Thứ Sáu, 15/11/2024 Mới nhất
Zalo

Những mốc son chói lọi và "tối tăm" của Wenger

Thứ Năm 01/10/2009 17:22(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Cùng nhìn lại tóm tắt quãng đường 13 năm của HLV Arsene Wenger kể từ khi ông chính thức tiếp quản chiếc ghế HLV trưởng của Arsenal.

Hôm nay HLV Arsene Wenger kỷ niệm tròn 13 năm làm "thuyền trưởng" của đội bóng thành London. Đồng thời ông trở thành HLV có thâm niêm làm việc lâu nhất trong lịch sử "pháo thủ" Arsenal. Cùng với đội chủ sân Highbury trước đây, giờ là Emirates, HLV Wenger đã có khá nhiều thành tích đáng chú ý và biến Arsenal thành một trong những thế lực mạnh nhất nước Anh, đồng thời ghi tên mình vào danh sách những nhà cầm quân tài năng nhất thế giới. Sau đây chúng ta hãy cùng điểm lại những dấu mốc thăng trầm trong 13 năm làm việc của "giáo sư" theo từng mùa bóng:

1996/1997: Khi Arsenal đã thi đấu được 2 tháng trong mùa giải mới, họ đón chào sự xuất hiện của một HLV... mới toanh mang tên Arsene Wenger. Cả các CĐV cũng như các cầu thủ đều chưa bao giờ nghe đến tên của chiến lược gia người Pháp. Nhưng ngay mùa giải năm đó, họ đã đứng thứ 3 trên bảng xếp hạng với một sự tiến bộ vượt bậc.


Wenger - ngày đầu tiên đến Arsenal

1997/1998: Ngay trong mùa giải đầu tiên được dẫn dắt Arsenal đầy đủ cả mùa, Arsene Wenger đã cho tất cả thấy tài năng xuất chúng của ông bằng cú đúp danh hiệu với chức vô địch Premier League và cúp FA. Sự xuất hiện của Marc Overmars và Emmanuel Petit đã mang lại sức mạnh đáng kể cho hàng công của Arsenal. Còn ở tuyến dưới họ có một Tony Adams xuất sắc trong đội hình.

1998/1999: Một năm thất bại của Arsenal đồng thời chứng kiến sự thăng hoa của đối thủ truyền kiếp Manchester United. Đội bóng do HLV Alex Ferguson có cú ăn 3 vĩ đại với chức vô địch Premier League, cúp FA và lên ngôi ở Champions League. Tiếc cho các cầu thủ Arsenal khi họ về đích ở vị trí thứ hai ở giải vô địch quốc gia với chỉ 1 điểm kém MU.

1999/2000: Thêm một mùa giải đáng thất vọng nữa của Arsene Wenger và các học trò. Ở đấu trường Premier Leauge, họ kết thúc mùa giải với khoảng cách 18 điểm so với đội vô địch vẫn là Manchester United. Ở cúp UEFA, họ còn tiếc hơn khi bỏ lỡ cơ hội nâng cao chiếc cúp khi thất thủ trước Galatasaray ở loạt luân lưu trong trận chung kết.

2000/2001: Lại thất vọng! Lại một lần nữa Wenger và các học trò đứng nhìn đối thủ Manchester United nâng cao chức vô địch giải Ngoại hạng Anh. Còn ở cúp FA, họ đã lọt vào đến chung kết và có bàn thắng dẫn trước từ phút thứ 7. Nhưng hai pha lập công của Michael Owen đã mang đến chức vô địch cho Liverpool.

Cú đúp thứ hai trong cuộc đời huấn luyện của Wenger

2001/2002: Có vẻ như 3 mùa bóng trắng tay liên tiếp đã khiến Wenger nổi giận, và ông lập tức xả cơn giận dữ của mình bằng cú đúp danh hiệu vào cuối mùa giải lần này. Thierry Henry ghi 24 bàn thắng giúp Arsenal về đích ở vị trí đầu tiên trong khuôn khổ giải Ngoại hạng Anh và bỏ cách đội xếp thứ 2 là Liverpool 7 điểm. Còn ở cúp FA, Freddie Ljungberg và Ray Parlour ghi mỗi người một bàn thắng trong trận chung kết với Chelsea, mang về danh hiệu vô địch cho đội nhà.

