Thứ Sáu, 15/11/2024 Mới nhất
Zalo

Premier League: Bí mật sức mạnh sân nhà

Thứ Hai 01/10/2012 10:56(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Old Trafford vừa rơi vào một tấn bi kịch. Nhà hát của những giấc mơ trải qua cơn ác mộng. Thất bại trước Tottenham (2-3) lần đầu tiên sau 23 năm xứng đáng là một trong những nỗi hổ thẹn của Old Trafford. Giá trị của sân nhà giờ không còn với Man Utd nữa hay sao?

1. Nhà văn Mỹ lừng danh Elbert Hubbard từng nói: “Ranh giới giữa thắng và bại nhỏ tới mức ít ai biết mình đã vượt qua nó lúc nào, tới mức ta thường đứng lên trên nó mà chẳng ý thức được”. Chiến thắng và thất bại luôn như vậy. Vì thế mà dù có mạnh đến mấy, cũng chẳng ai thắng mãi được. Vị tướng Napoleon cũng nói: “Thắng lợi thuộc về những ai bền chí nhất”. Có lẽ quãng thời gian 23 năm là quá đủ để thấy Tottenham kiên nhẫn đến mức nào. Và M.U đã thất bại giữa lúc họ chẳng hề cảm nhận được ranh giới mong manh giữa thắng và thua. Chỉ có điều, họ đã thua tại sân nhà Old Trafford, ở nơi ẩn chứa một sức mạnh vô hình.

Trận thua Tottenham là một trong rất ít lần Paul Scholes (dưới) và đồng đội gục ngã ở sân nhà
Trận thua Tottenham là một trong rất ít lần Paul Scholes (dưới) và đồng đội gục ngã ở sân nhà

Tottenham không chỉ thắng M.U với lời nguyền kéo dài 23 năm, mà còn phá bỏ “học thuyết sân nhà, sân khách” mà bóng đá đã chứng minh suốt nhiều thập kỷ qua. Nhân sự kiện “động trời” ở Old Trafford, báo Bóng đá đã làm một thống kê nhỏ về thành tích sân nhà ở Premier League. Đối tượng là 5 CLB lớn: Man Utd, Man City, Arsenal, Chelsea, Liverpool, cũng là 5 CLB có thành tích sân nhà tốt nhất Premier League. Tỷ lệ chiến thắng của họ trong 5 mùa giải vừa qua chiếm đến 69%, tỷ lệ thất bại chỉ là 11%. Tuy nhiên, nếu ngoại trừ những trận đấu trực tiếp giữa họ, tỷ lệ thất bại trên sân nhà của nhóm 5 CLB này chỉ còn có 3,7%. Điều đó có nghĩa, một trận thắng như của Tottenham (nằm ngoài nhóm 5 ông lớn trên) tại Old Trafford là cực hiếm.

Đến đây lại phải đặt ra câu hỏi, tại sao sân nhà lại có sức mạnh ghê gớm đến thế?

2. Giải bóng rổ nhà nghề Mỹ thống kê rằng 81% tổng số trận đấu có chiến thắng nghiêng về đội chủ nhà. Tại Premiership, tờ The Times cũng có một công trình nghiên cứu khi tìm hiểu những lợi thế của chủ nhà. Và họ đưa ra kết luận: các đội chủ nhà, ngay trước khi vào trận, đã có tỷ lệ chiến thắng khởi điểm ít nhất là 12%. Con số đó được rút ra sau khi rất nhiều thông số được tổng hợp lại. Thậm chí, khả năng ghi bàn của đội bóng được chơi trên sân nhà là 37,29%.

Không chỉ có The Times, các giáo sư ở Anh, Mỹ đều bắt tay vào các công trình nghiên cứu tìm ra ảnh hưởng của sân nhà với các đội bóng. Nổi bật là hai công trình của A.Lareau và của viện nghiên cứu khoa học thể thao Liverpool. Trong cả hai công trình đó, ngoài những thống kê để khẳng định sự vượt trội về hiệu suất khi thi đấu trên sân nhà, họ còn đi tìm những yếu tố khoa học ảnh hưởng đến thành tích đó. Và yếu tố được đề cập đến nhiều nhất là: tâm lý, thể trạng, các điều kiện về vị trí và địa điểm, môi trường cùng tâm lý kích thích đám đông.

Nghiên cứu 5.000 trận đấu tại Premier League, kết quả cho thấy cứ thêm 10.000 CĐV trên khán đài, đội chủ nhà tăng 0,1% số bàn thắng. Bên cạnh đó, trọng tài cũng sẽ tăng thêm 0,25% khả năng thổi penalty cho đội chủ nhà. Tuy nhiên, đây lại là sự tác động thứ yếu. Trong môi trường bóng đá đỉnh cao, bản lĩnh là điều được nhắc đến nhiều và đó là tâm lý chống lại sự kích động đám đông. Nhìn vấn đề theo khía cạnh tâm lý học tiến hóa và phản ứng hành vi sinh học, động vật thường có sức mạnh chống trả bảo vệ lãnh thổ của mình khi có kẻ xâm nhập. Con người cũng vậy. Sở dĩ như vậy là bởi mức độ hưng phấn khi được ở sân nhà cao hơn so với phải đi sân khác. Mức độ hưng phấn này được quyết định bởi độ testosterone trong máu.

Đại học Northumbria (Newcastle) đã công bố nghiên cứu, lượng testoterone trong mẫu nước bọt cầu thủ đá trên sân nhà từ 10 đến 12, thậm chí có thể tăng tới 17, còn cầu thủ đá sân khách chỉ từ 5,7 đến 8 (có thể là 10 hoặc 12 với những đội bóng mạnh). Con số đó chỉ ngang với một buổi tập. Nhưng khi lượng testoterone tăng cao dễ gây ra việc tim đập nhanh, mất kiểm soát hành vi. Trong trường hợp này, nếu gặp vấn đề tâm lý, cầu thủ có thể bị tác động ngược. Có thể khi thua Tottenham, M.U đã vấp phải hiện tượng này.

Ngoài tâm lý, mọi nghiên cứu cũng đề cập đến địa điểm như độ cao (ở La Paz, cao trên 3.600m so với mực nước biển, Bolivia có thể dễ dàng hạ Brazil, Argentina), nhiệt độ (như ở Nga thường là -20o ), độ ẩm…

Cùng với đó là ảnh hưởng từ di chuyển, những vị khách phải trú ở khách sạn, mất thời gian đi lại. Viện nghiên cứu khoa học thể thao Liverpool cũng cho biết, đoạn đường cứ kéo dài 1.000 dặm, hiệu suất thi đấu sẽ giảm 1,5%, tỷ lệ bàn thắng giảm 0,12%...

3. Tất cả những nghiên cứu đều cho ra kết luận phản ánh thực tế. Tuy nhiên, thực tế thì bóng đá vẫn có những sai số. Như việc đội mạnh làm khách trên sân đội yếu, rồi điều kiện tâm lý, sự chuẩn bị… Mọi con số chỉ để biểu diễn, lý giải cho câu hỏi: tại sao có lợi khi đá trên sân nhà. Chính những bất ngờ khó hiểu mới tạo ra sự hấp dẫn. Ví dụ như khi Chelsea đánh bại Bayern tại Allianz-Arena ở chung kết Champions Legaue 2012, hay việc M.U thua Tottenham vừa qua…

(Theo báo Bóng Đá)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X