(Bongda24h) - Vậy là cuộc đại chiến lớn nhất nước Anh đã kết thúc trong niềm hân hoan dành cho Nửa đỏ thành Manchester. Với lối chơi vô cùng hợp lý cùng dàn cầu thủ đat phong độ cao, nhà ĐKVĐ đã buộc đối thủ cạnh tranh lớn nhất (theo quan điểm đánh giá của chính người trong cuộc) phải ôm hận tại Old Trafford một cách tâm phục khẩu phục. MU đã củng cố vững chắc ngôi đầu bảng và có lẽ thời gian tới, vị trí của họ khó lòng suy xuyển. Nào hãy cùng nhìn lại trận đấu này qua những điểm nhấn dưới đây.
>>> "Siêu Nani" - Ngôi sao sáng nhất trong cuộc đại chiến nước Anh
>>> Sau trận thua MU: Những yếu điểm cần khắc phục của Chelsea
>>> Dư âm chiến thắng của MU: Fergie bực dọc, Boas lạc quan
>>> Chấm điểm MU 3-1 Chelsea: Vẫn là "dấu ấn quỉ"
>>> Man Utd đả bại kẻ thách thức Chelsea nhờ bàn thắng gây tranh cãi
1. Sức mạnh tuyệt đối của Man Utd
Khi lịch thi đấu Premier League được công bố, không ít người đã lo ngại cho "Quỷ đỏ" thành Manchester bởi họ sẽ phải đối đầu 3 đối thủ lớn (Arsenal, Tottenham, Chelsea) ngay trong 5 vòng đầu tiên. Thế nhưng, thật không ngờ, MU lại vượt qua giai đoạn khổ ải này hết sức nhẹ nhàng. Họ thắng toàn bộ 5 trận, ghi đươc tới 21 bàn (một kỷ lục của giải Ngoại hạng) và chỉ thủng lưới 4 bàn. Điểm đáng chú ý: mọi chiến thắng của MU đều diễn ra vô cùng dễ dàng và chưa lần nào, thầy trò Alex Ferguson gặp phải khó khăn thực sự. Bên cạnh yếu tố về lực lượng và điểm rơi phong độ thì cần phải thừa nhận, may mắn cũng đang song hành với Man Utd. Ở trận gặp Chelsea, Smalling đã rơi vào thế việt vị rõ ràng 100% nhưng chẳng có tiếng còi nào vang lên để rồi MU sớm giành ưu thế. Wayne Rooney trượt ngã trên chấm 11m song chẳng ảnh hưởng gì đến kết quả chung cuộc bởi lúc đó, thắng lợi đã nằm chắc trong tay MU. Chốt lại, Fernando Torres tự dưng bị "ma ám" ở tình huống "đá ra ngoài còn khó hơn đá vào trong".
Manchester United mạnh khủng khiêp
Sẽ là vội vàng nếu cho rằng ngôi vô địch Premier League mùa này chắc chắn sẽ lại thuộc về MU vì mùa giải vẫn còn rất dài nhưng có thể mạnh dạn tuyên bố ở thời điểm này, không một đội nào tại đảo quốc sương mù đủ sức cản bước tiến của đoàn chiến binh "Quỷ đỏ". Chỉ cần thi đấu nghiêm túc, đúng hình ảnh và không gặp phải cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về mặt lực lượng, MU sẽ khó đánh mất ngôi đầu, ít nhất cho đến ngày 23/10, thời điểm diễn ra trận derby thành Manchester. Thậm chí với sự thiếu ổn định của đội bóng láng giềng thì không loại trừ khả năng, phải cho đến kỳ nghỉ Giáng sinh và năm mới, may ra MU mới có nguy cơ bị lật đổ.
