Nhìn từ Cris Ronaldo: Bóng đá không chỉ có màu hồng
Thứ Hai 10/04/2017 20:53(GMT+7)
Theo dõi Bongda24h trên Phần đa người hâm mộ bóng đá chỉ nhìn thấy ánh hào quang từ những cầu thủ bóng đá hàng đầu như Cris Ronaldo hay Lionel Messi, chỉ một phần nhỏ nhìn thấy được mặt tối đằng sau đó.
Hàng ngày, giới truyền thông trên toàn thế giới đưa tin về những bản hợp đồng triệu đô có thể diễn ra ở các kỳ
chuyển nhượng, về những cầu thủ có mức lượng hàng chục hay hàng trăm nghìn euro mỗi tuần,... Họ phô bày cuộc sống xa hoa, hào nhoáng của những cầu thủ bóng đá hàng đầu. Nhưng thực tế, đó chỉ là mặt sáng hiếm hoi trong thế giới bóng đá.
|
Sự hào nhoáng của những ngôi sao hàng đầu như Cris Ronaldo chỉ là thiểu số. |
Cuộc sống của những cầu thủ bóng đá không toàn màu hồng như những gì giới truyền thông vẫn đăng tải. Chỉ một phần nhỏ chơi tại những giải đấu hàng đầu châu Âu hoặc Trung Quốc được hưởng đãi ngộ trong mơ. Phần đa các cầu thủ trên thế giới trải qua cuộc vật lộn mưu sinh chứ chưa nói đến một cuộc sống giàu sang.
Theo thống kê, Cris Ronaldo mỗi phút kiếm được 45 đô la Mỹ từ tiền lương của
Real Madrid. Nhưng đằng sau sự hào nhoáng của một số cầu thủ ngôi sao, số phận của rất nhiều người khác hoàn toàn trái ngược. Gloire Mbidi, cầu thủ đang thi đấu cho câu lạc bộ AC Real de Kinshasa tại CH Dân chủ Congo thậm chí còn không có hợp đồng chuyên nghiệp hay tiền lương cố định.
Mbidi phải tập hai buổi mỗi ngày và chỉ được hỗ trợ 79 xu cho mỗi lần di chuyển ở các trận đấu trên sân khác. Cầu thủ 26 tuổi nói đầy ấm ức: "Tôi nhận được 25 đô la cho mỗi trận đấu mà CLB giành chiến thắng. Nhưng nếu đội hòa hay thua, tôi chẳng nhận được gì cả. Ngay cả khi vô địch vào năm 2008 và 2009, mọi thứ vẫn là 25 đô la mỗi trận thắng, không hơn dù chỉ 1 xu".
FifPro - Hiệp hội Cầu thủ Chuyên nghiệp Thế giới - đã khảo sát hơn 14.000 cầu thủ ở 54 quốc gia nhận thấy rằng 41% số cầu thủ không được hưởng lương hoặc ở mức 1.000 đô la mỗi tháng. Alex Duff, người phát ngôn của FifPro thừa nhận: "Những cầu thủ hưởng lương cao chỉ là thiểu số. Việc tin rằng hầu hết cầu thủ sống trong nhung lụa chẳng khác gì nói tất cả diễn viên đều là ngôi sao Holywood".
|
Những đứa trẻ tại các quốc gia kém phát triển như Congo chỉ có thể chơi bóng dựa trên niềm đam mê. |
Phần nhiều các cầu thủ vẫn chưa được bảo vệ một cách đúng mực, ngay cả ở nơi có nền bóng đá phát triển như Bồ Đào Nha, quê hương của siêu sao Cris Ronaldo. Hồi tháng 11/2016, Michael Uchebo - tuyển thủ quốc gia Nigeria - tố CLB Boavista không trả lương trong suốt 8 tháng chỉ vì những mâu thuẫn với huấn luyện viên.
Chân sút 26 tuổi thậm chí còn quay lại những đoạn phim làm bằng chứng về việc các nhân viên an ninh cố gắng ngăn cản anh vào phòng tập thể dục của CLB. Uchebo cầu cứu trên các phương tiện truyền thông: "Tôi đã chết lặng vì chẳng ai giúp đỡ mình cả".
Boavista từ chối bình luận về vụ việc còn chủ tịch CLB, Àlvaro Braga thì tuyên bố cầu thủ người Nigeria nói dối và từ chối những đề xuất chuyển nhượng. Uchebo buộc phải cắt đứt hợp đồng để giải thoát trong tháng Một mà không nhận được bất cứ bồi thường nào từ Boavista, cũng như chẳng nhận được sự trợ giúp về luật pháp của chính quyền sở tại.
Ở Venezuela, cuộc khủng hoảng về kinh tế dẫn theo đồng tiền trượt giá mạnh. Điều đó khiến nhiều cầu thủ lao đao khi các CLB trả lương vài tháng một. Thậm chí nhiều cầu thủ còn thích những bản hợp đồng ngắn hạn chỉ một vài tháng. Bởi lẽ có trường hợp sau 6 tháng, khoản tiền lương một cầu thủ nhận được gần như chẳng mua nổi thứ gì giá trị vì đồng tiền trượt giá.
|
Huyền thoại Maradona từng chỉ trích LĐBĐ Argentina vì nạn tham nhũng. |
Đất nước nổi tiếng về bóng đá như Argentina cũng chẳng khá hơn khi huyền thoại Diego Maradona phải chỉ thẳng mặt các quan chức LĐBĐ để chỉ trích. Nạn tham nhũng tràn lan khiến nhiều cầu thủ bị nợ lương hàng tháng trời, các cầu thủ từng đình công nhiều lần để phản đối.
Didier Drogba cũng cảnh báo về sự nguy hiểm với những cầu thủ đang thi đấu tại châu Phi. Gabon là một trong những nơi nguy hiểm nhất thế giới theo cảnh báo của FifPro, cứ bốn cầu thủ lại có một người bị bạo hành về thể xác, cứ ba người lại có một bị các CĐV đe dọa về tinh thần.
Ngay cả châu Âu cũng không hẳn là "miền đất hứa". FifPro cảnh báo sự nguy hiểm tại các quốc gia Trung và Đông Âu, đặc biệt là Serbia. Ngay cả ở một số quốc gia tại Tây Âu và Bắc Mỹ, nơi các cầu thủ được bảo vệ cũng như có mức lương cao hơn thì vẫn có rất nhiều người phải vật lộn với vấn đề vật chất để nuôi dưỡng gia đình và con cái họ.
Như Đạt (Theo Thể thao Việt Nam)