(Bongda24h) - Trong kỳ chuyển nhượng mùa hè, 20 đội bóng của giải Ngoại hạng đều đã tiến hành bổ sung lực lượng nhưng không phải đội nào cũng được hái "quả ngọt" từ đám tân binh. Đến giờ trước vòng đấu thứ 8, có thể chỉ mặt những người đang toả sáng trong màu áo mới và cả những nỗi thất vọng tràn trề. Dĩ nhiên, tất cả chỉ là tạm thời vì mùa giải kéo dài đến 38 vòng. Biết đâu đấy, thời gian tới, một số cái tên được nhắc đến dưới đây sẽ hoán đổi vị trí cho nhau từ "thành công" sang "thất bại" và ngược lại.
5 bản hợp đồng thành công nhất
Rafael Van der Vaart (Tottenham): Thực ra, việc tiền vệ người Hà Lan trở thành biểu tượng mới ở sân White Hart Lane không có gì là bất ngờ bởi tài năng của anh đã được cả châu Âu công nhận. Có chăng, Van der Vaart đã mắc sai lầm nghiêm trọng khi chuyển tới Real Madrid, đội bóng vốn luôn sở hữu quá nhiều siêu sao nên anh không có nhiều cơ hội khẳng định mình. Trong ngày đóng cửa TTCN mùa hè (31/8), Van der Vaart đã rất sáng suốt khi dám từ bỏ Los Blancos danh giá để gia nhập Tottenham nhỏ bé hơn nhưng chỉ nơi đây, anh mới được thực sự coi trọng. Ngay từ lần ra mắt đầu tiên (hoà West Brom 1-1 ở vòng đấu thứ 4), Van der Vaart đã để lại nhiều ấn tượng và thế là, vị trí nhạc trưởng trong lối chơi Spurs nhanh chóng thuộc về "người Hà Lan bay". Không chỉ kiến tạo cơ hội cho đồng đội lập công, Van der Vaart còn nổ súng khá đều đặn với 3 bàn thắng (đứng đầu danh sách ghi bàn của Tottenham tại giải Ngoại hạng). Giờ đây, hẳn Harry Redknapp cảm thấy mình rất may mắn khi chỉ phải tốn có 8 triệu bảng mà đã chiêu mộ được một ngôi sao tầm cỡ thế giới, đủ sức giúp Tottenham bảo vệ vị trí thứ 4 Premier League và chơi thành công ở Champions League. Rafael Van der Vaart: Thủ lĩnh mới của Tottenham
Marouane Chamakh (Arsenal): Nhà cựu vô địch nước Pháp, Bordeaux đã lỗ nặng trong thương vụ Chamakh. Lẽ ra, họ cần phải bán vội tiền đạo người Ma Rốc lúc còn nắm quyền định đoạt trong tay (mùa trước, rất nhiều đội bóng sẵn sàng chi tiền chiêu mộ Chamakh dù thừa biết hợp đồng sắp hết hạn) chứ đừng cố gắng thuyết phục cầu thủ 26 tuổi này gia hạn hợp đồng để rồi phải đón nhận lấy kết cục đau đớn: biếu không "món hàng trị giá nhiều triệu bảng" cho Arsenal. Quả thực, Arsene Wenger đã có vụ áp-phe thành công rực rỡ bởi không cần phải tốn một xu mà ông đã có trong tay một nhân vật giải được bài toán "khan hiếm bàn thắng" của hàng tiền đạo. Chamakh ra sân thi đấu trong cả 7 trận và hoàn thành được trọng trách của một trung phong cắm (đã ghi được 2 bàn thắng). Tuy vẫn cần phải cải thiện thêm khả năng dứt điểm nhưng Chamakh hứa hẹn sẽ là tay săn bàn đáng gờm của Premier League trong vài năm tới.