2. Nani đã thực sự vượt qua được cái bóng của Cristiano Ronaldo
Kể từ ngày đầu gia nhập MU vào năm 2007, Nani luôn bị đem ra so sánh với người đồng hương Cristiano Ronaldo. Trong khi CR7 thăng tiến vù vù và giờ đã là một trong những cầu thủ hàng đầu thế giới thì Nani lại phát triển quá chậm mà không chắc. Ở nhiều cuộc phỏng vấn, giới truyền thống luôn hỏi đi hỏi lại Nani rằng: Liệu có phải cái bóng bao trùm và tầm ảnh hưởng không thể phủ nhận mà Ronaldo để lại ở Man Utd có phải đã gây ra sức ép cho Nani. Tiền vệ luôn một mực tuyên bố anh muốn là anh chứ chẳng cần phải bắt chước ai cả nhưng Nani thừa hiể, chỉ "lời nói suông" là không đủ. Chính xác, phải đến mùa giải trước, Nani mới bắt đầu thể hiện bằng hành động. Anh được đánh giá là cầu thủ chơi tốt nhất đội bóng và là tay kiến tạo bàn thắng số 1 Premier League.
Mùa này, 3 trận đầu, Nani tỏ ra khá "im ắng" và có phần lép vế so với người đồng đội mới Ashley Young. Nhưng tới trận thắng Bolton 5-0 và đặc biệt cuộc chạm trán với Chelsea, Nani đã khẳng định dõng dạc: anh vẫn xứng đáng là tiền vệ số 1 Man Utd hiện nay. Không những vậy, vị thế và đẳng cấp của anh trong làng bóng đá nói chung ngày một được xác lập vững chắc với một phong cách riêng đã được định hình. Những bước chạy, khả năng đột phá, dứt điểm "hai chân như một" của Nani rõ ràng chẳng thể khiến người ta gợi nhớ đến Ronaldo bởi đơn giản, nó mang quá nhiều nét khác biệt. Thêm một thông số để minh chứng, Nani thực ra trội hơn Ronaldo trong những năm đầu khoác màu áo Đỏ. Sau 100 trận thi đấu cho MU, tổng cộng Nani có 52 bàn thắng và đường chuyền thành bàn (còn con số này của Ronaldo chỉ là 31). Có chăng chỉ là Nani chưa đến giai đoạn đột phá mạnh mẽ mà thôi. Biết đâu đấy, mùa giải 2011-2012 sẽ là cột mốc quan trọng trong sự nghiệp của Nani, giống như Ronaldo đã tăng tốc dữ dội ở mùa giải 2007-2008.
3. Fernando Torres đích thực là bản hợp đồng cực kỳ thất bại
Đến giờ, nhiều chuyên gia vẫn không thể lý giải nổi tại sao một tiền đạo đang giữ phong độ ghi bàn không đến nỗi nào lại tự dưng đánh mất toàn bộ bản năng săn bàn sau khi chuyển đến một đội bóng khác. Phải chăng "cái dớp" của người tiền nhiệm Shevchenko cộng thêm sức ép của mức giá kỷ lục nước Anh (50 triệu bảng) đã tạo thành một tấm màng bọc vô hình bao quanh lấy Torres, khiến anh không thể thăng hoa. Trong 23 trận đấu cho The Blues trên mọi mặt trận, El Nino chỉ lập công đúng 1 lần duy nhất. Những tưởng pha dứt điểm khá tinh tế, đem về bàn gỡ 1-3 cho Chelsea vào đầu hiệp 2 sẽ là điểm tựa để Torres tìm lại chính mình nhưng hoá ra, tất cả chỉ là ảo mộng. Khoảnh khắc chân sút người TBN điềm tĩnh sút trúg đám khán giả ngồi phía sau cầu môn ở một tình huống không thể thuận lợi hơn để đem lại những tràng cười sảng khoái cho người hâm mộ cả 2 đội (với CĐV Chelsea thì phải là sự chua chát chứ không phải chế giễu như các Manucians) đã thể hiện một lần nữa cái chân lý đau xót: Torres đang tiến vững chắc trên con đường trở thành bản hợp đồng thất bại nhất trong lịch sử Chelsea, đảo quốc sương mù và cả thế giới. Đang có tin đồn Chelsea sẽ tống cổ Torres ngay trong tháng 1 và cứ cái đà này, khả năng đó càng được hiện thực hoá.
