Thứ Sáu, 15/11/2024 Mới nhất
Zalo

Những minh chứng hùng hồn cho tài "nuôi dưỡng sao trẻ" của Arsene Wenger

Thứ Năm 09/09/2010 18:09(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Không phải vô cớ mà người ta phong cho "Giáo sư" người Pháp danh hiệu "Chuyên gia phát hiện và bồi dưỡng tài năng trẻ số 1 châu Âu". Dưới bàn tay của ông, rất nhiều "viên ngọc thô" đã phát lộ để trở thành ngôi sao trên bầu trời bóng đá thế giới. Bao năm dẫn dắt Arsenal, ông luôn theo đuổi chiến lược "mua rẻ bán đắt" và đã gặt hái được nhiều thành công. Dưới đây là 10 bản hợp đồng thành công nhất của ông tại Arsenal được đánh giá theo tiêu chí: trẻ (khi mua về, họ đều dưới 21 tuổi), rẻ (dưới 5 triệu bảng) và tất cả đều bộc lộ được năng lực của mình. Có người đã thành sao, có người đang là sao và có một vài trường hợp "sắp" hoá sao.

1. Patrick Vieira (AC Milan, 1996)



Vieira được coi là tiền vệ trung tâm xuất sắc nhất Arsenal dưới triều đại Wenger và xứng đáng được lưu danh muôn thuở vì những đóng góp to lớn cho đội bóng dù đôi lúc, anh chơi quá máu lửa và thô bạo trên mức cần thiết. Được AC Milan phát hiện vào năm 1995 từ CLB Cannes tại quê nhà Pháp nhưng chỉ sau một năm khoác áo Rossoneri, Vieira đã tới nước Anh theo tiếng gọi của chiến lược gia đồng hương và đó là quyết định sáng suốt nhất của anh bởi nếu ở lại AC Milan, Vieira chắc chắn sẽ bị chôn vùi tài năng. Nhờ sự chỉ bảo ân cần của Wenger, Vieira rất nhanh chóng trở thành tiền vệ trụ hàng đầu Premier League, là nòng cốt của một Arsenal, "đối trọng" lớn nhất của MU những năm trước. Năm 2002, Vieira chính thức đeo băng đội trưởng Arsenal và thi đấu ngày một ấn tượng. Có một chiến binh mạnh mẽ như Vieira, Wenger không còn gì phải lo lắng về tuyến giữa. Mùa giải 2003-2004, Arsenal lập nên kỷ lục "vô tiền khoáng hậu" trong lịch sử bóng đá Anh: bất bại tại Premier League và công lao lớn nhất thuộc về những cái tên như Vieira. Năm 2005, Arsenal bán Vieira cho Juve với mức giá 20 triệu bảng và dù đã có thêm nhiều danh hiệu nữa (4 chức vô địch Serie A cùng Inter) nhưng thời kỳ huy hoàng nhất của Vieira chính là ở thành London chứ không phải một nơi nào khác.

2. Nicolas Anelka (PSG, 1997)



Là một người Pháp chính gốc nên ngay từ khi sang Anh lập nghiệp, Wenger lúc nào cũng ngó ngàng đến thị trường cầu thủ ở quê hương. Ông lập hẳn một đội ngũ săn lùng tài năng tại nước Pháp, vì thế, lượng cầu thủ xuất thân từ bóng đá Pháp luôn chiếm đa số trong đội hình Arsenal suốt bao năm qua. Nếu xét về yếu tố "kinh tế" thì Nicolas Anelka là món hàng đem lại cho Arsenal khoản lợi khủng khiếp nhất. Năm 1997, Wenger chỉ bỏ ra đúng ... 500.000 bảng để chiêu mộ "Le Sulk" từ PSG lúc anh tròn 17 tuổi và Anelka lập tức khẳng định ngay câu thành ngữ "của rẻ là của ôi" không phải lúc nào cũng đúng khi thể hiện được tài săn bàn bẩm sinh. Qua 2 mùa giải, Anelka ghi được trên 20 bàn, thành tích đáng nể với một cầu thủ còn trẻ và lọt vào mắt xanh của Real Madrid. Đội bóng Hoàng gia TBN đã phải bỏ ra trên 22 triệu bảng để có được Anelka và tuy khá tiếc nuối song Wenger vẫn hoàn toàn hài lòng vì giúp đội bóng kiếm bộn tiền. Giờ đây, sau nhiều năm phiêu bạt, Anelka đang có chỗ đứng khá chắc chắn tại Chelsea, người láng giềng của Arsenal tại London.

