(Bongda24h) - Cuối tuần này, MU sẽ có chuyến làm khách tại Everton trong khuôn khổ Premier League và chắc chắn, Wayne Rooney sẽ lại phải đối diện với cuộc trở về hứa hẹn không mấy dễ chịu. Đến giờ, nhiều CĐV Everton vẫn chưa quên sự đào tẩu sang MU của chàng cầu thủ cưng một thời họ tôn sùng dù nó đã xảy ra từ lâu. Vì thế, một màn tiếp đón "nồng hậu" với những tiếng la ó, huýt sáo, chửi bới sẽ lại chờ đợi Rooney ở phía trước. Và ở đảo quốc sương mù, những trường hợp như thế không phải là hiếm.
Cristiano Ronaldo
Sau World Cup 2006, CR7 từng không muốn trở về nước Anh vì biết rằng sẽ phải hứng chịu cơn giận dữ của người hâm mộ sau những gì đã thể hiện trong trận đấu với ĐT Anh . Thậm chí, ngay cả một lượng không nhỏ fan hâm mộ trung thành của MU cũng quay lưng lại với tiền vệ người Bồ Đào Nha do không thể nào quên được hình ảnh Ronald "làm trò" trước mặt trọng tài để cầu thủ con cưng của cả dân tộc Anh, Wayne Rooney phải nhận thẻ đỏ, dẫn tới thất bại tức tưởi của Tam sư trên chấm phạt luân lưu 11m. Rất may, chiến lược gia lão luyện Alex Ferguson đã kịp thời có những biện pháp động viên tinh thần của Ronaldo, các đồng đội tại MU (gồm cả "nạn nhân" Rooney) cũng giang tay chào đón anh, nhờ thế Ronaldo đã bình tâm trở lại và vượt qua giai đoạn khó khăn. Bỏ mặc ngoài tai mọi hành động thù địch trên khán đài, Ronaldo thể hiện hết mình và bằng phong độ xuất sắc, anh dần được yêu mến trở lại để rồi đến mùa giải 2007-2008, anh đạt đến đỉnh cao nhất trong sự nghiệp với hàng loạt danh hiệu cá nhân cao quý (Vua phá lưới, Chiếc giày vàng, Quả bóng vàng, Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới) và giúp MU đăng quang ở Premier League lẫn Champions League.
Vì pha bóng này, Ronaldo đã bị nước Anh "quay lưng"
Ashley Cole
Sự vụ của hậu vệ trái số 1 nước Anh trong nhiều năm qua hẳn đã quá nổi tiếng. Cole trưởng thành từ lò đào tạo trẻ của Arsenal và nhận được sự nuôi dưỡng, chăm bẵm cẩn thận của người thầy Arsene Wenger. Nhờ thế, anh mới bắt đầu tạo dựng được tên tuổi ở xứ sở sương mù nhưng Cole đã nhanh chóng quên ngay "ân sâu nghĩa nặng" của Arsenal khi được "gã nhà giàu" Chelsea mời mọc bằng bản hợp đồng hấp dẫn. Anh ngúng nguẩy đòi ra đi mặc cho đội bóng và cả Wenger nói "hết nước hết cái" (đã từng kiện cả Chelsea ra toà vì tội tiếp cận bất hợp pháp). Cuối cùng, Arsenal cũng đành phải bán A.Cole cho đối thủ cùng thành phố với mức giá 5 triệu bảng + William Gallas. Từ ấy, anh được fan hâm mộ Arsenal gọi bằng cái tên trìu mến: Cashley Cole (Cash trong tiếng Anh có nghĩa là tiền bạc) đi kèm với đó là phong trào vẫy những đồng bảng Anh có in hình "thằng phản bội" Cole trên đó, mỗi khi hậu vệ này phải đối mặt với Arsenal.
