Thứ Hai, 11/11/2024 Mới nhất
Zalo

Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng tại Emirates: Champions League!

Thứ Sáu 10/10/2014 15:30(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
Arsenal đang khủng hoảng trên mọi phương diện: phong độ, lực lượng, niềm tin... Nguyên nhân của tình trạng đáng buồn này phải chăng là Champions League?

Hình như năm nào Arsenal cũng phải khủng hoảng, không trong thời gian ngắn thì dài... trong suốt 10 năm qua. Năm ngoái tưởng chừng như là một mùa giải thuận lợi của Pháo thủ: Aaron Ramsey chơi như lên đồng, Pháo thủ bay cao trên ngôi đầu bảng xếp hạng cho tới tận sau kì nghỉ lễ Giáng sinh. Họ băng băng về đích như thể không có đối thủ, để rồi chẳng bao lâu sau họ liên tiếp nhận những kết quả cực kì kém cỏi: thua Liverpool 1-5 tại Anfield, thua Chelsea 0-6 tại Stamford Bridge, thua tiếp Everton 0-3 trên thánh địa Goodison Park. Cuộc khủng hoảng "đối đầu trực tiếp" ấy khiến cho chuỗi 5 trận thắng liên tiếp cuối mùa của Pháp thủ chẳng còn quá nhiều ý nghĩa trên đường đua Premier League.

Năm nay, Pháo thủ trải qua liên tiếp 3 cuộc khủng hoảng khi Premier League mới tới vòng đấu thứ 8. Đầu tiên là khủng hoảng lực lượng: họ đã có... hơn một đội hình là "thương binh", trong đó Mesut Ozil và Laurent Koscielny là 2 cái tên mới nhất gia nhập phòng y tế. Thực sự người ta phải đặt câu hỏi về chất lượng đội ngũ y bác sĩ tại Emirates, khi hết mùa này qua mùa khác, không đội nào vượt qua được Arsenal về số lượng cầu thủ chấn thương. Thứ hai là khủng hoảng hoà. Arsenal hoà 4/7 trận mở màn Premier League, chỉ có được nổi 10 điểm (trung bình chưa đến 1.5 điểm/ trận). Đó là kết quả khá tồi nếu như biết hè vừa qua Wenger đã chi tiêu rầm rộ trên TTCN để mua về những Debuchy, Chambers, Sanchez, Welbeck... Cuối cùng là khủng hoảng chiến thuật. Wenger vẫn loay hoay với 4-2-3-1 và 4-1-4-1, để con thuyền Pháo thủ ngày càng trở nên chòng chành vô hướng trong bối cảnh những Chelsea hay Man City đã vào đà để bứt tốc khỏi phần còn lại.

arsenal
Việc được đá Champions League suốt 20 năm qua khiến Arsenal luôn hiểu nhầm về đẳng cấp thực sự của mình...

Có một điểm trùng hợp giữa tần suất khủng hoảng và tần suất tham dự Champions League của Arsenal. Pháo thủ đã là vị khách nhẵn mặt tại đấu trường cao nhất châu Âu trong 20 năm qua, và cũng trong ngần ấy thời gian, họ có rất rất ít mùa giải thành công thực sự (trừ mùa giải bất bại 2003/04). Vậy có thể coi Champions League là nguyên nhân khiến Pháo thủ khủng hoảng? Có thể có, nhất là trong khi Pháo thủ tham gia giải đấu này theo kiểu rất "khách mời", vô thưởng vô phạt. Họ năm nào cũng đến và đi về theo cách rất bình yên, không cạnh tranh chức vô địch (trừ lần về nhì năm 2006), và thường chỉ là một đội đủ khả năng vào tới tầm Tứ kết, cùng lắm là Bán kết. Họ không để lại bất kì một điểm nhấn đáng lưu ý nào như những đối thủ cùng thuộc xứ sở sương mù: đến cả một Liverpool đã xuống dốc trong khoảng 20 năm nay cũng có giai đoạn từ 2004 đến 2007 tương đối "làm mưa làm gió".

