Cái dớp Nga ở xứ Sương mù?
Premiership ngả mũ trước người Pháp (Henry, Vieira, Cantona...). Premiership tự hào với những cầu thủ từ bán đảo Iberria (Torres, Fabregas, C.Ronaldo...). Premiership giang tay chào đón những tài năng Nam Mỹ (Tevez, Mascherano, Robinho, Anderson...). Sau 20 năm từ khi được “mở cửa” sau thảm họa Heysel (1990), giải bóng Anh trở thành điểm đến khát khao và bệ phóng hàng đầu cho mọi tài năng từ khắp ngóc ngách thế giới.
Song mảnh đất Ngoại hạng dường như chưa bao giờ dành cho người Nga và Đông Âu. Từ “cụ tổ” Sergei Baltacha cho đến “đời cháu con” nổi tiếng châu Âu và thế giới gần đây nhất, Andriy Shevchenko đều dính vào thất bại tàn tạ. Nhìn cảnh Andrei Arshavin và Roman Pavlyuchenko đang “vùng vẫy” ở Premiership hiện tại, hoài niệm quá khứ tối đen lại hiện về trong đầu NHM.Pavlyuchenko cần có thêm thời gian để khẳng định mình tại Premiership
Người ta có thể viện ra nhiều lý do cho thất bại của cầu thủ Nga tại Anh quốc. 1) Một nền bóng đá thể lực không phải là mảnh đất cho “chú bé con” Arshavin (cao 1m72 và khá mỏng cơm) hay “người dây” Pavlyuchenko (vừa đến tháng 8/2008 đã dính ngay 2 chấn thương dài tuần). 2) Thể loại bóng đá tốc độ không phù hợp với những cầu thủ Nga vốn mang tiếng rê dắt, chậm chạp. 3) Giải đấu đầy tính cạnh tranh cũng không phải mảnh đất thần thoại cho những kẻ tưởng bở (Arshavin và Pavlyuchenko đều được kỳ vọng, dựa trên giá chuyển nhượng lớn)...
Hay quá khứ đã ở sau lưng?
“Trước đây làm gì có đường. Người ta cứ đi mãi thì thành đường thôi”. Nếu nói chính xác ra, con đường nối tài năng Nga với Premiership vẫn đang mờ ảo. Nhưng phải nhìn thật kỹ vào những gì Arshavin và Pavlyuchenko đang nỗ lực, mới thấy rằng dấu ấn Nga không phải như xưa.
Họ là 2 tuyển thủ hàng đầu xứ Bạch Dương, càng đặc biệt phải xem trọng từ khi đội tuyển Nga có HLV Guus Hiddink. Chính ông thầy, vốn nổi tiếng về khả năng nhìn người và khơi dậy những tiềm năng tưởng chừng nhỏ nhất trong mỗi học trò, đã phải dành lời khen ngợi: “Tôi thấy Arshavin sẽ là Quả bóng Vàng đầu tiên của Arsenal” (?!) hay “Nếu các anh (Tottenham) không cần Pavlyuchenko, là bởi tiền đạo này xứng đáng đầu quân cho Chelsea (một đội lớn hơn nhiều)”.
Có 2 nguyên nhân khiến Arshavin và Pavlyuchenko vẫn đang “âm thầm” ở Anh quốc. Một là ấn tượng từ HLV. Liệu có nên chê Pavlyuchenko, trong mùa đầu tiên chơi 32 trận đã ghi 14 bàn cho Tottenham? Chơi như một người tổ chức, Arshavin nên được ca ngợi vì số bàn ít ỏi hay 8 đường kiến tạo ghi điểm sau 9 trận thi đấu? Và thứ hai, như một quy luật muôn đời đúng của vật lý: cỗ máy càng lớn thì càng cần quãng đường và thời gian chạy khởi động dài hơn (F=m.a).
Dù mới đầu họ có thể chán chường (Pavlyuchenko kêu than vì ngồi dự bị quá lâu, Arshavin thì cảm thấy... muốn trở về nhà) và gây thất vọng. Nhưng hoàn toàn có thể tin chờ 2 cầu thủ này làm thay đổi quan điểm về người Nga trên xứ Sương mù!
(Theo báo Bóng Đá)