Frank Lampard xuống phong độ thấy rõ
4. Frank Lampard xuống dốc quá nhanh
Hồi mùa hè, trong những ngày đầu tiếp quản Chelsea, đã xuất hiện không ít lời lẽ "cảm thông sâu sắc" với Frank Lampard khi anh bị Villas-Boas xếp đá ở một vị trí xa lạ và không phải nằm trong diện "yêu thích" (tiền vệ đánh chặn). Nhưng qua những trận gần đây, xem ra, chiến lược gia trẻ tuổi người BĐN đã hoàn toàn có lý và chính xác trong cách sử dụng Lampard bởi "Người không phổi" quả thực đã suy giảm thấy rõ, cả về mặt sức khoẻ lẫn phong độ. Anh không còn đủ điều kiện đảm trách hoàn hảo vai trò dẫn dắt lối chơi như trước. Vẫn biết ở cái tuổi 33, làm sao Lampard có thể tràn đầy sinh lực như xưa nhưng người ta vẫn phải ngậm ngùi khi chứng kiến một hình ảnh "bệ rạc" ở Lampard. Thực ra, đó là hệ quả tất yếu của việc phải cày ải quá nhiều trong những năm trước (may mắn với Chelsea và Lampard, đến giờ, nó mới xuất hiện). Anh lép vế hoàn toàn trước tuyến giữa cơ bắp của đối thủ và thua thiệt trong các cuộc tranh chấp tay đôi. Đã đến lúc, Lampard cần nhìn nhận lại một cách nghiêm túc chứ đừng bảo lưu quan điểm cố chấp (tôi vẫn có thể cống hiến tốt cho The Blues như ngày nào). Anh nên xem xét đến việc vui vẻ chấp nhận một vai trò ít tốn sức hơn, thi đấu chủ yếu bằng đầu óc và kinh nghiệm mà vẫn có thể mang lại sự đóng góp dù không nhiều. Hãy nhìn trường hợp của Ryan Giggs. Trong những năm cuối của sự nghiệp và ở độ tuổi cao hơn Lampard, ai dám bảo tiền vệ người xứ Wales đã hết sạch giá trị sử dụng. Biết học cách chấp nhận và thích nghi hoàn cảnh là đức tính cần có của Lampard vào lúc này.
5. David De Gea dần chứng tỏ năng lực
Thủ thành trẻ người Tây Ban Nha đang phải sống trong áp lực ghê gớm sau khi chơi không tốt trong quãng thời gian đầu khoác áo MU. De Gea thừa hiểu dư luận đang nói gì về mình, thậm chí cũng cảm nhận rõ rệt nguy cơ mất chỗ đứng vào tay Lindegaard. Nhưng bằng bản lĩnh hiếm có ở một chàng trai mới ngoài 20 tuổi, De Gea đã dần khẳng định: anh không phải không đủ tố chất để kế nhiệm Van der Sar vĩ đại. Có thể coi trận đấu với Chelsea là màn trình diễn tốt nhất của De Gea tại nước Anh tính đến thời điểm này. Không mắc phải bất cứ một sai lầm nào dù nhỏ nhất, De Gea còn thể hiện độ nhạy cảm tuyệt vời trước 2 pha dứt điểm cận thành của Ramires. Quan trọng hơn, De Gea đã tự tin hơn hẳn và dấu hiệu của sự bối rối, lúng túng không hề xuất hiện. Trên khán đài, huyền thoại Peter Schmeichel đã nở nụ cười mãn nguyện vì ông tin De Gea sẽ xác lập được tên tuổi ở Old Trafford như mình.
Bảo Phương (Theo Guardian/Vietnamnet)