2002/2003: Mặc dù bị thất bại trước Manchester United ở Premier League với khoảng cách 5 điểm vào cuối mùa giải, nhưng Arsenal vẫn có được niềm vui ở cúp FA. Chiến thắng 1-0 trước Sunderland trên sân Thiên Niên Kỷ đã mang cho các CĐV của Arsenal một dịp ăn mừng hoành tráng.

2003/2004: Một mùa giải bất bại của Arsenal. Henry và các đồng đội trải qua một mùa giải quá ấn tượng khi không một lần trắng tay và kết thúc ở vị trí thứ nhất, bỏ xa Chelsea với tham vọng từ những bản hợp đồng đình đám tới 11 điểm. Tất nhiên, Arsene Wenger là người được ca tụng nhiều nhất với việc áp dụng thành công lối chơi tốc độ và đầy biến hóa cho các học trò, biến Arsenal trở thành một trong những đội bóng chơi quyến rũ nhất châu Âu.

2004/2005: Chelsea lên ngôi sao 50 năm chờ đợi nhờ những đồng Rúp của tỷ phú người Nga Abramovich. Điều đó đồng nghĩa với việc Arsenal không thể bảo vệ được danh hiệu vô địch dù cho đã chơi rất tốt trong cả mùa giải. Dù sao họ cũng được an ủi bằng danh hiệu vô địch FA sau khi đánh bại MU với tỷ số 5-4 trên chấm phạt đền trong trận chung kết.

2005/2006: Chút nữa thì Wenger và các học trò có được chức vô địch Champions League lần đầu tiên trong lịch sử. Họ đã lọt vào đến trận chung kết và vươn lên dẫn trước đối thủ Barcelona bằng bàn thắng của Sol Campbell. Nhưng hai pha lập công chớp nhoáng của các cầu thủ Barcelona ở hiệp hai đã đạp đổ tất cả những gì Arsenal đã xây nên, và gieo buồn đau trong lòng những ai yêu mến "pháo thủ".

Henry thất vọng sau trận chung kết Champions League với Barca

2006/2007: Mặc dù được thi đấu trên sân vận động mới Emirates hiện đại hơn, hào nhoáng hơn, nhưng các cầu thủ Arsenal vẫn không cải thiện được tình hình trắng tay. Ở giải Ngoại hạng Anh, họ chỉ về đích ở vị trí thứ 4 với 21 điểm kém đội dẫn đầu. Vào đến chung kết Carling Cup nhưng lại thất bại trước Chelsea với tỷ số 2-1. Một trong những mất mát lớn nhất của Arsenal trong mùa giải này là sự ra đi của Thierry Henry. Cầu thủ người Pháp quyết định đầu quân cho Barcelona.

2007/2008: Không còn "siêu pháo thủ" Henry, Arsenal tiếp tục thất bại trong việc tìm kiếm danh hiệu ở mọi đấu trường. Cơ hội duy nhất cho "pháo thủ" cứu vớt một mùa giải là việc họ lọt vào đến trận chung kết Carling Cup, nhưng lại thất bại trước Tottenham Hotspur với tỷ số 2-6 sau hai lượt trận.

2008/2009: Mùa giải này đánh dấu 4 năm liên tiếp không danh hiệu của Arsenal. Các cầu thủ trẻ của HLV Arsene Wenger vẫn xuất sắc nhưng chưa đủ kinh nghiệm để mang về cho họ một chức vô địch nào. Ở đấu trường châu Âu, Arsenal thất bại trước Manchester United ở vòng bán kết với tỷ số sau hai lượt trân là 1-3. Khép lại một mùa bóng đầy thất vọng của "pháo thủ" thành London.

  • Sơn Lâm (Tổng hợp)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X