Cần thừa nhận Champions League mang lại cho Arsenal những nguồn lợi, mà lớn nhất trong đó là lợi ích về mặt kinh tế - tài chính. Một mùa tham dự Champions League của Pháo thủ có thể kéo dài khoảng 10 trận, và 10 trận đó mang về cho họ số tiền phải tròm trèm 30 - 40 triệu bảng từ bản quyền truyền hình và các khoản đãi ngộ khác. Một trận ra sân tương đương với 3-4 triệu bảng đương nhiên sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề tồn đọng cho tình hình kinh doanh của đội bóng. Giáo sư kinh tế như Arsene Wenger thì phải nắm rõ điều này hơn ai hết.

Tuy nhiên, chính 30-40 triệu bảng này đã đẩy Arsenal vào các cuộc khủng hoảng liên miên. Họ không có một đội hình đủ dày về cả số lượng và chất lượng để căng sức ra trên nhiều đấu trường khác nhau như những ứng cử viên cho chức vô địch. Ở đây Wenger lại xử lý tương đối dở: nếu Premier League luôn là đấu trường ưu tiên của Giáo sư, ông cần biết phân phối lực lượng cho đều, thậm chí hi sinh Champions League để đổi lấy thành tích cao tại sân đấu chính. Đằng này, Wenger thường xuyên để nguyên một bộ khung căng sức ra trên 2, 3 giải đấu, dẫn đến việc đội hình thiếu hụt khi một ai đó gặp chấn thương xảy ra như một điều tất lẽ dĩ ngẫu. Kể từ thời Thierry Henry sang Barcelona, chưa bao giờ Arsenal có lực lượng đủ dày và ổn định để chơi nhiều hơn 1 đấu trường.

arsene wenger
Wenger là người không biết hi sinh các mục tiêu phụ vì cái đích chính

Thực ra Arsenal không yếu, nhưng chính vì chính sách đào tạo trẻ, không bỏ tiền mua người trong suốt thời gian dài của Wenger mà Pháo thủ luôn thi đấu theo kiểu tăng tốc rất nhanh rồi tụt dần vào giữa mùa giải, và sau đó là tự phủi sạch công sức bản thân trong giai đoạn mùa xuân của năm tiếp theo, tức là đúng vào chặng nước rút cần phải "phi hết ga" tại Champions League và Premier League. "Tham thì thâm", Wenger luôn muốn có được nhiều danh hiệu nhất có thể cho thoả cơn khát và làm hài lòng các cổ động viên, để rồi trắng tay gần một thập kỉ theo đúng một kịch bản duy nhất hoàn toàn có thể phòng tránh. Thực ra, cũng có lí do để mà Wenger tham. Khi mà Champions League trở thành một đấu trường khẳng định đẳng cấp của một CLB, thì với việc năm nào cũng được tham dự, Arsenal có thể luôn cho rằng họ thuộc đẳng cấp cao hơn phần còn lại, vì vậy có quyền đòi hỏi. Chính vì việc thiếu hụt ý thức về đẳng cấp thực sự mà Arsenal sai lầm từ chính sách chuyển nhượng cho tới cách phân bố nhân sự.

Nhìn chung, Arsenal vẫn như thế này trong suốt 10 năm qua: đội bóng đủ sức dự Champions League chứ không có đẳng cấp để lên ngôi vô địch ở bất kì giải đấu nào họ tham dự, tức là thuộc loại giỏi, nhưng chưa xuất sắc. Thực ra Wenger đã nhận thấy dấu hiệu của điều này nên đã bắt đầu thay đổi chính sách: ông bắt đầu đầu tư tiền vào việc mua người, làm dày thêm lực lượng. Năm ngoái, một chút hiệu quả đã tới khi Arsenal được giải khát bằng FA Cup. Tuy nhiên hiệu quả không thể đến trong một sớm một chiều, nhất là khi người ta thấy tư duy tham lam tại Emirates vẫn chưa thay đổi. Dù không có được lực lượng dự bị sáng giá (hầu như là các cầu thủ trẻ hoặc đã luống tuổi), nhưng Pháo thủ vẫn chơi rất nhiệt tại Champions League. Bayern hay Barca ngày trước có thể ăn 5, ăn 6 là vì kể cả khi các trụ cột của họ có đau đầu sổ mũi, thành tích của đội bóng vẫn được đảm bảo nhờ sự xuất sắc của những cái tên trên ghế dự bị.

Arsenal chưa đạt được tầm đó, và có lẽ còn lâu mới đạt được tầm đó. Thành tích hiện tại là minh chứng rõ nhất cho việc Pháo thủ đang đứng trước một mùa giải... vứt đi tiếp theo.

Thành Nguyễn 

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X