Sau Liverpool, đến lượt một CLB làng nhàng ở Premiership là Blackburn được một tập đoàn nước ngoài đánh tiếng muốn mua. Có cảm giác, đây cũng là mùa thay chủ của bóng đá Anh chứ không đơn giản chỉ là mùa chuyển nhượng.
Nhộn nhịp kẻ hỏi, người chào
Blackburn là đội bóng Anh gần nhất được chủ ngoại tiếp cận. Nghe nói, “đại gia” người Ấn Độ Ahasan Ali Syed sẵn sàng đặt lên bàn đàm phán 300 triệu bảng nhằm thuyết phục chủ sở hữu hiện tại của Rovers là The Jack Walker bán lại CLB. Có cơ sở để tin Ahasan Ali Syed thực sự muốn mua Blackburn. Thông qua đội ngũ cố vấn lâu năm của chủ sân Ewood Park là Rothchilds, tập đoàn đầu tư có trụ sở ở phía Tây vùng Vịnh khẳng định ngoài chi phí mua đội bóng, họ sẽ đầu tư mạnh tay để nâng tầm Blackburn.
Blackburn được một “đại gia” Ấn Độ hỏi mua mới đây!
Cùng thời điểm đó, diễn biến quanh khả năng Liverpool đổi chủ ngày càng trở nên phức tạp khiến báo giới tốn nhiều giấy mực. Cuộc tấn công tổng lực của thương nhân Kenneth Huang người Hongkong buộc các đối tác muốn thế chân chủ Mỹ ở Anfield không thể chần chừ thêm nữa. Từ các chi nhánh tập đoàn ở Trung Đông và Canada, “đại gia” Yahya Kirdi người Syria, từng là tuyển thủ quốc gia Syria, tuyên bố ê-kíp của ông đang chiếm ưu thế trong cuộc đua giành quyền sở hữu CLB giàu truyền thống nhất nước Anh.
Vòng luẩn quẩn
Liverpool đổi chủ không làm thay đổi cán cân nội ngoại trong lòng Premiership. Nhưng nếu tập đoàn sở hữu Blackburn hiện tại bán lại đội bóng, cơ cấu quyền lực ở giải đấu bóng đá hấp dẫn nhất nước Anh sẽ khác. Cho đến thời điểm này, đang có 11 CLB Premiership bị chi phối hoàn toàn hoặc một phần bởi chủ sở hữu nước ngoài. Thêm Blackburn, con số sẽ được nâng lên thành 12, tức sẽ chiếm tới 60% quyền phán quyết sự sống còn của Premiership.
Nhìn bề ngoài, dễ thấy với sự quan tâm của các “đại gia” nước ngoài thì sức hấp dẫn của bóng đá Anh có vẻ vẫn còn rất cao. Hầu hết các ứng viên muốn mua một CLB Premiership đều cam kết sẽ đầu tư mạnh tay để nâng cấp đội bóng. Với bộ óc của những nhà kinh doanh, thật khó tin nếu giới chủ ngoại quốc bỏ tiền đầu tư mà không quan tâm đến lợi nhuận. Nhưng ngay cả những “đại gia” cỡ Chelsea hay M.U còn ngập trong nợ nần và làm ăn thất bát, chắc phải có lý do đủ thuyết phục giới đầu tư nhảy vào môi trường bóng đá Anh.
Lý do ấy là gì? Chủ yếu nhất được giới phân tích nhìn nhận vẫn là để quảng bá thương hiệu, cho cả cá nhân giới chủ lẫn tập đoàn kinh tế hậu thuẫn sau lưng họ. Sẽ không mấy ai ngoài nước Mỹ biết nhà Glazer là ai, một khi họ không sở hữu M.U. Tương tự, với Chelsea, Liverpool hay Man City… cũng vậy. Vấn đề chỉ là sau khi hình ảnh của bản thân đã được đánh bóng đến mức cần thiết, giới chủ ngoại sẽ đối xử với các đội bóng Anh ra sao thôi. Được như Chelsea bây giờ còn là may. Chứ cứ để như Liverpool thì đáng lo thật.
Danh sách chủ ngoại tại Premiership
Arsenal: Kroenke, Usmanov, Fiszman, Lady Nina Bracewell-Smith, Peter Hill-Wood, Chips Keswick
Aston Villa: Randy Lerner
Birmingham: Carson Yeung
Blackpool: Valeri Belokon (20%)
Chelsea: Roman Abramovich
Fulham: Mohamed Al-Feyed
Liverpool: Tom Hicks, George Gillett
Man City: Mansour bin Zayed Al Nahyan
Man United: Malcolm Glazer
Sunderland: Ellis Short
West Ham: Straumur-Burdaras Bank (40%), David Sullivan (chung với David Gold trong 60%)
(Theo báo Bóng Đá)