Thứ Sáu, 15/11/2024 Mới nhất
Zalo

Nhân tố dự bị lên ngôi: Sự thay đổi của thời thế

Thứ Bảy 01/12/2012 15:06(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Trong lần cuối cùng lên ngôi VĐQG Anh, Aston Villa chỉ sử dụng 14 cầu thủ trong suốt mùa bóng (1980/81), rồi vô địch Cúp C1/Champions League 1981/82. Bóng đá "ngày xưa" là như vậy. Thời ấy làm gì có khái niệm "cầu thủ dự bị". Chưa có, hoặc có cũng... chẳng ai dùng.

David Fairclough ở Liverpool là "siêu dự bị" đầu tiên trên sân cỏ Anh do được sử dụng theo một cách riêng, tương đối lạ so với thời kỳ thập niên 1970, của HLV Bob Paisley. Và khi người ta gọi ông là "siêu dự bị" thì Fairclough điên tiết vì bị xúc phạm. Cầu thủ mà phải ngồi ngoài thì... còn gì để nói.

Bây giờ, thời thế thay đổi hoàn toàn. Mật độ thi đấu căng thẳng cùng sự phát triển dữ dội của tốc độ trận đấu khiến các đội mạnh phải có hàng chục hảo thủ mới mong đứng vững trên các trận địa. Tầm tầm như Wolfsburg (Bundesliga), đã phải dùng đến trên dưới 40 cầu thủ trong mùa vừa qua.

javier hernandez
javier hernandez

Tottenham hiện có ít nhất 4 thủ môn xuất sắc trong danh sách (Gomes, Cudicini, Friedel, Hugo Lloris). Dù là ngôi sao đi nữa, đa số đều phải chấp nhận là sẽ có lúc họ ngồi ngoài. Chẳng lẽ Lloris - thủ môn số 1 của ĐT Pháp - không đáng gọi là ngôi sao?

Một mặt, các đội bóng lớn phải có thật nhiều hảo thủ trong bản danh sách dài ngoằng. Mặt khác, những cuộc đấu trí của giới cầm quân trong bóng đá đỉnh cao cũng luôn phát triển. Những "siêu dự bị" mà không xuất hiện trong thời buổi này thì đấy mới là chuyện lạ.

Vì chút màu mè hoặc cũng có thể vì chút sự thật, các HLV nổi tiếng như Alex Ferguson tìm cách bác bỏ khái niệm cầu thủ dự bị. Ferguson luôn khẳng định M.U thi đấu bằng "danh sách đội" chứ không phải bằng bất cứ "đội hình kiểu mẫu" nào, hay ở M.U, không có khác biệt giữa đội hình chính và dự bị!

Trước đây, Solskjaer và Sheringham vào sân từ ghế dự bị để liên tiếp ghi bàn trong những phút chót, đưa M.U lên ngôi vô địch Champions League. Oliver Bierhoff hoặc David Trezeguet vào sân từ ghế dự bị và ghi bàn giúp Đức hoặc Pháp vô địch EURO. Bây giờ, Edin Dzeko hoặc Chicharito cũng thường xuyên ghi bàn ở Premiership, khi họ vào sân từ ghế dự bị. Ngẫm kỹ thì cũng không lạ. Bóng đá bây giờ mà không có những "siêu dự bị" thì... thế mới lạ!

Nên thay người vào lúc nào?

Theo một công trình nghiên cứu nghiêm túc của tiến sĩ Bret Myers (chuyên ngành quản lý và điều hành của trường Villanova School of Business, thuộc Đại học Villanova - Mỹ), thì thời điểm thay người tối ưu trong bóng đá đỉnh cao là trước các phút 58, 73, 79. Công trình nghiên cứu này lấy dữ liệu từ tất cả các trận đấu tại Premiership, Serie A, Bundesliga, La Liga trong mùa 2009/10 và MLS 2010, và được giới thiệu trên tờ Wall Street Journal.

Ông kết luận: Khi một đội bóng đang bị dẫn điểm thì HLV nên thay cầu thủ đầu tiên trước phút 58, thay cầu thủ thứ nhì trước phút 73, và thay cầu thủ thứ ba trước phút 79. Các đội tuân theo đúng "quy trình khoa học" này sẽ có xác suất ghi thêm ít nhất 1 bàn là 36%. Các đội không theo quy luật này thì chỉ có xác suất ghi thêm bàn thắng khoảng 18%. Trên thực tế, có gần phân nửa các nhà cầm quân thay người theo quy luật trên.

Giáo sư Myers nhấn mạnh, kết quả nghiên cứu nêu trên chỉ ứng với các đội đang bị dẫn điểm. Với các đội đang thắng hoặc hòa thì quy luật trên không có ý nghĩa. Myers cũng phát hiện thêm rằng giới cầm quân thường không đánh giá đúng nguy cơ kiệt sức vào cuối trận, từ đó dẫn đến tình trạng là họ thường đánh giá quá cao các cầu thủ đá chính và đánh giá cầu thủ dự bị thấp hơn năng lực thực tế của họ.

BẠN CÓ BIẾT?

- Luật cho phép thay cầu thủ ngay khi trận đấu đang diễn ra được FIFA công bố lần đầu tiên vào năm 1953. Đa số các giải hiện chỉ cho phép mỗi đội thay 3 cầu thủ/trận, nhưng đấy không nhất thiết là con số bắt buộc. Trận tranh Community Shield ở Anh cho phép mỗi đội thay tối đa 6 cầu thủ. Ở các trận giao hữu, có khi người ta thay cả đội hình.
- Anatoly Puzach (Liên Xô cũ) là cầu thủ dự bị đầu tiên được vào sân trong một trận đấu thuộc VCK World Cup (năm 1970, trận gặp Mexico). Đấy cũng là VCK World Cup đầu tiên mà FIFA cho phép các đội tự do thay cầu thủ (cầu thủ bị thay không nhất thiết phải chấn thương).
- Trên sân cỏ quốc tế, cầu thủ dự bị đầu tiên được tung vào sân là tuyển thủ Đức Horst Eckel, vào sân thay người trong trận gặp Saarland ở vòng loại World Cup 1954.
- Mùa bóng 1965/66 là mùa đầu tiên giải VĐQG Anh cho phép các đội thay cầu thủ. Mỗi đội chỉ được thay 1 cầu thủ trong 1 trận đấu, với điều kiện cầu thủ bị thay phải chấn thương không thể thi đấu tiếp. Kể từ mùa bóng 1967/68, các đội mới được tự do thay cầu thủ theo ý muốn.
- Keith Peacock (Charlton) là cầu thủ dự bị đầu tiên được vào sân thay người trong bóng đá đỉnh cao tại Anh. Ông vào thay thủ môn Mike Rose (chấn thương) ở phút 11 trong trận gặp Bolton ngày 21/8/1965.

Cát Phương - BĐCS

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X