James Milner (Man City): Với túi tiền không đáy của các ông chủ Ả Rập, thiếu gia mới nổi thành Manchester đã chi ra đến hơn 100 triệu bảng (nhiều nhất Premier League) để mang về 6 cầu thủ mới nhưng chỉ có duy nhất James Milner chứng minh được giá trị. Lợi thế của cựu cầu thủ Aston Villa là anh đã quá quen với bóng đá Anh và trước khi về với Man City, Milner đã nằm trong nhóm những tiền vệ cánh hàng đầu đảo quốc sương mù. Chính vì thế, cầu thủ 24 tuổi này chẳng gặp nhiều khó khăn trong việc hoà nhập vào đội bóng mới. Hiện tại, Milner đã trở thành trụ cột quan trọng của Man xanh giống như Tevez, Barry, Joe Hart, những người đồng đội có thâm niên lâu hơn.
Kenwyne Jones (Stoke City): Chỉ là một tiền đạo "thường thường bậc trung" nhưng Jones đã làm tiêu tốn của Stoke tới 8 triệu bảng (bằng giá trị chuyển nhượng của Van der Vaart) nhưng đó là điều hoàn toàn bình thường tại Premier League bởi có một thực tế, những vụ mua bán qua lại giữa các đội bóng Anh thường bị đẩy lên quá giá trị thực. Dẫu sao, phong độ ghi bàn ổn định của Jones cũng khiến Stoke hài lòng. Qua 7 trận, Stoke có được 8 bàn và 3 trong số đó thuộc về chân sút người Trinidad & Tobago. Nếu muốn đạt được mục tiêu trụ hạng, Stoke sẽ phải trông cậy rất nhiều vào cầu thủ này.
Peter Odemwingie (West Brom): Sự thành công nhanh chóng của Odemwingie tại xứ sở sương mù đã khiến không ít người ngạc nhiên vì tiền đạo người Nigeria đã trải qua những ngày tháng kho khăn tại đội bóng cũ Lokomotiv Moscow và chơi khá tệ ở World Cup 2010. Song niềm tin và khát khao toả sáng ở giải đấu hấp dẫn bậc nhất hành tinh đã biến Odemwingie thành một con người khác hẳn, cực kỳ sắc sảo và nguy hiểm với hàng thủ đối phương. Trận đấu tốt nhất của Odemwingie chính là chiến thắng khó tin 3-2 trước Arsenal ngay tại Emirates ở vòng 6. Nhờ màn trình diễn của Odemwingie, West Brom đang hùng dũng xếp ở vị trí thứ 6, tốt nhất trong số 3 đội mới lên hạng.
5 bản hợp đồng thất vọng nhất
Joe Cole (Liverpool): Dù cho Chelsea đã chê bai Joe Cole (nhất quyết không chịu tăng lương và chấp nhận giải phóng mà không đòi hỏi bất cứ điều kiện gì) nhưng tiền vệ 29 tuổi này vẫn rất hot với phần còn lại của Premier League. Bằng chứng là một loạt đội bóng từ lớn đến bé tranh nhau giành giật Joe Cole và chiến thắng cuối cùng thuộc về Liverpool khi chấp nhận yêu cầu lương bổng cao ngất mà cầu thủ người Anh đưa ra và trao cho Joe Cole chiếc áo số 10. Thế nhưng sự trọng vọng của The Kop đã không được đền đáp xứng đáng. Ngay trong trận đầu tiên thi đấu cho Liverpool ở Premier League (hoà Arsenal 1-1), Joe Cole đã bị đuổi khỏi sân sau có 45 phút thi đấu và phải chịu án phạt treo giò đến 3 trận. Khi trở lại, anh cũng chẳng có bất cứ đóng góp gì để cải thiện thành tích tồi tệ của đội bóng (rơi xuống nhóm cầm đèn đỏ). Nếu không sớm lấy lại "phom" thì Anfield có lẽ sẽ không thể là nơi trú chân lâu dài với Joe Cole.