3. Kolo Toure (ASEC Mimosas, 2002)



Arsenal mở các học viện đào tạo trẻ ở nhiều nơi trên thế giới (trong đó có Việt Nam) và nhờ những "tai mắt" này, họ có điều kiẹn tìm được những nhân tài bản xứ. Kolo Toure là một trường hợp như vậy. Sau thời gian thử việc thành công, chàng trai vô danh đến từ Bờ Biển Ngà được khoác lên mình màu áo Arsenal với mức phí rẻ mạt: 150.000 bảng. Không tốn nhiều thời gian, Toure trở thành cầu thủ không thể thay thế của đội bóng tại hàng phòng ngự trong 7 năm cống hiến cho Arsenal, nhất là khi được Wenger trọng dụng ở vị trí trung vệ, vốn không phải là "xuất phát điểm" ban đầu của anh (Toure được đào tạo để chơi hậu vệ phải hoặc tiền vệ). Năm 2009, Toure chuyển sang Man City và dĩ nhiên với cái giá không hề rẻ, tương xứng với đẳng cấp của anh: 14 triệu bảng.

4. Gael Clichy (Cannes, 2003)



Khi bán Ashley Cole cho Chelsea, Wenger chẳng mấy tiếc nuối, không hẳn vì hậu vệ người Anh đã hết tình cảm với Arsenal mà bởi, ông biết rằng trong tay mình đang có một sự thay thế quá xứng đáng: Gael Clichy. Đến với Arsenal vào mùa hè năm 2003 từ Cannes, Clichy cần mẫn luyện tập và như mọi gương mặt trẻ khác của đội bóng, Clichy luôn được thử sức ở các giải đấu không mấy quan trọng như cúp Liên đoàn. Nhờ nền tảng đó, Clichy ngày một chững chạc và đủ sức thay thế A.Cole mỗi khi hậu vệ người Anh vắng mặt. Và kể từ năm 2006 tới nay, cầu thủ người Pháp là người án ngữ thường xuyên hành lang cánh trái trong tuyến phòng ngự của Arsenal với khả năng công - thủ toàn diện.

5. Cesc Fabregas (Barcelona, 2003)



Cho đến giờ, Barcelona vẫn "tức nổ đom đóm mắt" khi nghĩ lại chuyện bị Arsenal "phỗng mất" tài năng Fabregas từ lò đào tạo trẻ La Masia danh tiếng của họ. Tuy nhiên, "nói đi cũng phải nói lại". Cesc đạt đến trình độ như ngày hôm nay rõ ràng là có bàn tay nuôi dưỡng của Wenger chứ tiền vệ này đâu phải thuộc diện "sinh ra đã là thần đồng nên ở đâu mà chả thành công". Bản thân Fabregas cũng thẳng thắn thừa nhận thực tế này và việc anh đòi bỏ Arsenal để trở về chốn cũ Barca đơn thuần là vì muốn đoạt danh hiệu còn về mặt tình cảm, anh luôn mang ơn Wenger. Fabregas đã trình làng ở đội 1 Arsenal từ khi còn rất trẻ (hơn 16 tuổi) và đến năm 21 tuổi, anh trở thành đội trưởng trẻ nhất trong lịch sử Arsenal. Hiện tại, Fabregas là một trong những tiền vệ tổ chức hàng đầu thế giới, chiếm đến hơn 50% sức mạnh của dàn "Pháo thủ".

