Tuần trước, trong chuyến làm khách đến Fulham, HLV Roberto Mancini đã được hỏi về khả năng ở lại City of Manchester của chân sút Mario Balotelli, và của chính bản thân ông. Mancini từ chối bình luận về tương lai của mình, nhưng đùa cợt một chút về chân sút trẻ người Italia đã ký hợp đồng 5 năm với đội bóng của ông: “Trước khi Balotelli ra đi, anh ấy phải ra sân vài trận đã chứ”. Nên nhớ khi đó áp lực đối với Man City và Mancini là rất lớn. Họ chỉ thắng được 1 trong 6 trận trước đó, với 2 kết quả hòa tẻ nhạt và HLV của chính Fulham, Mark Hughes, đã bị Man xanh sa thải hơn một năm trước cũng chính sau những thành tích kiểu như thế.
Thật ra, Hughes chưa bao giờ có một cơ hội thực sự ở Eastlands. Không bao lâu sau khi ông nhận công việc mới thì đội bóng đổi chủ, và giống như ở bất kỳ cuộc chuyển giao nào khác, điều đầu tiên mà các ông chủ mới muốn làm là thay HLV, vì như thế nhanh chóng và đơn giản hơn nhiều so với việc mua nguyên đội bóng khác (mặc dù quả thực các tỉ phú Abu Dhabi đủ tiền để thay cả một đội bóng khác tại Eastlands). Mancini thì khác, ông đã được trao một cơ hội đích thực, kèm theo đó là thách thức không nhỏ, nhưng ít ra đến thời điểm này, Man City đang đi đúng hướng và đã bắt đầu chơi bóng như một kẻ tham vọng thực sự. Chiến thắng 4-1 trước Fulham mang về 3 điểm tưng bừng, nhưng quan trọng hơn, nó cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực.
Nên kiên nhẫn với Roberto Mancini
Đã đến lúc thôi chỉ trích Man City là một đội bóng gồm những siêu sao rời rạc không biết chơi như một tập thể. Trên thực tế nhiều cầu thủ đã gắn bó với nhau ở City of Manchester ít nhất một năm qua. Chỉ có những HLV lâu đời như ở Arsenal, Everton hay M.U mới có thể nói rằng họ là một phần tự nhiên của CLB, còn bất cứ ai, dù là Carlo Ancelotti tài năng và nhiều may mắn hay Roy Hodgson tầm thường và hay gặp vận rủi, đều cần thời gian để xây dựng, gắn bó và tạo niềm tin nơi các cầu thủ. Mancini cũng thế, chỉ khác là đội bóng của ông chưa thật sự ổn định vì nguồn ngân sách chuyển nhượng quá lớn.
Cần kiên trì với Mancini?
Khi Man City mua cầu thủ, họ mua theo kiểu bán buôn, một lần năm bảy người, đều với giá rất cao. Không ai dám chắc cách tiếp cận có phần cực đoan đó sẽ mang lại thành công hay không, nhưng ít ra Mancini đã làm tất cả những gì có thể. Sẽ là sai lầm nếu cho rằng họ cần phải học theo Chelsea. Trước hết, khi Roman Abramovich đến Stamford Bridge, Chelsea đã có sẵn một suất Champions League, đang sở hữu những cầu thủ như Frank Lampard, John Terry và Joe Cole, giúp đội đương kim vô địch Premier League có thể xây dựng trên cơ sở kế thừa, điều mà Mancini không thể hy vọng ở Eastlands. Với Jose Mourinho, Chelsea đã mua sắm rất mạnh tay, nhưng họ không thay đổi tất cả, vì không cần phải như thế. Man City thì khác.
Cho tới giờ, tất cả đã được xóa đi làm lại ở City of Manchester, và không chỉ một lần. Những tuyển thủ Anh đầy ảnh hưởng như Wayne Bridge, Adam Johnson và Shaun Wright-Phillips có thể bị bán đi bất cứ lúc nào nếu Mancini tìm thấy một ngôi sao lớn hơn. Các hợp đồng mới ký đây thôi với Emmanuel Adebayor và Roque Santa Cruz, bị coi là sai lầm, có thể được thanh lý ngay trong mùa đông tới, với những mục tiêu mới như Edin Dzeko. Tất cả những người đó, trừ Johnson, là người của Hughes. Trước đó nữa, Craig Bellamy đã sang Cardiff, Robinho sang AC Milan và Stephen Ireland được bán cho Aston Villa.
Tức là cho đến giờ, Mancini vẫn chưa hoàn thành một đội bóng theo ý muốn của ông, mà đang mày mò lắp ghép với những gì mà người tiền nhiệm để lại. Mà các di sản của Hughes, không giống như những gì Claudio Ranieri để lại cho Mourinho ở Stamford Bridge, không đủ để tạo nền tảng cho một đội bóng đủ sức chen chân vào tốp bốn. Lẽ đó, Man City sẽ cần phải kiên trì với chiến lược gia người Italia, phải cho ông thêm thời gian để hoàn tất công trình của mình.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)