Ấn tượng lớn nhất Joe Cole để lại ở Liverpool đến thời điểm này là chiếc thẻ đỏ và án treo giò 3 trận
Raul Meireles (Liverpool): Thêm một tân binh thất bại của Roy Hodgson, cũng là một người mới ở Liverpool. Tại ĐT Bồ Đào Nha, Meireles chơi không tồi, thậm chí vai trò của anh to không kém gì Cristiano Ronaldo nhưng trong màu áo đội bóng vùng Merseyside, Meireles lại chưa khiến người hâm mộ quên đi hình ảnh Javier Mascherano ở tuyến giữa. Dường như, tiền vệ này đang rất chật vật trong việc thích ứng với môi trường mới, chưa kể lại không được ra sân thường xuyên. Có lẽ Hodgson nên xem xét lại cách "dụng binh" của mình vì không thể bỏ ra đến hơn 11 triệu bảng để mua về một gương mặt làm đẹp cho băng ghế dự bị.
Nikola Zigic (Birmingham): Về cơ bản, tiền đạo người Serbia khá phù hợp với Premier League, giải đấu thiên về sức mạnh nhờ vào chiều cao (trên 2m, hơn cả "Sếu vườn" Peter Crouch), khả năng tỳ đè song hoá ra Zigic chỉ thuộc diện tiền đạo "chân gỗ, đầu cũng gỗ". Được thi đấu khá nhiều nhưng Zigic chưa ghi nổi một bàn nào và tiếp tục trình diễn hình ảnh nghèo nàn như thời còn khoác áo Valencia. Trong khi một cầu thủ khác cũng mới đến Birmingham, Matt Derbyshire, đã chơi tốt hơn Zigic nhiều dù chỉ là "hàng đi mượn".
Jelle van Damme (Wolves): Hồi mùa hè, Wolves đã thực hiện chiến dịch tuyển mộ rầm rộ với hy vọng sẽ tiếp tục trụ hạng thành công. Và trung vệ người Bỉ, Van Damme chính là một trong những tân binh mà HLV Mick McCarthy đưa về. Thời gian đầu, Van Damme thi đấu tạm được (còn ghi được cả bàn), khiến ban huấn luyện cứ tưởng mình đã "vớ bẫm". Nhưng cầu thủ 27 tuổi này nhanh chóng sụt giảm phong độ và giờ biến mất luôn khỏi đội hình. Lý do được Van Damme đưa ra để biện hộ nghe rất buồn cười: quá nhớ nhà nên ảnh hưởng đến tâm lý thi đấu. Thậm chí anh mong muốn được trở về khoác áo một CLB ở quê hương. Không hiểu McCarthy sẽ kiên nhẫn đến mức nào với trường hơp "y học bó tay" này.
Mauro Boselli (Wigan): Chưa đầy một năm trước, Boselli còn là một chân sút cự phách tại Argentina trong màu áo Estudiantes và đã đoạt cả danh hiệu "Vua phá lưới" giải VĐQG, ấy vậy mà một trong "10 tân binh đầy hứa hẹn" của Premier League mùa giải 2010-2011 (theo đánh giá của giới chuyên môn trước mùa giải) lại chưa ghi nổi một bàn nào dù luôn được chơi cao nhất trên hàng công Wigan. Boselli bỏ lỡ khá nhiều cơ hội ăn bàn vô cùng thuận lợi mà dân gian hay gọi là "đá ra ngoài còn khó hơn đá vào trong". Chưa thể đáp ứng được sự kỳ vọng lớn lao càng khiến Boselli đánh mất sự tự tin vào bản thân. HLV Martinez đang phải đau đầu nghĩ ra biện pháp hỗ trợ Boselli "tìm lại cảm hứng" nhằm tránh mang tiếng bỏ ra tới 6 triệu bảng mà chỉ rước về "hàng lởm".
Bảo Phương