6. Robin van Persie (Feyenoord, 2004)



Năm 2004, Arsenal tận dụng rất tốt mâu thuẫn giữa Van Persie và HLV trưởng Feyenoord khi đó, Bert van Marwijk (hiện đang là HLV trưởng ĐT Hà Lan) để chộp lấy tiền đạo này với một mức giá còm: chưa đén 3 triệu bảng, khiến một loạt ông lớn tiếc ngẩn ngơ. Tại Emirates, Van Persie đã cố gắng ngày một hoàn thiện kỹ năng và chiếm được chỗ đứng khá vững chắc trong đội hình. Chỉ tiếc, sự nghiệp của anh liên tục bị gián đoạn bởi chấn thương (hiện giờ, Van Persie vẫn đang nằm trên giường bệnh), bằng không, Van Persie còn đóng góp nhiều nữa cho Arsenal chứ không dừng lại ở thành tích 70 bàn/200 trận đã thi đấu.

7. Nicklas Bendtner (KB, 2004)



Chân sút người Đan Mạch vẫn bị coi là "chân gỗ" nhưng anh còn trẻ và thừa thời gian để phát triển lên những tầm cao mới. Mới cả, từ mùa vừa rồi, Bendtner đã chứng tỏ sự tiến bộ vượt bậc, vừa cải thiện khả năng ghi bàn, vừa biết kiến tạo cơ hội cho đồng đội lập công. Với nền tảng thể lực dồi dào và chiều cao lý tưởng của một trung phong, Bendtner hứa hẹn sẽ là tay săn bàn số 1 của Arsenal trong thời gian tới.

8. Abou Diaby (Auxerre, 2005)



Tiền vệ 24 tuổi người Pháp bắt đầu nổi lên từ mùa bóng 2009-2010 khi được tung ra sân thường xuyên do chấn thương của một loạt tiền vệ chủ lực và Diaby đã thể hiện thành công để chiếm được cảm tình của Wenger. Không chỉ là một "hòn đá tảng" chắc chắn trước hàng thủ, Diaby còn lên tham gia tấn công cực kỳ hiệu quả hệt như "tiền bối Vieira nhờ vào tốc độ, sự khôn ngoan, khả năng dứt điểm và chuyền bóng đều ở mức hoàn hảo. Năm ngoái, Diaby có được 7 bàn và 5 đường chuyền. Nhờ vậy, anh mới được triệu tập vào ĐT Pháp và là một trong những cầu thủ chơi tốt nhất ở kỳ World Cup 2010 đầy thất vọng. Hiện tại, giá trị của Diaby đã vượt xa khỏi mức phí 2 triệu bảng mà Arsenal đã bỏ ra hồi năm 2005.

9. Alexandre Song (Bastia, 2006)



Thêm một cầu thủ trưởng thành từ bóng đá Pháp nhưng Song là một người Cameroon. Cũng phải mất tới vài năm lăn lộn ở đội trẻ, tiền vệ này mới được Wenger sử dụng thường xuyên hơn từ mùa giải 2008-2009. Nhiệm vụ của Song là càn quét ở khu vực giữa sân, tăng chất thép và sức chiến đấu cho hàng tiền vệ. Khi cần, Song có thể lùi xuống đảm nhận vị trí trung vệ. Không quá nổi bật nhưng Song là "người hùng" âm thầm của Arsenal còn ở ĐTQG Cameroon, Song không có đối thủ cạnh tranh cho suất tiền vệ trụ.

10. Denilson (Sao Paolo, 2006)



Bắt đầu được biết đến trong vai trò đội trưởng đội U-15, U-17 rồi U-19 Brazil, Denilson có mặt ở Arsenal vào năm 2006 với bản hợp đồng chuyển nhượng trị giá 3,5 triệu bảng từ Sao Paolo. Tại đây, dưới sự dìu dắt của Wenger, Denilson đã phát huy được tố chất và từ một cầu thủ đá cánh phải, Denilson được bồi dưỡng để đảm trách tốt khu vực trung tâm. Denilson thi đấu đúng theo phong cách điển hình của một cầu thủ gốc Samba: giàu kỹ thuật, thông minh, khéo léo. Ngoài ra, Denilson còn rất nguy hiểm trong các pha sút xa. Sự nghiệp đang lên như diều gặp gió của Denilson (anh thi đấu trên 50 trận ở mùa giải 2008-2009) đã bị chững lại vì một chấn thương lưng nghiêm trọng vào đầu mùa giải trước, khiến Denilson có phần chững lại. Tuy nhiên, ở cái tuổi 22, phía trước anh vẫn là một tương lai rộng mở.

  • Bảo Phương

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X