ta nghe thấy dư luận và cả các nhà chính trị nói về sự ích kỷ của bóng đá. Đến cả cựu thủ tướng Anh Gordon Brown cũng từng trực tiếp chỉ trích Premiership vì cách họ lạm dụng ảnh hưởng xã hội của mình.
Nhưng rồi chuyện của Tottenham, hay thành công của Premiership trong thập kỷ qua nói rằng đôi khi sự vị kỷ là cần thiết. Một đội bóng chỉ cần biết đến lợi ích của mình thôi, và khi họ biết tập trung đúng mực cho lợi ích ấy, xã hội cũng được dịp vẻ vang.
Nếu những ngôi sao như Ronaldinho hay Maradona không có sự hoang dại ngoài đời sống, thứ hay bị báo chí quy kết là “làm gương xấu cho thế hệ trẻ”, thì chẳng biết họ có được sự ngẫu hứng thần kỳ trên sân hay không. Và nếu không có thái độ “bóng đá là thứ duy nhất cần quan tâm trên cõi đời này” của Tottenham, liệu người Anh có đang phải trải qua một vòng bảng Champions League ủ ê?
Sự ích kỷ của Tottenham là tốt hay xấu chẳng ai dám nói, nhưng nó cần thiết, ít nhất là trong tình cảnh hiện nay.
(Theo Báo bóng đá)