Falcao về Monaco. Neymar đã đến Barcelona. Lewandowski và Cavani được cho là đã đạt được thỏa thuận lần lượt với Bayern Munich và Real Madrid. Từ bao giờ, Premier League không còn là miền đất hứa?
Qua rồi kỷ nguyên “vàng”
Thời kỳ vàng son của Premier League là từ năm 2005-2009, khi 2 lần danh hiệu vô địch Champions League thuộc về các đội bóng Anh (Liverpool năm 2005 và M.U năm 2008), 5 mùa liên tiếp đều có một đội bóng Anh vào chung kết, và mùa nào cũng có ít nhất một đội bóng Anh lọt vào bán kết. Bóng đá Anh khi đó là thiên đường giải trí, thiên đường tiền bạc, và thống trị về mặt thành tích.
Khi ấy, Chelsea còn Mourinho; M.U còn Ronaldo; Liverpool có Benitez, trở thành một “Vua đá cúp”, và Arsenal còn thế hệ Vàng của Wenger. Sức hút từ “tứ đại gia” Premier League quá lớn, giúp họ dễ dàng hút ngôi sao giỏi. Như M.U có Tevez, có Berbatov, Nani và Anderson; Chelsea có Shevchenko (dù thất bại), có Robben; Liverpool có Torres… Vì thành tích trên sân cỏ tốt, các đội bóng Anh có đủ tiền để trang trải cho chuyển nhượng.
Nhưng kể từ khi M.U thất bại trước Barcelona trong trận chung kết Champions League mùa 2008-09, ngay trên “sân nhà” Wembley, bóng đá Anh bắt đầu mất giá. Benitez rời Liverpool, khiến “Vua đá cúp” ngày nào mất dạng. Arsenal trắng tay 8 mùa liên tiếp. Chelsea trải qua cuộc khủng hoảng thời hậu Mourinho. Còn M.U, lá cờ đầu, kinh hồn bạt vía trước tiki-taka (thua Barca ở 2 trận chung kết năm 2009 và 2011).
Premier League đang mất giá
Mục tiêu lâu năm của Chelsea, Falcao, đã đến đội bóng mới nổi Monaco. Mục tiêu lâu năm khác của Chelsea và Man City, Cavani, được cho là đã đạt được thỏa thuận đến Real Madrid. Trong khi Arsenal và M.U thất thế rõ rệt trong cuộc đua giành Lewandowski trước Real và Barca. Mới nhất, Neymar đã đến Barca, và xa hơn, Goetze đã đến Bayern.
Nguyên nhân? Không phải thiếu tiền, mà vì các đội bóng lớn ở Anh không dám chi nhiều tiền do luật công bằng tài chính sắp có hiệu lực, nên họ thất thế trong các cuộc đua giá cả. Mùa trước, Man City phải cò kè từng chút một, để cuối cùng mất van Persie. Trong khi thương vụ 50 triệu bảng mang tên Fernando Torres có vẻ đã khiến ông chủ Abramovich chùn tay.
Các đại gia mới nổi của bóng đá châu Âu như PSG hay Monaco, đang xài chính chiêu bài của Man City vài năm trước: chi thật nhiều tiền mua ngôi sao, không cần cân nhắc. Bất chấp thuế thu nhập ở Pháp đã lên đến 75%, các ông chủ của các đội bóng này cũng chẳng tỏ ra e ngại. Họ có đủ mánh lới và ngân quỹ để tiêu xài.
Thực tế, Man City không hẳn là không dám chi. Nhưng sự có mặt của bộ đôi Txiki Begiristain và Soriano từ Barcelona, và một người được coi là “Arsene Wenger của La Liga”, Manuel Pellegrini cho thấy, nửa xanh thành Manchester đang hướng đến phát triển bóng đá thực chất: tập trung vào đào tạo trẻ, chỉ mua những cầu thủ ở dạng tiềm năng, thay vì vung tay mua ngôi sao tốn kém.
Vì không sẵn sàng chi tiền như trước, hình ảnh của các đội bóng Premier League trở nên kém long lanh hơn trong mắt các ngôi sao. Dại gì đến một đội bóng trả lương thấp hơn, và dại gì đến một giải đấu không được nghỉ Đông? Các ngôi sao, nếu chỉ nghĩ đến tiền, sẽ đến PSG hoặc Monaco. Nếu muốn chinh phục thành tích, Real Madrid hay Barcelona mới là mốt.
Dù vậy, phải khẳng định ngay rằng đường hướng phát triển của Chelsea và Man City như thế là đúng đắn. Họ đã qua thời kỳ “hỗn mang”, chỉ dùng tiền thúc đẩy thành công. Giờ là lúc họ cần dùng tiền vào việc khác, như phát triển cấp thượng tầng, hay phát triển bóng đá trẻ.
Do đó, thay vì thất vọng vì không được chiêm ngưỡng các ngôi sao thi đấu ở Anh, các CĐV Premier League nên mừng cho giải đấu. Bóng đá Anh đang dần đi vào phát triển thực chất, thay vì sống bằng những quả bong bóng tiền.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)