John Terry
Câu chuyện của thủ quân Chelsea thì khác biệt hẳn so với người đồng đội Ashley Cole. Chẳng là, hồi mùa giải năm ngoái, Terry bị báo chí tố giác vụ dính vào scandal đáng lên án: quan hệ tình cảm với Vanessa Perroncel lúc cô này vẫn đang là vợ người bạn thân Wayne Bridge, hậu vệ từng khoác áo Chelsea và cả ĐT Anh. Lập tức, John Terry phải gánh chịu biết bao hệ luỵ: gia đình suýt chút nữa tan vỡ, mất chức thủ quân Tam sư và bị người hâm mộ (dĩ nhiên của đối phương) dè bỉu không ngớt trên sân. May thay, Terry là một cầu thủ đẳng cấp, lại dày dạn kinh nghiệm nên không để những chuyện "vớ vẩn" đó làm ảnh hưởng tới phong độ. Terry vẫn chơi tuyệt hay trong hàng thủ Chelsea và cùng đội bóng đoạt cú đúp (Premier League, cúp FA).
David Beckham
Đến giờ, số 7 huyền thoại của MU vẫn rất hot trong làng bóng đá Anh dù thời kỳ đỉnh cao của anh đã qua từ lâu rồi. Nhưng ít ai biết được rằng có thời điểm, Beckham từng bị "ghét cay ghét đắng". Hẳn nhiều người chưa quên pha trả đũa vô cùng trẻ con của Beckham với Diego Simeone tại World Cup 1998, khiến anh phải nhận thẻ đỏ còn ĐT Anh chơi thiếu người và bị thua trận. Kết cục, khi trở về nước, Beckham được các CĐV chào đón bằng "ánh mắt hình viên đạn". Ngay cả, vợ con anh cũng bị bêu riếu, xúc phạm. Phải nhờ vào cú đá phạt thần sầu vào lưới Hy Lạp trong những phút cuối, giúp ĐT Anh chính thức đoạt tấm vé tham dự VCK World Cup 2002, Beckham mới lại được yêu mến như ngày nào.
Paul Ince
Đây là một cựu tiền vệ nổi danh của MU và ĐT Anh trong những năm 90 của thế kỷ trước. Thực ra, Ince được đào tạo ở West Ham và được MU rước về Old Trafford vào năm 1989 lúc mới 22 tuổi với giá 1 triệu bảng. Thế là, Ince trở thành kẻ thù của các CĐV West Ham, nhất là khi anh dám thách thức họ bằng việc toe toét cười trên mặt báo với tấm áo đấu của MU từ trước khi vụ chuyển nhượng hoàn tất. Sự thù hận dai dẳng đến nỗi, ngay cả khi Ince đã rời khỏi MU và chuyển sang thi đấu cho các đội bóng khác, anh vẫn không được người hâm mộ West Ham tha thứ và mỗi lần phải thi đấu tại Upton Park đúng là một cực hình với cầu thủ này.
Sol Campbell: Từ biểu tượng trở thành kẻ thù của CĐV Tottenham
Sol Campbell
Một thời trung vệ này được coi là biểu tượng trung thành tại Tottenham nhưng hình ảnh đẹp đẽ đó chính thức sụp đổ vào năm 2001 khi Campell không ký hợp đồng mới với Spurs và quyết định đầu quân cho Arsenal theo diện chuyển nhượng tự do. Và trong những lần trở lại White Hart Lane sau đó, lúc nhìn lên khán đài, Campbell luôn thấy sự hiện diện của biểu ngữ, bóng bay với độc một từ duy nhất hàm chứa đầy đủ ý nghĩa dành cho mình: Judas (tên kẻ phản Chúa Jesus đáng nguyền rủa, thường được dùng để chỉ những kẻ "vong ân bội nghĩa" xấu xa, không chỉ trong bóng đá mà còn nhiều lĩnh vực khác của xã hội).
Lee Hughes
Đây là một tiền đạo "thường thường bậc trung" ở xứ sở sương mù và đang thi đấu cho Notts County, một đội bóng ở League One (tương đương với hạng 3 ở các nước khác). Nguyên nhân để anh bị "tổng sỉ vả" từ các khán đài: chạy quá tốc độ, gây ra tai nạn chết người và bị tống vào tù. Sau khi mãn hạn, Hughes trở lại sân cỏ nhưng không ít CĐV vẫn không chịu buông tha tội lỗi trong quá khứ của anh. Cứ mỗi khi Hughes thi đấu, các CĐV đối phương lại liên tục giăng biểu ngữ và hô vang mấy từ khó nghe: Kẻ giết người, kẻ giết người.
Bảo Phương